Chuẩn bị vào mùa bệnh thủy đậu
Hà Nội: Lây thủy đậu từ con trẻ, nhiều người lớn nhập viện
5 điều không nên làm nếu mắc bệnh thủy đậu
5 cách đơn giản giúp bạn "thổi bay" vết sẹo thủy đậu
Người bị thủy đậu nên ăn uống như thế nào?
Đến hẹn lại lên, theo chu kỳ từ tháng 2 đến tháng 6, bệnh thủy đậu đã lây lan tại nhiều địa phương trên cả nước. Bệnh đang tấn công cả người lớn và trẻ nhỏ, nhiều trường hợp bệnh nặng, biến chứng nguy hiểm phải nhập viện điều trị. Ngành y tế khuyến cáo, thủy đậu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, những người chưa bị bệnh hoặc chưa được chích ngừa đầy đủ sẽ là đối tượng bị bệnh tấn công.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM trong tháng đầu năm 2017 hàng chục người lớn và trẻ nhỏ đã phải nhập viện điều trị. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay: “Người mắc thủy đậu hầu hết sẽ tự khỏi nếu được chăm sóc, điều trị đúng cách tại nhà. Tuy nhiên, cách chăm sóc, điều trị của nhiều phụ huynh theo những quan niệm sai lầm đã khiến ít nhất 24 trường hợp bệnh diễn tiến nặng, gặp biến chứng phải chuyển đến Nhi Đồng 1 điều trị”.
Từ thực tế điều trị bệnh thủy đậu trong cộng đồng, BS Trương Hữu Khanh cho biết, hiện rất nhiều phụ huynh và người dân vẫn áp dụng những phương pháp dân gian trong điều trị bệnh.
Cụ thể, khi có người mắc thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) kinh nghiệm xưa cho rằng, người bệnh nổi càng nhiều mụn nước càng tốt, song tình trạng này trên thực tế sẽ gia tăng nguy cơ nhiễm trùng, bội nhiễm.
Cho rằng, gốc rạ và trái rạ có liên quan với nhau nên nhiều người bệnh sẽ được dùng gốc rạ (gốc lúa) nấu nước tắm hoặc uống. “Có lẽ họ nghĩ gốc rạ có khả năng trị trái rạ, nhưng trên thực tế bệnh thủy đậu hay còn gọi trái rạ hoàn toàn không có mối liên quan nào. Gốc rạ chẳng những không điều trị được bệnh mà còn có nguy cơ khiến người bệnh bị nhiễm trùng hoặc chậm trễ điều trị bằng những phương pháp đúng”.
Bên cạnh đó, người xưa cho rằng khi bị thủy đậu người bệnh phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió, kiêng cữ trong ăn uống. Theo BS Hữu Khanh: “Kiêng nước, kiêng gió đồng nghĩa với người bệnh sẽ không tắm rửa mà nằm trong phòng kín hoặc mặc quần áo bít bùng. Điều này khiến cơ thể tiết mồ hôi, gây ngứa, bệnh nhân gãi nhiều làm những bóng nước vỡ ra trong khi cơ thể không được vệ sinh sạch sẽ là điều kiện tốt cho nhiễm trùng, bội nhiễm. Nếu kiêng cữ trong ăn uống, cơ thể đang bị bệnh tấn công sẽ ngày càng suy giảm sức đề kháng, khiến bệnh nặng thêm, người bệnh phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng”.
Để nhanh chóng đẩy lùi bệnh thì việc vệ sinh cơ thể qua tắm giặt, mặc áo quần thoáng mát, ăn uống đầy đủ dưỡng chất là giải pháp được bác sĩ khuyến cáo. Tuy nhiên, để tránh truyền bệnh cho người thân và cộng đồng, người mắc bệnh cần mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc trực tiếp hoặc đến những nơi đông người.
Bình luận của bạn