Bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế, TPCN giả có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng con người!
Kiên quyết loại bỏ TPCN, mỹ phẩm giả trên thị trường
Hàng loạt TPCN bị thu hồi giấy xác nhận công bố sản phẩm
Vụ làm giả 10 tấn TPCN: Bắt giữ thêm một đối tượng
Những bất thường của “Dược Bảo Khang” sau nghi án
Thực phẩm chức năng (TPCN) là loại hàng hóa thông dụng, đa dạng và có vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày, liên quan trực tiếp tới sức khỏe của người sử dụng. Chính vì vậy, các mặt hàng này phải được đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn mới được phép lưu thông trên thị trường.
Trong năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra kiểm soát thị trường phát hiện và xử lý hành chính đối với 291 tổ chức, cá nhân có các vi phạm về sản xuất, kinh doanh TPCN giả, không đảm bảo chất lượng... với số tiền phạt vi phạm hành chính là 677,8 triệu đồng, trị giá tang vật vi phạm là 17,8 tỷ đồng. Có thể kể tới các vụ tiêu biểu như:
Ngày 5/6/2014, Đội Quản lý thị trường 5A đã phát hiện Công ty cổ phẩn Thế giới khoa học và tự nhiên có hành vi kinh doanh TPCN không phù hợp về vệ sinh an toàn thực phẩm. Công ty này bị xử phạt tổng số tiền là 512,250 triệu đồng và buộc phải tiêu hủy gần 35.000 chai, hộp TPCN các nhãn hiệu nổi tiếng như: Nucos Cells-up, Genki, Vego DHA, Complebiol Slim 8...
TPCN Genki 9 của Công ty cổ phẩn Thế giới khoa học và tự nhiên vi phạm nghiêm trọng về chất lượng
Ttrưa 14/1/2015, tại 3 địa điểm: Số 86 - số 30 đường số 30 (khu dân cư Tân Quy Đông, phường Tân Phong) và số A11 (khu dân cư Nam Long, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM), lực lượng chức năng đã phát hiện 597 thùng hàng giả, nhái các thương hiệu TPCN và nhiều sản phẩm không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc như: Cà phê xanh nâu, Eva, Sắc Ngọc Khang, Hoàng Tiên Đan…
Bên cạnh đó, từ tháng 5 tới tháng 6/2015, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng đã phát hiện thêm nhiều vụ làm giả, làm nhái TPCN và đang trong quá trình điều tra, tống kê thiệt hại. Có thể kể tới các vụ tiêu biểu như:
Ngày 2/6, Công an TP.HCM vừa bắt vụ sản xuất, buôn bán 12 tấn hàng giả các sản phẩm của: Sắc Ngọc Khang, Hoàng Tiên Đan, cà phê giảm cân hiệu Eva, Lisu hồng, 3Days tại ba địa điểm thuộc phường Tân Quý Đông, Tân Phong và Phú Thuận, quận 7. Tất cả các loại TPCN này đều không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các đối tượng khai nhận đã mua các loại TPCN không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng rồi đặt in các loại vỏ hộp, lọ nhựa, thậm chí in cả tem chống hàng giả và tem nhãn giống như thật, sau đó giao cho đầu nậu mang tới các tỉnh để tiêu thụ. Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Gần đây nhất, chiều 24/6, lực lượng liên ngành đã tiến hành kiểm tra 4 địa điểm gồm trụ sở công ty, kho hàng, 1 căn phòng trọ và nhà riêng của Nguyễn Duy Bảo - Giám đốc của Công ty TNHH ĐT-TM-XNK Bảo Khang, chuyên kinh doanh TPCN (có trụ sở chính tại số 1069 Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn bao bì, nhãn hiệu, viên nén… được công ty nhập từ Trung Quốc. Qua khai thác, các trinh sát phát hiện công ty Bảo Khang là nơi trực tiếp dán giả nhãn mác, chia và đóng hộp – gói thành phẩm các thương hiệu TPCN của Mỹ (chủ yếu là sản phẩm giảm cân) và phân phối ra thị trường. Khoảng hơn 60 thùng tang vật gồm cả bao bì, nhãn mác giả, nhiều bịch thuốc dạng viên nén và cả sản phẩm thành phẩm đã được Tổ công tác niêm phong, đưa về trụ sở của PC46 TP.HCM. Hiện các đối tượng liên quan cũng đã được mời về để phục vụ công tác điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm.
TPCN giảm cân giả tại Công ty TNHH Bảo Khang
Có thể thấy, công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán TPCN giả, không đảm bảo chất lượng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, Tuy nhiên, thị trường TPCN vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp do chưa được kiểm soát chặt chẽ, quản lý chồng chéo, chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước; Tồn tại nhiều bất cập trong công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và những vướng mắc, chưa sáng tỏ trong các văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, thủ đoạn của các cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán TPCN giả ngày càng tinh vi, phức tạp và việc bắt quả tang sản xuất vận chuyển hàng giả không phải chuyện dễ dàng. Theo lực lượng chống hàng giả, để đối phó với cơ quan chức năng, bọn làm hàng giả thường tập trung sản xuất hàng ngay trong những trung tâm thương mại lớn dưới danh nghĩa các cơ sở sản xuất nhỏ, hợp pháp.
Nhằm quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh TPCN, đồng thời ngăn chặn vấn nạn hàng nhái, hàng giả đối với mặt hàng TPCN đang hoành hành hiện nay, các cơ quan chức năng đang đề xuất hàng loạt giải pháp đấu tranh chống gian lận thương mại và giả mạo trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhập khẩu TPCN trên thị trường nội địa.
Bình luận của bạn