Nhiệt độ đại dương phá kỷ lục, nguy cơ khủng hoảng khí hậu

Hiện tượng nước biển nóng lên ảnh hưởng nghiêm trọng tới khí hậu và hệ sinh thái

Trái Đất nóng lên, Việt Nam cần làm gì ứng phó với biến đổi khí hậu?

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào đến ngành sản xuất rượu vang ở New Zealand?

El Nino trở lại, thế giới có thể trải qua mùa Hè nóng lịch sử trong năm 2023

Nắng nóng kỷ lục bao trùm khắp Châu Á

Nhiệt độ bề mặt đại dương tăng cao nhanh chóng trong hơn một tháng qua là một điều bất thường mà các nhà khoa học chưa thể lý giải. Dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy, nhiệt độ trung bình của bề mặt đại dương kể từ đầu tháng 4 là 21,1 độ C, phá kỷ lục 21 độ C vào năm 2016.

Kể từ ngày thu thập dữ liệu (8/4) đến nay, nhiệt độ dao động theo ngày nhưng chưa có dấu hiệu sẽ giảm xuống. Trong khi đó theo xu hướng hàng năm, nhiệt độ bề mặt đại dương thường sẽ đạt đỉnh vào khoảng tháng 3-4, sau đó giảm dần. Đặc biệt, tại thời điểm này, hiện tượng El Nino còn chưa hình thành.

Thế giới được dự đoán sắp tiến vào giai đoạn El Nino trong năm nay. El Nino là hiện tượng gió thổi về phía Tây dọc theo đường xích đạo, chậm lại khiến nước biển ấm và nhiệt độ bề mặt đại dương nóng hơn. El Nino thường phá vỡ những kỷ lục nhiệt độ cao ở cấp độ toàn cầu.

Nhiệt độ trung bình của bề mặt đại dương liên tục phá vỡ kỷ lục - Ảnh: The Guardian

Nhiệt độ trung bình của bề mặt đại dương liên tục phá vỡ kỷ lục - Ảnh: The Guardian

Giáo sư Mike Meredith – Trung tâm British Antarctic Survey, Hội đồng Nghiên cứu Môi trường tự nhiên cho hay: "Hiện tượng này đang khiến các nhà khoa học đau đầu, không chỉ bất ngờ mà còn rất đáng lo ngại. Đây có thể là hiện tượng cực đoan ngắn hạn, hoặc có thể là mở đầu của giai đoạn nghiêm trọng hơn rất nhiều."

Nước biển ấm lên kéo theo nhiều tác động tiêu cực tới môi trường và khí hậu toàn cầu. Thể tích nước biển tăng do nền nhiệt cao, đồng thời làm tan băng ở hai cực, dẫn đến hiện tượng mực nước biển dâng lên. Đặc biệt, điều này sẽ đe dọa sự sống toàn bộ hệ sinh thái biển. Những loài sinh vật thích nghi chậm như các rạn san hô, có nguy cơ không thể phục hồi.

Các nhà khoa học lo ngại rằng, hiện tượng biển ấm lên nhanh chóng có thể là dấu hiệu khủng hoảng khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự đoán. Những thập kỷ qua, các đại dương bao phủ bề mặt Trái Đất đã góp phần "kìm hãm" biến đổi khí hậu, nhờ khả năng giữ lại phần lớn carbon dioxide mà con người xả vào khí quyển. Các đại dương cũng hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng dư thừa, góp phần giảm nhẹ tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu trên đất liền. Rất có thể đại dương cũng đã "chạm giới hạn" và không thể hấp thụ thêm nữa.

Theo chuyên gia quan trắc đại dương Simon Good – Cơ quan Khí tượng Anh Quốc, ba năm diễn ra hiện tượng La Nina (trái ngược với El Nino) đã giúp bề mặt Thái Bình Dương giảm nhiệt độ và hạn chế tác động của phát thải khí nhà kính. Với sự kết hợp của El Nino vào cuối năm nay, nhiệt độ bề mặt đại dương có thể tăng lên tạm thời, kéo theo hiệu ứng tăng vọt với nhiệt độ toàn cầu.

Các nhà khoa học từng rất bất ngờ vì những hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra trong năm 2021. Nhưng chúng lại tiếp diễn trong năm 2022. Kỷ lục nhiệt độ cao cũng liên tục bị xô đổ ở các khu vực tại châu Á trong tháng 4/2023. Đây là những dấu hiệu "nhãn tiền" của biến đổi khí hậu đang diễn ra toàn cầu. 

 
Quỳnh Trang (Theo The Guardian)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn