Nước đá, thức ăn đường phố “bẩn” bủa vây người dùng

Từ khâu chế biến, đến vận chuyển, bảo quản nước đá đều tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn

Sau thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm, đâu là hướng đi tiếp?

Đề xuất thêm 7 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm

Thứ trưởng Bộ Y tế: Đừng kéo dài "sự đau khổ" của người dân

Nước đá nhiễm khuẩn

Qua kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá trên địa bàn TP. HCM, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã lấy 11 mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả được công bố vào đầu năm 2017 cho thấy, có đến 8 mẫu (chiếm 73%) bị nhiễm 1 trong 2 loại vi khuẩn gây hại cho đường ruột hoặc gây bệnh tiêu chảy là Coliforms và Streptococcus.

Nước đá là mặt hàng được người dân trên địa bàn TP. HCM sử dụng phổ biến trong văn hóa ẩm thực bao gồm cả ăn, uống, bảo quản thực phẩm... Khu vực Nam Bộ đang bước vào mùa nắng, nhu cầu sử dụng nước đá của người dân tăng cao, Thông tin nước đá bị nhiễm khuẩn gây hại đang gây tâm lý lo lắng cho cả người tiêu dùng lẫn cơ quan quản lý nhà nước.

Trước thực trạng trên, tuần qua Hội đồng Nhân dân thành phố đã làm việc với Sở Y tế về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm. BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, nguyên Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Theo nguyên tắc, các cơ sở nước đá phải đăng ký kinh doanh có điều kiện.

Để được cấp phép, trước hết cơ sở phải có giấy đăng ký kinh doanh, với các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự đi kèm. Giấy đăng ký kinh doanh thủ tục khá đơn giản nhưng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì hầu hết các cơ sở không đáp ứng được những các yêu cầu về nhà xưởng, nơi bảo quản, phương tiện vận chuyển... Vì vậy, không ít cơ sở kinh doanh nước đá đang hoạt động “chui” rất khó quản lý, khiến nguy cơ nhiễm khuẩn cao.

Khó kiểm soát chất lượng thức ăn đường phố

Thức ăn đường phố với những tiện ích như giá rẻ, thuận lợi khi mua bán, tiết kiệm cả tiền bạc lẫn thời gian, đa dạng món ăn... từ lâu đã trở thành đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Sài Gòn. Tuy nhiên, loại hình này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: Việc buôn bán, kinh doanh bên đường, điều kiện vệ sinh hạn chế gia tăng tình trạng nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn; Thức ăn không được bảo quản lạnh dễ ôi thiu.

Mặt khác, những người buôn bán thức ăn đường phố hầu hết đều tự phát, không có giấy phép, không giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, nguyên liệu sử dụng trong chế biến khó kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng...

Để hạn chế những rủi ro cho cộng đồng khi sử dụng thức ăn đường phố, thời gian qua, Sở Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn miễn phí nhằm trang bị kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm cho người bán hàng rong, thức ăn đường phố. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát, tập huấn khó khăn do không quản lý được.

Thức ăn đường phố, biết bẩn nhưng người dân vẫn sử dụng vì nhiều tiện lợi, giá rẻ

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, người bán hàng rong không nhiệt tình tham gia các buổi tập huấn miễn phí, hỗ trợ khám miễn phí sức khỏe vì sợ nghỉ bán, mất khách. Chưa kể đội ngũ tham gia công tác y tế về an toàn thực phẩm tại địa phương quá mỏng nên không thể giám sát, hướng dẫn cho tất cả người bán hàng rong, thức ăn đường phố theo địa bàn.

Trước tình hình trên, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố đề nghị Sở Y tế cùng các ban ngành liên quan cần có giải pháp chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nước đá, yêu cầu các cơ sở phải thực hiện đúng quy định của pháp luật mới được phép hoạt động.

Bà Tuyết Nhung cũng cho biết, thành phố đang nghiên cứu những giải pháp quy hoạch loại hình thức ăn đường phố để thuận lợi cho công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhưng trước mắt, ngành y tế cần đẩy mạnh hoạt động giám sát, cử nhân sự đến tận địa điểm bán hàng, tập huấn kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin