SUCKHOE+ Nguoi gia va duong lao-02
Empty
Empty

Nhà kinh tế nổi tiếng - tiến sỹ Trần Văn Thọ từng cảnh báo: Việt Nam chưa giàu đã già. Thế hệ “baby boomers” sau chiến tranh nay cũng đang bước vào tuổi 50. Nếu chúng ta “chưa giàu” hay “vẫn nghèo”, liệu chúng ta có quan tâm nhiều hơn đến người già yếu về thể chất và tâm lý, và ngay cả đến người thân nhất của chúng ta? Trong những nước nghèo, khi miếng ăn còn chưa đủ cho trẻ em, thì thật khó lòng để nói đến sự chăm sóc chu đáo cho người lớn tuổi!

Già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng do tỷ lệ tử vong và mức sinh giảm. Năm 2020, người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm 8% dân số và ước tính đến năm 2036, Việt Nam sẽ chuyển từ nước “trẻ” sang nước “già”, nơi những người từ 65 tuổi trở lên sẽ là 14% của tổng dân số. Theo báo cáo của Savills Việt Nam, đến năm 2050, Việt Nam sẽ có dân số siêu già, trong đó trên 20% dân số trên 65 tuổi.

Empty

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội, thì số lượng cơ sở nội trú có dịch vụ chăm sóc người cao tuổi kể cả công và tư đều rất hạn chế, và khái niệm “viện dưỡng lão” còn rất dè dặt trong tâm lý người Việt nói chung.

Rõ ràng, xã hội Việt Nam chúng ta đang có nhiều người trên 65 tuổi hơn thanh thiếu niên. Nhân khẩu học không nói dối. Chúng ta đang trở thành một quốc gia có nhiều người già hơn. Đó không phải là tin xấu, nhưng bởi vì chúng ta cố gắng trì hoãn, bỏ qua hoặc che giấu sự lão hóa toàn xã hội, chúng ta cũng có xu hướng làm ngơ trước sự lão hóa của cha mẹ, ông bà và bên trong chính mỗi người chúng ta.

Empty

Có thể Việt Nam “chưa giàu, đã già”, nhưng với một cách tiếp cận lạc quan, chúng ta có thể thấy cộng đồng “đã già” này lớn đủ để trở thành một thị trường đầu tư tiềm năng. Theo Báo cáo Triển vọng Thị trường Dịch vụ Chăm sóc Người cao tuổi của VCCI tại Việt Nam, cả nước có một thị trường đầy hứa hẹn cho các dịch vụ chăm sóc Người cao tuổi, với 20 triệu khách hàng tiềm năng vào năm 2035, trong đó, chắc chắn có người viết bài này, nếu anh ta còn sống tới ngày đó.

Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cũng có chung quan điểm: “Mạng lưới được thiết kế nhằm góp phần phát triển ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đa dạng về loại hình, quy mô và lĩnh vực hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi, thúc đẩy kinh doanh liên kết và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước".

"Mạng lưới cũng hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng làm việc trong ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. UNFPA rất vui mừng được đóng góp vào việc thành lập mạng lưới".

Báo cáo của VCCI ước tính thị trường chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm lên đến 7% từ năm 2020 đến năm 2027. Tại khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng từ 7,7% đến 14,6%. Báo cáo cho biết năm 2022, với tổng giá trị lên tới 2.000 tỷ USD, biến nó thành một thị trường tiềm năng có giá trị lớn.

Empty

Coi sự phụ thuộc tài chính của người cao tuổi vào con cái và người thân là một thách thức của thị trường, các nhà cung cấp dịch vụ phải phát triển các dịch vụ đủ thuyết phục cả người già và con cháu của họ, những người trả tiền cho dịch vụ.

Ví dụ, một phòng riêng ở Trung tâm Dưỡng lão Nhân Ái hoặc Trung tâm Tuyết Thái ở Hà Nội có giá hơn 15 triệu đồng (750 USD)/tháng/phòng, trong khi mức phí cao hơn sẽ được yêu cầu đối với một phòng ở Viện dưỡng lão Thiên Đức hoặc Trung tâm Dưỡng lão Lotus ở TP.HCM.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tham khảo cách mà nước láng giềng Trung Quốc đang xử lý “thị trường” người già, để có thể rút ra bài học về đầu tư cho thị trường này. Chính phủ Trung Quốc đã dành sự đối xử quốc gia cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi vào tháng 4/ 2019.

Empty

Trung Quốc đang phải đối mặt với sự thiếu hụt không chỉ về lương hưu mà còn cả các cơ sở vật chất cần thiết để chăm sóc người già. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC), có 150 triệu người, tương đương 89,2% người cao tuổi, mắc các bệnh mạn tính vào cuối năm 2018 và 44 triệu người khuyết tật sống. Tuy nhiên, năm đó có chưa đến 500.000 người chăm sóc người cao tuổi và 290.000 viện dưỡng lão với 3,8 triệu giường - tương đương với 22,6 giường cho mỗi 1.000 người trên 65 tuổi - theo số liệu của Bộ Dân sự (MCA). Ngược lại, các nền kinh tế phát triển như Úc, Canada và Anh có số giường trên 1.000 người cao tuổi tăng hơn gấp đôi vào năm 2018, theo ước tính của OECD.

Trung Quốc đã mở cửa lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi cho đầu tư tư nhân vào năm 2014. Tuy nhiên, Cascade Healthcare - một công ty con chăm sóc người cao tuổi của Columbia Pacific Management có trụ sở tại Hoa Kỳ - đã nhận được sự chấp thuận để xây dựng các viện dưỡng lão ở Trung Quốc sớm nhất là vào năm 2011. Vào tháng 4/2019, Chính phủ đã công bố chế độ đãi ngộ quốc gia cho các nhà đầu tư nước ngoài thành lập các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, khiến họ đủ điều kiện nhận tất cả các khoản trợ cấp của chính phủ, miễn là họ chấp nhận người già tàn tật.

Mô hình viện dưỡng lão phổ biến nhất là hợp tác công tư (PPP), trong đó chính quyền địa phương cung cấp đất và một tổ chức tư nhân thành lập và vận hành viện dưỡng lão. Có 62 dự án như vậy trên toàn quốc vào tháng 6/2019. Hai dự án PPP viện dưỡng lão ở quận Phủ Điền của Thâm Quyến đã được chính quyền trung ương chọn là cơ sở quốc gia mẫu mực. Huyện đã hợp tác với China Vanke và Chuanglefu, một trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở địa phương. Tuy nhiên, không phải tất cả các dự án PPP đều thành công, trong đó có trường hợp chính quyền địa phương không hoàn thành hợp đồng và các công ty tư nhân đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu vốn cao. Một số nhà đầu tư đã xây dựng các viện dưỡng lão và bệnh viện cùng nhau. Ví dụ, Evergrande, một nhà phát triển bất động sản hàng đầu ở Trung Quốc, đang xây dựng tám "thung lũng chăm sóc sức khỏe" trên toàn quốc, bao gồm bệnh viện, khu dân cư, trường học, phố thương mại và trung tâm đào tạo y tế. Có một viện dưỡng lão làm tăng thêm giá trị cho các khu nhà ở và có thể được trợ cấp bằng phí quản lý bất động sản.

Empty
Empty

Trong đại dịch COVID-19 tôi nhận được tin một người bạn cùng tuổi đã mất ở Mỹ. Nhóm bạn bè chúng tôi, tất nhiên, ai cũng đau buồn vì mất một người bạn, nhưng “trái tim càng tan vỡ” hơn khi nghe bạn chết cô đơn trong một viện dưỡng lão xa lạ. Thật ra, cảm giác đau buồn hơn hay cay đắng kia, chỉ xuất phát từ một thành kiến cố hữu của người Việt nói riêng và người châu Á nói chung về viện (nhà) dưỡng lão mà thôi!

Đó là “mặc cảm tội lỗi” khi phải đưa người thân già yếu (cụ thể như cha mẹ) vào nơi khác, không phải nhà mình, và mình không trực tiếp chăm sóc. Hơn nữa, đến phiên mình, cũng ít người trong chúng ta lại muốn rời nhà, rời vòng tay yêu thương của con cái, đến “nơi ở mới” có tên là Viện dưỡng lão.

Trong một video “Đối mặt với chứng mất trí nhớ” do Đài truyền hình Singapore (CAN) thực hiện vào cuối tháng 9/2022, kể về câu chuyện và cuộc đấu tranh của Danny, người đã trở thành người chăm sóc mẹ anh khi bà rơi vào tình trạng mất trí nhớ. Trong cuộc phỏng vấn, anh ấy nói: “Tôi đã dự tính gửi mẹ vào nhà dưỡng lão, nhưng không thể. Có thể nào như thế? Không đời nào". Khi người phỏng vấn hỏi lý do, giọng anh như vỡ ra khi giải thích: “Bà đã ở viện dưỡng lão trong 3 tháng. Mỗi lần tới thăm nhìn thấy mẹ ngồi thẫn thờ, tôi như chết mất thôi”.

Ngay cả trong các nền văn hóa hiện đại, vẫn có kỳ thị đối với các cơ sở chăm sóc người già. Mô tả thường tiêu cực của phương tiện truyền thông về các viện dưỡng lão tạo ra một nhận thức kỳ thị và hạ thấp giá trị thực của các nhà dưỡng lão. Người ta thường nghĩ đến nhà dưỡng lão với các khái niệm tiêu cực như: sức khỏe người già giảm sút nhanh chóng, mất khả năng độc lập và bị người chăm sóc ngược đãi. Chính vì vậy thật khó khăn để quyết định chọn nhà dưỡng lão cho cha mẹ khi họ già yếu.

Chính giáo sư Noam Chomsky, nhà ngữ học lừng danh người Mỹ, trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào năm 2009, cũng lên án hệ thống tồi tệ của các viện dưỡng lão ở Hoa Kỳ - nền kinh tế số 1 thế giới. Tuy vậy, ông vẫn cho rằng viện dưỡng lão là cách tốt nhất có thể để xã hội chăm sóc người già nếu hệ thống nhà dưỡng lão ngày càng được chuyên môn hóa.

Người Mỹ, giống như ở nhiều quốc gia giàu có khác, họ đặc biệt dành nhiều chăm sóc cho thế hệ người già. Vào năm 1990, cứ 1 người già, có 11 người chăm sóc tiềm năng. Vào năm 2050, tỷ lệ đó sẽ giảm, chỉ còn bốn trên một, nghĩa là một người già chỉ cần 4 người chăm sóc, nhờ vào phương tiện công nghệ và cơ sở y tế hiện đại hơn.

Empty

Ở vai trò làm con, chúng ta thường mang mặc cảm tội lỗi, khi không có điều kiện trực tiếp chăm sóc cha mẹ già yếu. Cảm giác tội lỗi này có thể đeo đẳng chúng ta và trở thành gánh nặng tâm lý khi chính bản thân mình cũng bắt đầu già lão như cha mẹ trước đây.

“Đúng. Tôi đã “cắn răng” để cha tôi sống trong một viện dưỡng lão, nơi có thể chăm sóc suốt ngày đêm tốt hơn những gì tôi và anh em tôi thể làm bằng tất cả “lòng hiếu thảo” khi để ông ở nhà”, một người bạn có cha vừa qua đời ở Viện dưỡng lão nói với tôi qua điện thoại.

Cuối cùng, bạn tôi - một giáo sư toán nghỉ hưu ở Virginia - cho rằng đưa cha vào viện dưỡng lão là một việc làm đúng đắn. Trong khi, hầu hết trong nhà ai cũng biết mình chưa bao giờ được đào tạo để chăm sóc người già thường xuyên có bệnh nền. Và cách tốt nhất là đưa cha già đến viện dưỡng lão, nơi mà những người chăm sóc được đào tạo chuyên môn, sẵn sàng hy sinh giờ giấc vì sức khỏe, an vui của những người mà họ xem là “bạn già đích thực”.

Bạn tôi cho rằng, món quà tuyệt vời mà viện dưỡng lão đã mang lại cho ông chính là cơ hội để ông và gia đình ông “học cách nhìn tuổi già theo những cách tiếp cận mới”. Theo dõi cha sống bình an trong viện dưỡng lão, chính ông vượt ra khỏi bi quan về quá trình lão hóa của mình, không lặp lại như cách mà cha mẹ ông đã chịu đựng trước đây. Nói gọn lại: cha ông có thể sống tốt trong viện dưỡng lão, thì đến phiên ông, ông cũng sẽ được như thế, không có gì phải lo toan về quá trình lão hóa đang đến gần.

Một câu chuyện khác của nhà báo Anh Jen McPherson, viết trên báo The Guardian, mà tôi mạn phép trích dịch tại đây: “Tôi cảm thấy tội lỗi khi đưa bố tôi vào viện dưỡng lão. Tôi 21 tuổi khi mẹ tôi qua đời vào năm 2011. Thật là đau buồn. Nhưng đau buồn hơn là người cha 75 tuổi suy sụp hoàn toàn chỉ qua một đêm. Còn lại một mình, ông rơi vào trầm cảm. Ông bỏ ăn, bỏ ngủ và có thể ra đi bất cứ lúc nào. Tôi phải vật lộn với cảm giác xấu hổ và hụt hẫng. Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là quyết định đó có thể đẩy nhanh quá trình sụp đổ của cha. Thật may mắn, và thật ngạc nhiên, viện dưỡng lão lại là nơi tốt hơn so với những gì tôi có thể tưởng tượng. Nó mang lại cho cha sự bầu bạn, sự ấm áp và những câu chuyện phong phú. Ông cần môi trường chăm sóc này giống như một đứa trẻ cần cha mẹ.”

“Viện dưỡng lão không thể thay thế cho tình yêu và sự chăm sóc của gia đình, nhưng nó giống như một tấm chăn an toàn”. Trong viện dưỡng lão, cha tôi sống lại và trở lại với bản thân vui tính, ham học hỏi. Mỗi lần tôi đến thăm, ông đều đi lại với chiếc gậy hoặc xe lăn, với tinh thần phấn chấn. Cha tôi có thể tận hưởng yêu thích lớn nhất của mình là đọc sách tại viện dưỡng lão. Tôi đã mua cho ông những cuốn sách về lịch sử, chính trị và đất nước Scotland yêu quý của ông. Ông đọc ngấu nghiến, đôi khi một cuốn sách mỗi ngày. Trong khi cơ thể ngày càng kém, tâm trí ông vẫn nhạy bén. Chúng tôi đã nói chuyện hàng giờ về thời thơ ấu trong chiến tranh của ông… Các nhà dưỡng lão có thể bị mang tiếng xấu về việc bỏ bê và lạm dụng, nhưng tôi chỉ thấy điều tốt. Công việc không mệt mỏi của các nhân viên và nguồn cung cấp sự đồng cảm và chăm sóc vô tận của họ đã cho cha tôi một cuộc sống mới, trước khi lên chuyến tàu cuối của cuộc đời”.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết