Những sai lầm của cha mẹ làm triệt tiêu tính sáng tạo của trẻ

Hãy để trẻ được tự do trong việc tô màu theo trí tưởng tượng của riêng mình

Giấc ngủ giúp tăng khả năng sáng tạo của não

Giúp trẻ phát triển não bằng trò chơi sáng tạo

Những trò chơi tại gia giúp bé sáng tạo

Lạm dụng phần thưởng

Thông thường, các ông bố bà mẹ đều đặt ra phần thưởng để khuyến khích con nhưng không hề nhận ra rằng phần thưởng ngăn cản khả năng khám phá và trí tưởng tượng của trẻ. Đây lại là lỗi rất phổ biến và trở thành thói quen của cả bố mẹ và con cái trong cuộc sống hàng ngày.

 Phần thưởng ngăn cản khả năng khám phá và trí tưởng tượng của trẻ

“Con trai tôi rất thích ô tô, bất cứ khi nào đi qua cửa hàng đồ chơi nào cũng đòi mua cho bằng được. Chẳng lẽ lúc nào cũng mua cho con nên tôi thường nghĩ ra cách thỏa thuận: Hôm nay, con ăn cơm ngoan; hoặc tối về làm bài tốt thì bố sẽ mua để thưởng cho con nhé. Ban đầu, cháu cũng mè nheo đòi mua luôn nhưng dần thành nếp, cháu đồng ý thực hiện để có thứ mình muốn”, anh Tuấn (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

Không ít người áp dụng cách làm của anh Tuấn nhưng theo các chuyên gia tâm lý, một đứa trẻ sẽ chỉ cố gắng tới mức cần thiết để đạt được phần thưởng sẽ không có động lực để cố gắng thêm nữa. Khi mục tiêu của bé là phần thưởng thì bé sẽ làm bài thật nhanh để nhận được phần thưởng chứ không thật sự cố gắng để làm bài của mình một cách tốt nhất.

 Lạm dụng phần thưởng sẽ ngăn cản trí tưởng tượng của trẻ

Quá theo sát trẻ

Điều này gần giống với việc phụ huynh đang bao bọc con quá nhiều. Các gia đình trong xã hội hiện nay thường chỉ có 2 con nên xu hướng cưng chiều, theo sát bảo vệ con là điều dễ hiểu. Thế nhưng, lúc nào cũng kè kè, giám sát mọi hoạt động của con là bạn đang kìm hãm con sáng tạo.

Theo sát và khuyên trẻ làm theo ý mình làm giảm sự sáng tạo của con

Chẳng hạn, với một rổ đồ chơi đầy, bố mẹ ngồi cạnh hay có xu hướng bảo con chơi gì thì lấy từng thứ một chứ đừng bầy bừa, trong khi đó nếu được tự do, hầu hết trẻ thích đổ tất cả ra sàn và chơi kết hợp nhiều món đồ cùng lúc. Hay các bé trai rất thích tháo tung các đồ vật để khám phá nhưng thông thường nếu nhìn thấy người lớn sẽ cấm cản…

Nếu trẻ liên tục bị quan sát và người lớn luôn đưa ra lời khuyên thì trẻ sẽ không học được khả năng chấp nhận thử thách và rủi ro. Trẻ cũng không được trải nghiệm giá trị của việc mắc lỗi như một phần của quá trình học hỏi và làm việc. 

Đồng tình với quan điểm này, MC Minh Trang, một bà mẹ hiện đại có nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con cũng nhận định: 90% thú vị và khám phá, nằm ở những thứ "bẩn" và "nguy hiểm". Trong khi đó, đại đa số người lớn theo sát con đương nhiên sẽ ngăn con chơi hoặc tiếp xúc với những thứ như vậy.

Áp đặt trẻ theo mô típ có sẵn

Điều này thể hiện rõ nhất ở thực trạng làm theo văn mẫu trong các trường học. Môn văn có thể nói là môn giúp trẻ tưởng tượng và sáng tạo nhiều nhất, nhưng văn mẫu áp đặt trẻ theo một mô típ sẵn có sẽ dập tắt điều đó.

Tương tự với những môn học khác, giáo viên và cha mẹ đôi khi vẫn áp con trẻ phải theo đúng sách vở, lý thuyết hơn là để con tự làm theo ý hiểu của mình. 

Bố mẹ không nên ép con phải tô màu theo mẫu

Đơn giản như với trẻ mẫu giáo, hầu như em nào cũng được bố mẹ mua cho sách tô màu. Trong mỗi trang có bức tranh trắng để trẻ tô thì phía trên lại có một bức tranh mẫu đã được tô màu và bố mẹ mặc định là con phải tô màu giống bức tranh mẫu đó. Bản thân người viết cũng từng mắc lỗi khi có lần nhắc nhở con sao không tô màu đúng theo mẫu và bị con phản bác: “Con thích tô màu khác, màu như kia xấu lắm”.

Cuối cùng, với việc khơi dậy tính sáng tạo của trẻ, người lớn hãy quên đi việc con “cần làm đúng” cái này cái kia và cho phép trẻ cơ hội để khám phá, để mắc lỗi. Hãy cho trẻ được tự do (trong khuôn khổ) để được thỏa sức thể hiện các ý tưởng tuyệt vời của mình.

Cha mẹ không thể dạy cho trẻ làm cách nào để sáng tạo mà chỉ có thể tạo môi trường để trẻ phát triển óc sáng tạo. Do đó, cha mẹ nên lưu ý:
- Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động, giúp trẻ có cơ hội phát triển toàn diện năm giác quan của mình.
- Khuyến khích trẻ đặt ra các câu hỏi về những sự việc xung quanh, kể cả những câu hỏi đó hơi ngờ nghệch.
- Cho trẻ chơi các trò chơi giúp phát triển trí tưởng tượng: Những chiếc hộp rỗng và những cây bút chì màu, các bộ xếp hình, câu đố....
- Chính những đồ chơi điện tử đắt tiền, chạy bằng điện và điều khiển bằng công tắc lại không kích thích được tính tích cực hoạt động của trí não trẻ.
(Tiến sỹ Yew Kam Keong, nhà tư vấn quốc tế trong lĩnh vực sáng tạo).
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ