Phó TGĐ Bệnh viện Tràng An: Thử thách với người lính làm y tế rất cao

Phó TGĐ Bệnh viện Tràng An: Thử thách với người lính làm y tế rất cao

TGĐ Nguyễn Vĩnh Trân: Không chấp nhận "chưa đánh đã hàng"

TGĐ Bảo Tín Minh Châu:"Biết tiêu tiền thông minh mới là người giàu"

Nữ GĐ Thủy sản Đắc Lộc: Gia đình là nền tảng thành công!

TGĐ Vietnamcacao: Kỳ vọng tạo nên kỳ tích

PV đã có cuộc trò chuyện cùng ông Lê Tiến Vọng – Phó Tổng Giám đốc bệnh viện Tràng An, một người lính và cũng là người có công tạo dựng nên Tràng An như ngày hôm nay.

Ông Vọng cho biết: "Bệnh viện Tràng An được hình thành bởi nhiều người lính. Trong chiến trường, chúng tôi từng là đồng chí, đồng đội làm việc trên nhiều lĩnh vực. Khi ra quân, bản chất người lính đã theo và giúp chúng tôi thành công trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trước khi làm việc tại Tràng An, tôi từng là giảng viên, làm cho một tờ báo về quân sự, sau đó tôi về làm việc tại đây cho đến ngày hôm nay. Vì là dịch vụ y tế đối với sức khỏe cộng đồng nên đòi hỏi sự khắt khe so với các lĩnh vực khác, do đó thử thách với những người lính làm doanh nghiệp cũng rất cao".

 


Ông có thể giới thiệu về sự ra đời của Bệnh viện Tràng An?

Đứng ở góc độ nào đó, Tràng An tự hào khi có một số lượng đáng kể những cán bộ cũ của doanh nghiệp đầu quân về. Với tổng 150 CBCNV thì gần 40 người từng là đồng chí với những vị trí khác nhau. Có nhiều người từng là bác sỹ, phó giáo sư, giáo sư công tác lâu năm trong các bệnh viện lớn của quân đội, khi nghỉ hưu họ tiếp tục về làm việc tại đây; Có những người cũng không hề làm nghề y như ông Vũ Thế Hùng - Chủ tịch HĐQT từng là kỹ sư xây dựng trong quân đội, hoặc như tôi từng là 1 cán bộ khoa học kỹ thuật từng làm giảng viên, nghiên cứu khoa học,… nay lại đầu quân về đây.

Bệnh viện Tràng An được xây dựng từ một phòng khám và trở thành bệnh viện tư nhân đầu tiên của miền Bắc. Để có được ngày hôm nay chúng tôi đã gặp không ít khó khăn, nhưng với quyết tâm cao và vì lợi ích, sức khỏe cộng đồng, chúng tôi đã làm và chúng tôi đã thành công.

Nhiều năm, Tràng An được đánh giá là đơn vị chăm sóc sức khỏe cộng đồng uy tín với nhiều chuyên khoa chăm sóc sức khỏe, đặc biệt phải kể đến số bệnh nhân và số người dân tham gia bảo hiểm tại Tràng An ngày càng tăng. Tràng An là đơn vị tham gia sáng lập Hội hành nghề y tư nhân Hà Nội.

Ông có thể cho biết ý kiến của mình về vấn đề y đức của thầy thuốc khi mà gần đây,tại nhiều phòng khám, thậm chí cả các bệnh viện lớn để xảy ra nhiều sai xót đáng tiếc trong khâu khám chữa bệnh?

Theo tôi, tất cả những nguy cơ để xảy ra bất cập trong y tế, đặc biệt trong y tế tư nhân đã tiềm ẩn từ nhiều năm nay, nhưng mức độ sai sót ngày càng trầm trọng hơn, tần suất nhiều hơn.

Từ sau năm 1986, thậm chí trước thời điểm đó, hầu như chưa hình thành khái niệm doanh nghiệp tư nhân, sau những năm 90 thì các doanh nghiệp tư nhân mới thực sự phát triển nhiều. Tuy nhiên trong thời điểm đó, việc ra đời một phòng khám hoặc trung tâm y tế là việc quá dễ dàng, ai có tiền cũng có thể mở phòng khám.

Song cũng vì thủ tục quá dễ dàng cùng với đó là trách nhiệm, qui định của các cơ quan quản lý chức năng còn lỏng lẻo đã gây ra nhiều rủi ro, hệ lụy và khi xảy ra sai phạm nghiêm trọng thì mới đặt ra vấn đề y đức như thế nào.

Tôi từng nhớ câu nói của một ông thầy tổ sư của y học khi nói về mục đích cuối cùng của người thầy thuốc, đó là: “Tìm mọi cách chữa khỏi bệnh cho người bệnh.”

Từ suy nghĩ trên chúng ta thử đặt ra câu hỏi: những người làm trong ngành y học đã làm đúng mục đích đó chưa? Và lấy gì làm nền tảng cho “y đức”? Có rất nhiều nguyên nhân nhưng động cơ của người làm về lĩnh vực này thì bản chất lại không như vậy, y đức đã bị méo mó.

Trách nhiệm của quản lý ngành, mà cao nhất là con người, nếu không sớm khắc phục thì tình trạng như trên sẽ tiếp tục xảy ra.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh thì Tràng An đã đầu tư như thế nào?

Do biến chuyển của xã hội, những bệnh viện, phòng khám càng ra đời sau càng được đầu tư thiết bị hiện đại. Tại Tràng An luôn luôn đầu tư công nghệ, đào tạo, cập nhật kiến thức, con người cho phù hợp.

Mỗi nơi có một chiến lược phát triển riêng. Tràng An đi theo định hướng: Hướng đến tất cả khách hàng, trong đó chủ yếu là tầng lớp trung lưu và người nghèo từ các tỉnh.

Tiền thân là Trung tâm ứng dụng y học công nghệ cao, theo định hướng này cho đến ngày hôm nay, Tràng An luôn cố gắng cập nhật sớm nhất những y học hiện đại và những công nghệ y học vào trong khám và chữa bệnh. Tràng An là nơi ứng dụng công nghệ tán sỏi ngoài cơ thể đầu tiên tại miền Bắc, chúng tôi đã dùng sung lực thay cho phương pháp mổ phanh truyền thống, hoặc phẫu thuật trĩ bằng công nghệ mới… Đến nay Tràng An vẫn là đơn vị đi đầu, có kết quả chữa khỏi bệnh rất cao.

Mấy năm gần đây, chúng tôi vẫn luôn có chủ trương tiếp cận và đưa vào ứng dụng nhiều công nghệ mới nhất vào điều trị, như: Phòng muối trị liệu… Hiện tại, chúng tôi cũng đang phối hợp với các chuyên gia Trung Quốc đưa kỹ thuật chữa các bệnh về mắt cho trẻ em giúp các em tự điều chỉnh được cho mình - phương pháp điều trị này sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.

Về vấn đề bán thuốc, được biết hiện nay có tình trạng nhiều bác sỹ và các hãng dược phẩm hợp tác để kê đơn thuốc cho bệnh nhân rồi cùng hưởng hoa hồng. Ông cho biết ý kiến về vấn đề này tại Tràng An?

Tình trạng này diễn ra khá phổ biến nhưng ở những viện tư nhân thì ít hơn. Tại Tràng An, chúng tôi nghiêm cấm trình dược viên tiếp xúc với bác sỹ trong giờ hành chính, chúng tôi luôn có một cách quản lý riêng để hạn chế ở mức thấp nhất và tránh những điều không hay và không tốt cho người bệnh.

Là người lính từng gắn bó nhiều năm trong quân ngũ, bản chất người lính đã ảnh hưởng tới ông như thế nào trong công việc điều hành?

Mỗi người xuất phát từ một hoàn cảnh khác nhau. Từng là người lính nên có thể tôi có một số lợi thế như: làm việc theo kỷ cương, không ngại rèn luyện, sẵn sàng đối diện thử thách và luôn có ý chí vương lên. Nhưng tôi nghĩ còn phải thêm tố chất đam mê công việc và thích thử sức mình để đạt được những kỳ vọng lớn lao.

Thông thường, tại Việt Nam, bệnh viện tư nhân chưa được đánh giá cao nhưng nhìn lại những năm vừa qua có thể thấy tôi và anh em Tràng An đã đóng góp một phần không nhỏ trong lĩnh vực y tế. Tôi cũng mong rằng sẽ có sức khỏe để tiếp tục làm tốt hơn và đóng góp được nhiều hơn nữa.

Cũng xuất phát từ tư duy của người lính, tôi nghĩ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, tránh hoặc không làm những việc không tốt để đối xử với cộng đồng. Làm việc có ý thức và ý nghĩa thực sự mới tạo ra giá trị đích thực.

Tôi cũng mong rằng sẽ nhận được sự quan tâm hơn từ các bộ, ngành bằng những quyết định cụ thể và đánh giá về vai trò của y tế tư nhân một cách đúng mức, công bằng hơn, tạo điều kiện và qui chế tốt cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó cũng cần nghiêm khắc xử lý đối với những đơn vị vi phạm, chưa làm đúng, dần dần mang lại cho xã hội được hưởng những dịch vụ tốt nhất.

Tất cả những việc chúng tôi làm đều thể hiện tố chất táo bạo của những người lính, chúng tôi đoàn kết, gắn bó với tinh thần của những người đồng chí trên chiến trường… và đến giờ phút này cơ bản đã làm được nhiều điều tốt cho xã hội.

vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện