Thuốc nào chữa bệnh ra mồ hôi tay chân?

Nhiều mồ hôi tay, chân, nách: Thuốc nào chữa khỏi?

Mồ hôi vùng nách: Trị dứt điểm cách nào?

Đổ mồ hôi về đêm là bệnh gì?

Tay chân ra "nước"... Khổ lắm!

Nhìn mồ hôi đoán bệnh

Hỏi: Tôi 28 tuổi, bị ra mồ hôi tay chân và vùng hõm nách rất nhiều, tay chân thường xuyên ướt sũng, rất khó chịu. Tôi muốn biết có loại thuốc hay phương pháp nào điều trị bệnh này không. Rất mong bác sỹ tư vấn (Đinh Thu Trà, Thanh Hóa).

Trả lời:

Bạn Thu Trà thân mến!

Chứng bệnh của bạn được gọi là bệnh tăng tiết mồ hôi. Nguyên nhân của bệnh là sự tăng hoạt động trên mức bình thường của tuyến mồ hôi trên cơ thể, thường có hai dạng là: Tăng tiết mồ hôi lan tỏa (toàn thân) và tăng tiết mồ hôi khu trú (lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng hõm nách).

Cấu tạo tuyến mồ hôi

Điều trị tăng tiết mồ hôi có thể dùng thuốc và một số phương pháp như:

- Sử dụng thuốc thoa tại chỗ có chứa aluminum chloride 20% vào các buổi tối làm giảm tiết mồ hôi, chỉ hiệu quả trong các trường hợp tăng tiết mồ hôi nhẹ. Thuốc này có thể gây kích ứng da (cảm giác nóng rát, râm ran).

- Uống thuốc kháng cholinergic như pro-banthine hoặc glycopyrrolate có tác dụng ức chế hoạt động hệ thần kinh làm giảm tiết mồ hôi toàn thân trong vòng 4 - 6 giờ sau khi uống thuốc. Các dấu hiệu và triệu chứng thường cải thiện trong khoảng hai tuần. Tuy nhiên, việc dùng thuốc có gặp tác dụng phụ như: Khô miệng, táo bón, nhìn mờ, bí tiểu, chóng mặt…

- Tiêm toxine botulique A (botox) vào mỗi bàn chân, tay hoặc nách cho tác dụng giảm tiết mồ hôi nhờ hiệu quả ức chế sự dẫn truyền tín hiệu thần kinh đến các tuyến mồ hôi. Nhược điểm của phương pháp có thể gây đau nơi tiêm, ngứa; Gây yếu cơ khi cầm nắm, nên bệnh nhân khi làm việc phải thận trọng.

- Điện chuyển ion: Đưa các hạt điện tích của thuốc qua da vào sâu dưới da nhằm giảm hoạt động của tuyến mồ hôi. Thuốc sử dụng trong điện chuyển ion là aliminum chloride 20% và glycopyrrolate 0,01% trong môi trường điện chuyển ion. Phương pháp này cần nhiều thời gian (nhiều tuần) mới có hiệu quả đưa các tuyến mồ hôi về mức hoạt động bình thường, nhược điểm gây khô da, làm giảm sắc tố da.

Khi tất cả các phương pháp trên thất bại thì phương pháp phẫu thuật được áp dụng: Cắt bỏ hạch giao cảm ngực để điều trị tăng tiết mồ hôi. Biến chứng có thể gặp ở phương pháp này là nhiễm khuẩn, chảy máu và tổn thương thần kinh.

Hiện nay, chưa có một biện pháp nào phòng ngừa hữu hiệu chứng tăng tiết mồ hôi nên mọi phương pháp điều trị chỉ nhằm giảm tiết mồ hôi. Bạn nên đi khám bệnh tổng quát cũng như chuyên khoa thần kinh để xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị phù hợp. Khi dùng thuốc, cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của thầy thuốc.

DS. Hà Minh

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị