Bão YAGI và bài học về biến đổi khí hậu

Bão YAGi gây thiệt hại cho Trường Mầm non Hoa Sen (Cẩm Phả, Quảng Ninh) - Ảnh: Pham Ha Duy Linh/UNICEF

"Siêu bão thế kỷ" Milton: Thực tế đáng sợ từ biến đổi khí hậu

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới não bộ

Ứng phó biến đổi khí hậu: Cần hành động nhanh và quyết liệt hơn

3 ưu tiên để ngăn chặn thảm họa sức khỏe do biến đổi khí hậu vào năm 2050

Hàng ngàn trường học bị hư hỏng

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), một tháng sau khi siêu bão YAGI quét qua Đông Nam Á, gần 1,3 triệu trẻ em đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong học tập. Hàng ngàn trường học ở Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan bị hư hại, khiến trẻ em không có môi trường học tập an toàn, thiếu các bữa ăn bổ dưỡng và không được hỗ trợ tâm lý xã hội thiết yếu.

Bà June Kunugi, Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết: "Nghỉ học dù chỉ vài tuần cũng có thể ảnh hưởng đến việc học tập, phúc lợi và cơ hội tương lai của trẻ em, kéo dài sự tiêu cực và bất bình đẳng. Khôi phục nhanh chóng việc học tập trong trường học có vai trò rất quan trọng nhằm thiết lập lại sự ổn định và đảm bảo trẻ em có các nguồn lực cần thiết để phát triển”.

Nhận thức được điều này, UNICEF cùng các đối tác đã nỗ lực suốt một tháng qua để hỗ trợ cung cấp đồ dùng thiết yếu, phục hồi trường học, đảm bảo trẻ có cơ hội học tập trở lại càng sớm càng tốt.

BS Nguyễn Đình Quang, Chuyên gia Dinh dưỡng của UNICEF Việt Nam thăm khám cho trẻ ở Lạng Sơn sau bão YAGI - Ảnh: Nong Viet Linh/UNICEF

BS Nguyễn Đình Quang, Chuyên gia Dinh dưỡng của UNICEF Việt Nam thăm khám cho trẻ ở Lạng Sơn sau bão YAGI - Ảnh: Nong Viet Linh/UNICEF

UNICEF đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các sở giáo dục để cung cấp tài liệu học tập cho hơn 23.000 trẻ em Việt Nam. Bên cạnh đó, đơn vị cũng hợp tác với chính phủ tập huấn cho nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên trường học nhằm nâng cao khả năng chuẩn bị ứng phó với các trường hợp khẩn cấp và hỗ trợ tâm lý xã hội.

Dựa trên nhiều năm kinh nghiệm thực hiện các chương trình Giảm thiểu Rủi ro và Ứng phó Thiên tai (DRR) và xây dựng khả năng phục hồi, UNICEF kịp thời cung cấp bình chứa nước uống và viên uống lọc nước cho người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa bão; Cung cấp 12 tấn sản phẩm điều trị dinh dưỡng cho 6 tỉnh, hỗ trợ hệ thống y tế địa phương trong việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Bài học từ bão YAGI

Cơn bão số 3 hay siêu bão YAGI đổ bộ vào miền Bắc với sức gió vượt 200km/h và lượng mưa không ngừng trên 400mm tại nhiều khu vực. Lũ lụt, lở đất và lũ quét trên diện rộng do cơn bão gây ra thiệt hại nặng nề cho 26 tỉnh.   

Theo UNICEF, bão YAGI là lời nhắc nhở về những tác động của biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang phải đối mặt. Trong thiên tai, trẻ em là đối tượng đặc biệt gặp rủi ro. Thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu đe dọa đến nguồn Dinh dưỡng, sức khỏe, tinh thần, an toàn và giáo dục. Hậu quả để lại thường tàn khốc và có thể kéo dài suốt đời các em. Nhiều em đã tận mắt chứng kiến cảnh gia đình mất đi nơi ở, mất đi nguồn sống và thu nhập trong và sau bão.

Không chỉ ở Việt Nam, trẻ em ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nói chung ngày càng dễ bị tổn thương trước các nguy cơ về môi trường. Các hiện tượng thời tiết cực đoan trong khu vực tăng mạnh trong năm thập kỷ qua. Nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Đại học Rowan và Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho thấy, biến đổi khí hậu khiến các cơn bão ở Đông Nam Á hình thành ngày càng gần đường bờ biển, tăng cấp nhanh chóng và di chuyển lâu hơn trên đất liền.

Biến đổi khí hậu khiến bề mặt đại dương ấm hơn, tiếp năng lượng cho các cơn bão hình thành. Do đó, bão có sức gió mạnh hơn, gây mưa lớn và có nguy cơ gây lũ lụt khi đổ bộ vào đất liền.

Mưa lớn sau bão YAGI gây lũ lụt, người dân ở Taungoo, Myanmar chờ thuyền cứu hộ - Ảnh: Sai Aung Main/AFP

Mưa lớn sau bão YAGI gây lũ lụt, người dân ở Taungoo, Myanmar chờ thuyền cứu hộ - Ảnh: Sai Aung Main/AFP

Bão YAGI chính là một ví dụ điển hình. Là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên Biển Đông, YAGI không giảm cấp khi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc). Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài 12 giờ, gây mưa lớn ở miền Bắc. Hoàn lưu sau bão tiếp tục ảnh hưởng tới thời tiết ở Lào, Thái Lan và Myanmar, gây ra thiệt hại nặng nề chưa từng có.  

 

Tại Việt Nam, 1.607 trường học đã bị hư hỏng và hơn 960.000 trẻ em đã bị gián đoạn học tập do trường học đóng cửa và do bị mất sách vở và dụng cụ học tập.

Tại Lào, 90 trường học đã bị ảnh hưởng do lũ lụt nghiêm trọng, khiến hơn 20.000 trẻ em cần được hỗ trợ các vật dụng thiết yếu, bao gồm dụng cụ học tập, tài liệu học tập và bàn ghế, để các em có thể trở lại trường học kịp thời.

Ở miền bắc Thái Lan, 555 trường học và 19.000 học sinh đã bị ảnh hưởng, nhiều giáo viên phải chuyển sang dạy học trực tuyến và đích thân giao tài liệu học tập đến nhà của học sinh.

Tại Myanmar, hơn 300.000 học sinh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt, với nhiều trường học phải đóng cửa, bị hư hỏng hoặc được sử dụng làm nơi trú ẩn tạm thời. Người dân và trẻ em còn đang phải sống trong căng thẳng bởi những cuộc xung đột đang diễn ra ở đất nước này.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70%. Trong điều kiện La Nina, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (4,5 cơn). Trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền cao hơn trung bình nhiều năm. Đáng chú ý, bão và áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam, có thể hình thành ngay trên Biển Đông.

Theo UNICEF, thời điểm để tăng cường các nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai và xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu là bây giờ – và không có thời gian để chần chừ. UNICEF có kế hoạch phối hợp với Chính phủ tăng cường các dịch vụ và hệ thống, đảm bảo khả năng chống chịu và ứng phó tốt hơn với các sự kiện có liên quan đến biến đổi khí hậu trong tương lai, dựa trên một số chiến lược:

- Xây dựng dịch vụ xã hội có khả năng chống chịu.

- Xây dựng năng lực: Đào tạo nhân viên y tế, giáo viên và cán bộ trường học để nâng cao khả năng chuẩn bị ứng phó khẩn cấp, giải quyết nhu cầu tâm lý xã hội và tích hợp giảm thiểu rủi ro thiên tai.

- Thay đổi và thúc đẩy hành vi xung quanh vệ sinh an toàn, phòng ngừa bạo lực, tiêm chủng, đồng thời đảm bảo sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng.

- Cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội, tư vấn và đào tạo kỹ năng sống để giúp trẻ em đối phó với căng thẳng tinh thần và cảm xúc.

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội