- Chuyên đề:
- Đái tháo đường
Nhiều bệnh nhân phải nhập viện sau khi sử dụng "viên sủi tiểu đường" không rõ nguồn gốc
Suy giảm chức năng sinh lý ở người đái tháo đường type 2 phải làm sao?
Bị suy thận độ 2 kèm đái tháo đường, tăng huyết áp nên chữa thế nào?
Mắc đái tháo đường: Nên dùng dầu ăn gì để kiểm soát đường huyết?
4 thay đổi trên da có thể cảnh báo bệnh đái tháo đường
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.T (58 tuổi, trú tại Kiến Thụy, Hải Phòng). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đường huyết và huyết áp tăng cao, da niêm mạc phù nề, cơ thể mệt mỏi, hoạt động chậm.
Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng gần một tháng nay, bệnh nhân tự ý bỏ thuốc theo đơn của bác sỹ để dùng thuốc nam cùng viên sủi không rõ nguồn gốc. Viên sủi này được quảng cáo trên mạng xã hội với giá gần 3 triệu đồng cho một liệu trình, với cam kết khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường.
Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm trong khi tình trạng đường huyết lại tăng lên. Khoảng một tuần nay, bệnh nhân thấy cơ thể và mặt phù nặng lên kèm theo cảm giác khó thở về đêm và sáng sớm. Khi tình trạng trên có dấu hiệu nặng dần, bệnh nhân được người nhà cho chuyển thẳng Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Bệnh nhân nhập viện sau khi tự ý bỏ thuốc kê đơn (Ảnh: Thúy Quỳnh)
Tại đây, sau khi tiến hành cấp cứu, bệnh nhân được ghi nhận các chỉ số đường huyết 17,6mmol/L và huyết áp 190/110mmHg. Kết quả siêu âm cho thấy, tràn dịch màng phổi hai bên.
Theo nguồn tin bệnh viện chia sẻ với báo Quân đội nhân dân, đây không phải trường hợp duy nhất nhập viện cấp cứu do tự ý ngừng thuốc điều trị. Trước đó, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 68 tuổi (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) với những triệu chứng tương tự khi dùng viên thuốc dạng sủi để điều trị bệnh đái tháo đường.
Bác sỹ Nguyễn Công Bình - Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, thời gian qua bệnh viện tiếp nhận liên tiếp nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường, tăng huyết áp với nguyên nhân tự ý dùng thuốc được quảng cáo trên các trang mạng xã hội.
Nhiều bệnh nhân khi đưa vào cấp cứu đã trong tình trạng rất nặng nề, nguy hiểm tính mạng như suy thận, suy gan, biến chứng tim mạch dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Đặc biệt, có bệnh nhân phải tiến hành lọc máu để phục hồi bởi nguy cơ biến chứng tăng đe dọa tới tính mạng.
Hiện nay, bệnh đái tháo đường không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát đường huyết nhờ chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh kết hợp với thuốc kê đơn tại các cơ sở y tế uy tín. Sử dụng thuốc nam, thuốc “chữa tiểu đường” không rõ nguồn gốc có thể dẫn tới “tiền mất, tật mang”.
Người bệnh đái tháo đường nên cẩn trọng với những sản phẩm mang tên thuốc, thực phẩm chức năng hứa hẹn việc dùng các loại thuốc khác nhau sẽ giúp bệnh nhân “chữa khỏi”, “hết bệnh”. Đồng thời, người dân không nên tin và mua sản phẩm theo những quảng cáo trên mạng xã hội có dấu hiệu thổi phồng công dụng sản phẩm.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh cần đi khám định kỳ, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ chuyên khoa nội tiết, đái tháo đường. Trước khi sử dụng dược phẩm ngoài đơn thuốc, người bệnh cần tham khảo tư vấn của bác sỹ điều trị, tránh dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được Bộ Y tế cấp phép.
Bình luận của bạn