Giờ ăn trưa, tại quán ăn (bistro) của Belong, trên một cái bàn, 6-7 trẻ mới biết đi đang cùng thưởng thức món hầm cassoulet xúc xích, khoai tây nghiền và rau theo mùa. Với những người chưa quen, ai cũng sẽ nghĩ rằng, rồi quán ăn sẽ vô cùng bừa bộn. Thế nhưng, mọi chuyện lại không hề như vậy. Lũ trẻ dùng dĩa xiên/xúc đồ ăn cho vào miệng thay vì ném xuống sàn nhà, khuôn mặt của chúng cũng sạch sẽ không cần lau. Trong đám trẻ, một bé gái đang mặc chiếc áo trắng tinh không hề có vết cà chua nào. Như một phép màu.
Còn ông Bill Wall, người đang ngồi ở một cạnh của bàn, vừa nhâm nhi li cà phê vừa nhẹ nhàng khuyến khích bọn trẻ ăn thêm vài miếng nữa. Người cựu thợ điện 87 tuổi này đã trở thành “người bạn già” của lũ trẻ. “Bill của chúng cháu” là cách lũ trẻ gọi ông. Kể từ khi chuyển tới cộng đồng liên thế hệ này vào năm ngoái, ông dành phần lớn thời gian ở khu nhà trẻ này hơn là ở trên dãy phòng chăm sóc của mình.
Mấy ngày này, ông Wall gặp khó khăn trong việc nói chuyện nhưng ông cũng không cần nói nhiều với bọn trẻ. Một trong những người bạn nhỏ ăn trưa cùng ông là Jacob Farrell-Ogunyemi, ba tuổi, đang ăn phần cassoulet thứ ba. Mẹ của Jacob, Maeve Farrell, một giáo viên, rất vui mừng không chỉ vì Jacob chịu ăn nhiều món hơn mà còn với các mối quan hệ của cậu và Bill cũng như những người bạn khác. Cô Farrell đến từ Bắc Ireland và bạn đời của cô đến từ London: “Chúng tôi không có gia đình ở đây. Vì vậy, tôi rất lưu tâm đến việc Jacob có thể bỏ lỡ các mối quan hệ cũng như những gì thằng bé có thể học được ở những người bạn khác tuổi.”
Belong Chester tự nhận là “cơ sở chăm sóc mở” dành cho người cao tuổi đầu tiên tại Vương quốc Anh thực hành nghiên cứu tích hợp nhà trẻ - nơi trẻ em và cư dân viện dưỡng lão có thể dành thời gian cho nhau mỗi ngày. Cơ sở này nằm trong một khu phức hợp năm tầng được xây bằng gạch đỏ tại trung tâm thành phố Chester. Quán ăn và tiệm làm tóc ở tầng trệt mở cửa cho công chúng. Khu nhà chăm sóc nằm ở các tầng trên, với các nhà tập thể từ 6-12 người, và 23 căn hộ cho thuê hoặc mua của những người cao tuổi thích sống biệt lập.
Không ít cư dân của viện dưỡng lão bị mất trí nhớ nhưng họ đều có cơ hội chơi với lũ trẻ hàng ngày. Cuộc sống liên thế hệ này đang nằm trong nghiên cứu của 9 trường đại học. Họ đánh giá lợi ích sức khỏe thể chất và tinh thần của cuộc sống liên thế hệ.
Theo bà Sue Egersdorff - đồng sáng lập của Ready Generations, tổ chức từ thiện điều hành viện dưỡng lão-nhà trẻ Belong, ý tưởng xây dựng viện dưỡng lão - nhà trẻ này đến từ một chương trình truyền hình. Cũng có nhiều viện dưỡng lão khác cũng sử dụng mối liên kết liên thế hệ này, nhưng chỉ vào những dịp đặc biệt, như một ngày trong học kỳ, Lễ Phục sinh, Giáng sinh… những đứa trẻ sẽ ghé chơi 1 ngày. Bà Egersdorff và người đồng sáng lập Belong, Liz Ludden, đều cho rằng, việc “thỉnh thoảng” có mối liên hệ liên thế hệ này chỉ khiến những cư dân viện dưỡng lão buồn bã và bối rối hơn mà thôi.
Thêm vào đó, các nhân viên của Belong không mặc đồng phục để xây dựng cảm giác cộng đồng. Mọi tương tác giữa cư dân viện dưỡng lão và nhà trẻ đều được nhân viên chăm sóc giám sát chặt chẽ. Mỗi ngày, nhân viên chăm sóc đều hỏi cư dân viện dưỡng lão xem họ có chào đón bất kỳ “du khách nhà trẻ” nào không. Nếu những cư dân này không muốn hoặc quá mệt để có thể xuống nhà, họ có thể gửi thư mời cho những đứa trẻ thông qua một chiếc hộp thư màu đỏ đặc biệt ở khu lễ tân.
Vợ chồng ông Alan và bà Diana Hyde đều đã 82 tuổi, thường mời lũ trẻ đến căn hộ của họ để xem chú vẹt đuôi dài Joey. Bà Diana đang sống chung với căn bệnh Alzheimer, nhưng "bà ấy yêu trẻ con", ông Alan cho biết. "Những ngày bà ấy không vui, tôi sẽ đưa bà ấy xuống phòng trẻ em và như thể có ai đó đã bật lại công tắc vui vẻ cho bà ấy. Thật kỳ diệu."
Ông Alan cho biết, việc yêu thương và chăm sóc một người mắc chứng Alzheimer có thể rất khó khăn, nhưng kể từ khi chuyển đến Belong, “Tôi có nhiều bạn hơn trước. Cách đây không lâu, tôi đưa Diana đến tiệm làm tóc ở ngôi làng tôi từng sống và họ đã nói với tôi rằng, tôi và Diana trông vui vẻ hơn trước rất nhiều”.
Bà Liz Ludden cho rằng, mối liên kết liên thế hệ này đem lại tác dụng theo cả hai hướng: “Những đứa trẻ sẽ vui mừng khi gặp bà Diana”. Đầu năm nay, bà Diana đã phải nằm viện sau khi bị đột quỵ và gãy tay. Một số đứa trẻ phát hiện ra ông Alan tới phòng trẻ một mình thì hỏi, “Ông Alan, bà Diana đâu rồi?” Ông Alan đã rất xúc động khi nghe lũ trẻ hỏi như vậy.
Không ít phụ huynh ở nhà trẻ Belong thừa nhận rằng rằng con cái của họ trở nên biết quan tâm hơn khi giao lưu với người lớn tuổi.
Cô Farrell cho biết: “Một số người lớn tuổi phải ngồi xe lăn, một số người gặp khó khăn khi nói hoặc hạn chế về giao tiếp và tôi nghĩ điều đó khiến Jacob trở nên đồng cảm hơn. Tôi đang mang thai sáu tháng và khi tôi ốm, Jacob đã đến thăm tôi. Tôi không biết điều đó có bình thường với một đứa trẻ ba tuổi không, nhưng Belong chắc chắn đang dạy trẻ em rằng chúng phải cẩn thận một chút khi ở gần bạn của mình. Một trong số người bạn của Jacob đã bị ngã và bị bầm tím, Jacob đã tới hỏi thăm họ”.
Cô Amy Liu cho biết, con gái Charlotte ba tuổi của cô đã học được rất nhiều điều từ những người bạn của cháu ở nhà trẻ. “Ngôn ngữ của Charlotte vượt trội hơn hẳn so với các bạn cùng lứa. Cháu sử dụng từ đúng ngữ cảnh và nói thành câu hoàn chỉnh”.
Không phải tất cả những cư dân lớn tuổi đều đồng ý với sự tích hợp này ngay từ đầu. Bà Dorothy Hulford - 87 tuổi, một cựu quản trị viên trường đại học đã chuyển đến sống cùng người chồng 95 tuổi của bà, Frank, vào năm ngoái. Bà thừa nhận, trước đó bà đã từng hoài nghi về hiệu quả của việc này nhưng rồi bà đã bị cuốn vào đó. Giờ đây, phần lớn thời gian của bà là ở phòng trẻ, "vui vẻ và hãnh diện" khi được bọn trẻ chấp nhận. "Tôi không thích cưng nựng đám trẻ, tôi thích đi dạo với chúng", bà Dorothy cho biết.
“Pramble” là cụm từ mà các cư dân của Belong đặt cho hoạt động đi dạo dọc con kênh đào của những người lớn tuổi và lũ trẻ. Đây là hoạt động phổ biến ở Belong mỗi ngày. Một “lễ hội” của xe lăn, xe tập đi, xe đẩy và xe nôi. Và dẫn đầu đoàn diễu hành này luôn là chiếc xe đẩy 6 chỗ của ông Ralph Barnes, 68 tuổi, sống trong một căn hộ ở Belong với mẹ của mình, bà Doreen - 87 tuổi.
Một số người đã cho rằng những chuyến đi bộ này là mạo hiểm, bà Ludden cho biết. “Họ nói với chúng tôi rằng, bạn có nghĩ để một người mắc chứng mất trí đẩy xe nôi dọc theo kênh đào là an toàn không? Nhỡ có chuyện gì xảy ra thì sao? Nhưng tôi sẽ trả lời rằng, tất cả các biện pháp an toàn đã được áp dụng. Những người đi dạo đều biết nhau, có kết nối với nhau, và chúng tôi có nhân viên đi cùng. Hoàn toàn không có lý do gì để cho rằng việc này không an toàn.”
Giám đốc điều hành của Belong, ông Martin Rix cho biết, sự thay đổi ở một số cư dân lớn tuổi là đáng chú ý. “Chúng tôi nhận thấy điều đó ở một số người lớn tuổi. Khi đến, họ hơi khép kín, và khi những đứa trẻ tới, bạn sẽ nhìn thấy họ dần trở nên cởi mở như thế nào. Chúng tôi gọi đó là sự bung nở.”
Bà June Davis - 83 tuổi, cựu giáo viên mẫu giáo, đã đến Belong vào năm ngoái trên xe lăn, run rẩy vì bệnh Parkinson và lú lẫn vì chứng mất trí. "Bà ấy đã bị gãy xương hông và phải thay khớp háng. Chúng tôi không bao giờ nghĩ bà ấy có thể đi lại được nữa", con gái bà, Paula, cho biết. Thế nhưng, bây giờ bà ấy không chỉ có thể lên xuống cầu thang mà còn có thể đi bộ tới công viên ở gần đó. Bà còn có thể đọc sách cho lũ trẻ 3 tuổi trong thư viện và hát trong dàn hợp xướng.
Giáng sinh năm ngoái, Belong đã tổ chức chiếu phim Frozen và cung cấp những quả cầu tuyết polystyrene cho cư dân và trẻ em ném vào nhau. "Những đứa trẻ đã giúp những người lớn tuổi ném chúng và tôi đã rơi nước mắt vì nó thật đáng yêu", cô Farrell nói.
Bà Hulford cho rằng việc tương tác với trẻ em là "cực kỳ quan trọng" đối với những người đàn ông. "Những người đàn ông hầu như không tham gia vào việc chăm sóc con cái của họ khi còn nhỏ bởi khi đó họ còn đang đi làm. Và bây giờ, tôi thấy họ thích ở bên những đứa trẻ tuổi mẫu giáo đến mức nào".
Khi mới chuyển đến Belong, ông Iain Wheelton - một cựu Không quân Hoàng gia Anh 84 tuổi, không chắc mình có muốn dành thời gian cho trẻ em hay không. Còn bây giờ, người ta thường thấy ông chạy đua với những đứa trẻ mới biết đi trên xe lăn của mình và để chúng nhấn nút để xe kêu bíp.
Cô Tracey Crutchley đã đi cùng mẹ - bà Shirl Heaton, đến buổi hợp xướng, cho biết việc chuyển mẹ cô đến Belong là một quyết định rất khó khăn. Nhưng cô cho rằng người mẹ 89 tuổi của cô thực sự may mắn. Bạn bè của bà đã ngừng đến chơi với bà vì họ không biết phải nói chuyện gì với một người bị Alzheimer như bà. Để có tiền chi trả cho cuộc sống ở Belong, cô Crutchley đã bán căn hộ của mẹ mình và dùng khoản tiền đó để chi trả tiền chăm sóc suốt quãng đời còn lại cho bà.
Theo bà Egersdorrf, chi phí để có thể vào ở trong Belong khá cao. Các căn hộ độc lập có giá từ 209.000 đến 270.000 bảng Anh cho căn một phòng ngủ và từ 286.000 đến 396.000 bảng Anh cho căn hai phòng ngủ. Tiền thuê chăm sóc hàng tuần từ 826 đến 1.541 bảng Anh, bao gồm dịch vụ y tá trực 24 giờ, với các gói chăm sóc có sẵn với chi phí bổ sung. Cũng theo bà Egersdorrf, bởi chi phí cao như vậy nên khó có thể có nhiều viện dưỡng lão kết hợp như Belong. Nhà trẻ ở Belong hiện chỉ có 25 suất học, có giá 59 bảng Anh cho mỗi trẻ một ngày. Hiện giờ, hai người sáng lập Belong đều không nhận tiền thu được từ nhà trẻ, tất cả đều dành chi trả cho các hoạt động của nhà trẻ mà thôi. Họ hy vọng rằng bằng cách hợp tác với các nhà nghiên cứu, họ sẽ có thể "chứng minh rằng đây là cách tốt hơn để giáo dục trẻ nhỏ và chăm sóc người già".
Bà Egersdorrf cũng hy vọng, khái niệm liên thế hệ này sẽ được mở rộng hơn nữa, ví như ở lứa tuổi sinh viên chẳng hạn. “Chester là một thành phố đại học. Sinh viên muốn có chỗ ở rẻ hơn thì có thể liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi có thể giảm tiền thuê nhà, nhưng bù lại, các bạn ấy sẽ phải làm công tác xã hội 20 giờ một tuần. Tôi nghĩ mọi người đã sẵn sàng cho sự thay đổi”.
Bình luận của bạn