"Siêu bão thế kỷ" Milton: Thực tế đáng sợ từ biến đổi khí hậu

Hình ảnh đáng sợ của mắt siêu bão Milton hình thành trước khi đổ bộ vào bang Florida (Mỹ) - Ảnh: NASA.

Ứng phó siêu bão YAGI, Bộ Y tế họp khẩn với ngành y tế 28 tỉnh, thành phố

Siêu bão số 3 sắp đổ bộ, khuyến cáo người dân tránh ra đường

Khuyến cáo người dân trước giờ siêu bão số 3 YAGI đổ bộ

Khẩn cấp ứng phó với siêu bão Noru mạnh nhất trong 20 năm

Thông tin từ Trung tâm Bão quốc gia Mỹ, ngày 9/10 giờ Mỹ (sáng 10/10 giờ Việt Nam) bão Milton đã đổ bộ gần Siesta Key, Florida với cường độ bão cấp 3. Bão sau đó suy yếu thành bão cấp 1 khi di chuyển qua bang này, nhưng không vì thế mà mức độ nguy hiểm của cơn bão này bị suy giảm.

Theo CNN, ảnh hưởng của bão đã khiến hơn 3 triệu người mất điện trên toàn bang. Tại thành phố Tampa ghi nhận những cơn gió giật mạnh với vận tốc lên đến 160km/h. Tình trạng khẩn cấp về lũ quét đã được ban bố tại thành phố này.

Cơn bão Milton cũng đã trút lượng mưa kỷ lục "nghìn năm có một" và gây ra tình trạng nước dâng cao đe dọa tính mạng con người với những cơn gió kinh hoàng trên một vùng rộng lớn của Florida. Chưa có thống kê chính thức nhưng đã có người tử vong khi ít nhất 27 cơn lốc xoáy quét qua bang Florida. Hàng trăm ngôi nhà đã bị lốc xoáy phá hủy hoàn toàn tại hạt St. Lucie, Florida.

Trước đó, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Tampa cảnh báo: "Hãy ẩn náu ngay, hãy coi những cơn gió cực mạnh sắp tới này như thể một cơn lốc xoáy đang đến gần và di chuyển ngay đến phòng an toàn trong nơi trú ẩn của bạn để bảo vệ mạng sống của bạn".

Người dân trên khắp thế giới và các nhà khí tượng học đang hướng về Florida, nơi "siêu bão thế kỷ" Milton đổ bộ, cơn bão mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết có thể là một trong những cơn bão "tồi tệ nhất trong 100 năm qua đổ bộ vào Florida", dự kiến có thể gây ra "thảm họa".

Một người phụ nữ đau buồn nhìn ngôi nhà của mình sụp đổ do siêu bão Milton ở Wellington, Florida - Ảnh: Reuters

Một người phụ nữ đau buồn nhìn ngôi nhà của mình sụp đổ do siêu bão Milton ở Wellington, Florida - Ảnh: Reuters

Tổng thống Joe Biden cũng đã kêu gọi người dân Florida di tản, ông nói rằng "Đây là vấn đề sống còn, và đó không phải là lời cường điệu", đồng thời nói thêm rằng "hãy di tản ngay, đừng chần chừ".

Vào ngày 5/10, bão Milton bắt đầu hình thành ở phía tây nam Vịnh Mexico. Chỉ trong vòng 12 giờ, Milton đã "bùng nổ" từ cơn bão cấp 1 thành cấp 5, "gây sốc" cho các nhà khoa học và khí tượng học, với sức gió tăng từ 129km/h lên 282km/h. Hiện tại, đây là một trong những cơn bão Đại Tây Dương tăng cường độ nhanh nhất được ghi nhận.

Siêu bão Milton cũng xảy ra chỉ 2 tuần sau khi siêu bão Helene đổ bộ vào tiểu bang Florida, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và gây ra sự tàn phá không thể kể xiết.

Theo các chuyên gia nhận định, bão Milton có thể trở thành cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2024, thách thức các giới hạn chịu đựng của con người và buộc giới chức cũng như người dân Mỹ phải nâng cao cảnh giác cao độ.

Các cơn bão mạnh liên tiếp xuất hiện cùng sự tăng cấp độ bão nhanh chóng bất thường khiến giới khoa học tập trung vào nguyên nhân biến đổi khí hậu để tìm hiểu về cách thức khiến các cơn bão ngày càng trở nên dữ dội hơn.

Siêu bão và biến đổi khí hậu

Theo Firstpost, một cơn bão cần 4 thành phần chính để hình thành và mạnh lên gồm: nước biển ấm, nhiều hơi ẩm trong không khí, gió đứt theo phương thẳng đứng thấp và nhiễu động đã tồn tại từ trước. Và các nhà khoa học cũng đã chứng minh được rằng, biến đổi khí hậu đang làm nhiệt độ đại dương ấm lên cũng như dẫn đến nhiều hơi ẩm hơn trong không khí.

Dữ liệu cho thấy, Đại Tây Dương và Vịnh Mexico đã nóng hơn mức trung bình trong hơn 18 tháng qua. Nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu, kết hợp với hiện tượng thời tiết El Nino.

Theo ông Kim Wood - một nhà khoa học khí quyển, việc thiếu gió đứt đã giúp Milton duy trì cấu trúc vững chắc và tăng cường sức mạnh hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, cơn bão Milton còn đi qua phần phía tây của Vịnh Mexico, nơi chưa bị ảnh hưởng bởi nhiều cơn bão lớn trong mùa này. Điều này có nghĩa là vùng nước ở đó vẫn còn rất nóng, cung cấp nhiều năng lượng hơn cho cơn bão. 

Nhiều ngôi nhà trên đảo Anna Maria, Florida bị sụp đổ sau khi siêu bão thế kỷ quét qua - Ảnh: AP

Nhiều ngôi nhà trên đảo Anna Maria, Florida bị sụp đổ sau khi siêu bão thế kỷ quét qua - Ảnh: AP

Các nhà khoa học khí hậu dự đoán rằng, biến đổi khí hậu đã đẩy mực nước biển lên cao hơn, làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bão nhiệt đới, với Milton là minh chứng rõ ràng. Các cơn bão tăng cường nhanh chóng đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây.

Điều này đã được minh họa rõ ràng trong một nghiên cứu do nhóm World Weather Attribution (WWA - nhóm Phân bổ Thời tiết Thế giới) công bố cho thấy, cường độ mưa và gió giật của siêu bão Helene xảy ra 2 tuần trước tại Florida (Mỹ) đã tăng lên khoảng 10% do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhiên liệu hóa thạch, một "động lực" lớn của biến đổi khí hậu, đã khiến các cơn bão như Helene có khả năng xảy ra cao hơn gấp 2,5 lần.

Nhà khí tượng học Bernadette Woods Placky - Trung tâm Khí tượng (Climate Central - Mỹ) cho biết: "Những tác động của con người đã làm tăng nhiệt độ bầu khí quyển và đại dương giống như 'chất xúc tác' đối với các cơn bão. Nếu con người tiếp tục làm trái đất nóng lên, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến ​​những cơn bão nhanh chóng biến thành những cơn bão dữ dội, dẫn đến nhiều sự tàn phá hơn nữa".

Khoa học cũng đã chứng minh rằng, trái đất ấm dần hơn sẽ dẫn đến ngày càng xuất hiện nhiều các sự kiện mưa cực đoan. Đó là bởi vì, ở một thế giới ấm hơn, sẽ có nhiều độ ẩm hơn trong không khí dưới dạng hơi nước.

Ông Tom Knutson, một nhà khoa học cấp cao tại Cơ quan Quản lý Đại dương và khí quyển (NOAA) cũng cho rằng, có mối liên hệ giữa các cơn bão và biến đổi khí hậu. "Ngay cả khi bản thân các cơn bão không thay đổi do biến đổi khí hậu, thì tình trạng ngập lụt cũng sẽ trở nên tồi tệ hơn do mực nước biển dâng cao” - ông Tom Knutson cho biết.

Và theo các chuyên gia khí tượng, chính sự thay đổi khí hậu này đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của bão Milton. Nó đã chuyển từ một cơn bão nhiệt đới thành một cơn bão cấp 5 dữ dội trong vòng 24 giờ, điều mà nhiều chuyên gia nhận định “chưa từng xuất hiện trước đây”.

Còn theo nhà nghiên cứu về nguy cơ ven biển Soheil Radfar của Đại học Alabama ở Tuscaloosa (Mỹ), cường độ mạnh và nhanh bất thường của bão Milton là do một đợt nắng nóng trên biển đang diễn ra. Hơn nữa, những đợt nắng nóng trên biển này không chỉ ảnh hưởng đến cường độ mà còn cả tốc độ gió.

Vì sao năm 2024 lại liên tiếp xuất hiện nhiều "siêu bão" như vậy?

Bão YAGI vừa càn quét Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, gây thiệt lại lớn về người và của. Hiện bão Milton đang càn quét nước Mỹ, trở thành siêu bão mạnh nhất hành tinh trong năm 2024.

Cần cẩu đổ sập ở St. Petersburg, Florida sau siêu bão Milton đi qua - Ảnh: CNN

Cần cẩu đổ sập ở St. Petersburg, Florida sau siêu bão Milton đi qua - Ảnh: CNN

Theo Báo Môi trường & Cuộc sống, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, nguyên nhân khiến năm nay có nhiều bão mạnh như: Geami, YAGI, Krathon hay Helence, Milton… có thể là do tác động bởi một số yếu tố khí hậu và môi trường.

Theo đó, năm nay là năm chuyển pha El Niño sang La Nina, quá trình chuyển pha quan sát được xếp vào chuyển pha nhanh nên đốt nóng và mất cân bằng nhiệt ẩm đại dương đang diễn ra mạnh mẽ góp phần làm tăng nguồn cung cấp năng lượng cho sự hình thành và phát triển của các cơn bão nhiệt đới.

Cùng với đó là sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ của cả đại dương và khí quyển. Khi nước biển ấm lên, nó cung cấp nhiều hơi nước và năng lượng hơn cho các hệ thống thời tiết khiến việc hình thành nhiều bão mạnh hơn và cường độ của các cơn bão này cũng tăng lên.

Theo ông Mai Văn Khiêm, chúng ta đã chứng kiến sự bất thường về nhiệt độ trung bình toàn cầu từ đầu năm đến nay (tháng 1 đến tháng 8/2024) cao hơn 0,70°C so với mức trung bình giai đoạn 1991 - 2020. Nhiều khả năng năm nay sẽ là năm ấm nhất năm được ghi nhận và khi nhiệt độ tăng lên thì các cơn bão mạnh cũng gia tăng.

Điều này đã được đề cập tới trong Báo cáo Đánh giá biến đổi khí hậu lần thứ 6 (Sixth Assessment Report AR6) của Ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC): Trong tương lai, số lượng các cơn bão mạnh tăng, chẳng hạn như loại bão ở ngưỡng CAT 4-5 (tốc độ gió lớn hơn 200 km/h) có nghĩa là những cơn bão có cường độ mạnh trên cấp 17 sẽ gia tăng.

Dự báo về thiên tai, bão lũ từ nay đến cuối năm, ông Khiêm nhận định, từ tháng 10 - 12/2024, hoạt động của bão trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (4,5 cơn). Trong đó, số cơn bão đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm (1,9 cơn) và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Đề phòng khả năng bão hình thành ngay trên khu vực Biển Đông và không loại trừ xảy ra những cơn bão mạnh.

 
Hiệp Nguyễn (Theo CNN/Firspost)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin