Paracetamol là thuốc không kê đơn, nhưng lạm dụng có thể gây ngộ độc
Vaccine Nano Covax được xem xét cấp phép khẩn cấp
Nên ăn gì để giảm tác dụng phụ sau tiêm vaccine phòng COVID-19?
TP.HCM ra chỉ thị khẩn phòng, chống dịch COVID-19
TP.HCM phun khử khuẩn toàn thành phố, TP.Nha Trang áp dụng Chỉ thị 16
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, trên mạng xã hội đã xuất hiện các hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách điều trị COVID-19 tại nhà. Từ sử dụng nước muối đậm đặc để rửa mũi hàng ngày, đến tự ý dùng paracetamol để hạ sốt, các “thần y” trên mạng gây hoang mang cho người dân bằng các thông tin chưa được kiểm chứng.
Vài ngày trước, người dân đổ xô, tranh giành nhau mua thuốc Tylenol (một dạng paracetamol) của Mỹ nhằm mục đích tích trữ, tự điều trị các biểu hiện gần giống COVID-19 như đau đầu, sốt cao. Tuy nhiên, Tylenol chỉ là thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường, không nên tự ý sử dụng cho bệnh nhân COVID-19.
Tuyệt đối không tự ý điều trị COVID-19 theo các thông tin không được hướng dẫn chính thức từ Bộ Y tế
Chia sẻ với báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung tâm đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc hạ sốt paracetamol nhằm “chữa COVID-19”.
Paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen) là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình. Theo cảnh báo của bác sỹ, dược phẩm chứa paracetamol rất dễ bị lạm dụng, quá liều. Trong trường hợp thấy bệnh không thuyên giảm, nhiều người bệnh tự ý tăng liều để có tác dụng mạnh, dẫn đến ngộ độc lúc nào không hay.
Các biểu hiện ngộ độc paracetamol rất kín đáo, trong 2-3 ngày đầu chỉ có thể phát hiện qua xét nghiệm men gan. Khi có những triệu chứng rõ ràng như chán ăn, vàng da, người bệnh có khả năng đã bị suy gan cấp, hôn mê gan, tỷ lệ tử vong tới 50% hoặc hơn.
Người bệnh ngộ độc paracetamol được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Cũng theo BS. Nguyên, khi lạm dụng paracetamol có thể dẫn tới co mạch, xuất hiện cơn tăng huyết áp, đau tim, gây mê sảng, ảo giác, táo bón, tắc ruột, co giật, loạn nhịp tim... Với trẻ nhỏ, các thành phần kết hợp của thuốc này đều có nguy cơ gây thở yếu, ngừng thở.
Để sử dụng paracetamol an toàn, người trưởng thành chỉ nên dùng 2-3 viên paracetamol loại 500mg trong vòng 24 giờ. Người bệnh cần biết rõ tên, thành phần các thuốc đang dùng, tuân thủ hướng dẫn của bác sỹ kê đơn và không tự ý tăng liều.
Một số đối tượng sau nên cẩn trọng và dùng paracetamol liều thấp nhất có thể:
- Người có thể trạng gầy yếu, suy nhược, ăn kém, sốt cao hoặc nhiễm trùng nặng kéo dài, cơ thể có các tình trạng bệnh tiêu hao nhiều năng lượng (như sau mổ).
- Người thường xuyên uống nhiều rượu bia đặc biệt dễ bị ngộ độc paracetamol.
- Người đang dùng thuốc chữa bệnh lao, chữa động kinh, do nhóm thuốc này có thể làm tăng độc tính của paracetamol.
Riêng với các bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt, khó thở, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà theo các chỉ dẫn vô căn cứ trên mạng. Thay vào đó, bạn cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khuyến cáo, người dân cần hết sức cảnh giác, không nên tự ý mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành. Kết quả xét nghiệm có thể không chính xác, không những mất tiền oan mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Bình luận của bạn