Phát triển cây thuốc dân tộc - Sứ mệnh của các doanh nghiệp Dược Việt Nam

Cơ hội phát triển ngành công nghiệp dược liệu Việt Nam

Lạc tiên tây - Dược liệu có khả năng điều trị chứng mất ngủ

Giải pháp nào cho sự phát triển của ngành dược liệu?

Thủ tướng nói về tiềm năng phát triển dược liệu của Việt Nam

Dược liệu Việt: Quan tâm đến “đầu tiên” hay “đầu ra”?

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu về cây thuốc đã được tiến hành từ rất sớm, gắn liền với tên tuổi của nhiều danh y nổi tiếng như: Thiền sư Tuệ Tĩnh với bộ “Nam Dược Thần Hiệu” viết về 499 vị thuốc Nam, trong đó có 241 vị thuốc có nguồn gốc từ thực vật; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với bộ “Lĩnh Nam Bản Thảo” gồm 2 quyển: quyển thượng chép 496 kế thừa của Tuệ Tĩnh, quyển hạ ghi 305 vị bổ sung về công dụng hoặc mới phát hiện thêm.

Theo thống kê của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: sâm Ngọc Linh, Tam thất hoang, Bách hợp, Thông đỏ…

Nguồn dược liệu quý sẵn có là thế mạnh của ngành Dược Việt Nam cần được phát triển

Bên cạnh đó, với thế mạnh về nguồn tài nguyên dược liệu, cộng đồng dân tộc Việt Nam đã tích lũy được những kinh nghiệm và truyền thống lâu đời trong sử dụng các loại cây, con làm thuốc góp phần hình thành nên một kho tàng tri thức khổng lồ mang bản sắc riêng theo từng dân tộc, từng vùng miền.

Y dược cổ truyền Việt Nam đã tổng hợp được danh mục các loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước. Những tri thức bản địa này là cơ sở quan trọng nhằm hỗ trợ cho việc sàng lọc, nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công tác phòng và chữa bệnh của nhân dân.

Theo một báo cáo khác của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50.000 - 60.000 tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc Y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu.

Năm 2018, quy mô thị trường ngành dược của Việt Nam đạt khoảng 5,9 tỉ USD, tăng 11,5% so với năm trước đó. Việt Nam đã trở thành thị trường Dược phẩm lớn thứ hai Đông Nam Á và nằm trong nhóm 17 nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Nhưng với những tiềm năng khổng lồ và số liệu trên đã đặt lên vai các doanh nghiệp Việt một kỳ vọng to lớn về việc mang những sản phẩm từ cây thuốc Việt Nam phát triển mạnh mẽ và lan tỏa thương hiệu ra toàn thế giới.

Nhiều các dòng sản phẩm TPCN chăm sóc sức khỏe thương hiệu Việt đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng dược phẩm và Thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức lớn bởi sự “đổ bộ” ồ ạt của các doanh nghiệp nước ngoài, thị trường thuốc Việt cũng có khá nhiều những “chướng ngại vật”, trong đó vấn đề về nguyên liệu vẫn chủ yếu nhập từ nước ngoài nên không chủ động được về giá cũng như chất lượng và sự ổn định của dược liệu, thêm một vấn đề nữa là vấn nạn thuốc giả chưa kiểm soát được gây nên tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng khi lựa chọn thuốc Việt.

Thời gian qua, việc phát động những cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” là một cơ hội vàng chia đều cho các doanh nghiệp Dược để chứng minh với người tiêu dùng về chất lượng và hiệu quả của thuốc nội, nhất là trong thời điểm nhạy cảm: kinh tế suy thoái, sức tiêu dùng tuột dốc, các doanh nghiệp Dược ít nhiều lâm vào khó khăn.

Ngoài ra, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, xu hướng “trở về thiên nhiên” với việc sử dụng các thuốc từ dược liệu trong nước của người dân ngày càng tăng hơn so với việc sử dụng thuốc tân dược vì nó ít có những tác động có hại và phù hợp với quy luật sinh lý của cơ thể hơn.

Vì vậy, với những thế mạnh và tiềm năng trên, hướng đi đúng đắn và phù hợp nhất của ngành Dược nước ta đó chính là dựa vào lợi thế sẵn có là nguồn cây thuốc dược liệu trong nước để phát triển. Đây sẽ là con đường nhanh chóng và thuận lợi nhất đưa Ngành dược Việt Nam đón đầu được trong hội nhập quốc tế, cũng như giúp các doanh nghiệp Dược Việt Nam có thể hoàn thành sứ mệnh phát triển và bảo tồn các cây thuốc dân tộc.

Nguyên Hương H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất