Phòng ngừa nhiễm trùng răng miệng do bệnh đái tháo đường

Đường huyết cao ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng

Ngày càng nhiều người bị cưa chân vì biến chứng đái tháo đường

Đường huyết ảnh hưởng thế nào đến trí nhớ?

Nhiễm trùng răng miệng do bệnh đái tháo đường

Chế độ ăn tốt cho người bệnh đái tháo đường

Lượng glucose (đường) trong máu cao ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng và có thể gây ra các triệu chứng sau:

- Đau hoặc xuất hiện vết loét ở miệng (lưỡi, trong má,…) không thể chữa lành;

- Xuất hiện đốm đen hoặc lỗ trên răng;

- Răng bị lung lay;

- Đau khi nhai, nói;

- Vị giác thay đổi hoặc cảm thấy có hương vị khó chịu trong miệng;

- Khô miệng;

- Xuất hiện các đốm trắng ở miệng (bệnh tưa miệng);

- Chảy mủ/máu chân răng;

- Hôi miệng kể cả khi vừa đánh răng xong…

Để phát hiện sớm biến chứng nhiễm trùng răng miệng của bệnh đái tháo đường, người bệnh nên kiểm tra răng miệng hàng ngày, đồng thời đi khám nha sỹ ít nhất 2 lần/năm. Một trong những dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng răng miệng là sưng, đau hoặc chảy máu nướu răng. Tuy nhiên, nhiều người chỉ phát hiện được biến chứng này khi bệnh đã trở nặng và điều quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa.

Bạn có thể giữ cho răng miệng luôn khỏe mạnh bằng cách thực hiện những điều dưới đây:

1. Kiểm soát đường huyết

Nồng độ glucose trong máu cao là ngọn nguồn của hầu hết các vấn đề. Càng kiểm soát tốt đường huyết thì răng miệng càng khỏe mạnh. Tất cả can thiệp y tế chỉ có hiệu quả khi bệnh nhân kiểm soát tốt đường huyết và giữ đường huyết ở mức ổn định.

Các yếu tố chính để kiểm soát đường huyết bao gồm: Dùng thuốc/thực phẩm chức năng đúng theo hướng dẫn của bác sỹ, chế độ ăn uống phù hợp và luyện tập thể dục để duy trì trọng lượng khỏe mạnh.

2. Bỏ thuốc lá

Thuốc lá và bệnh đái tháo đường là bộ đôi cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe răng miệng. Người bị đái tháo đường hút thuốc có nguy cơ bị các bệnh nha chu và nấm miệng cao  gấp 20 lần so với những bệnh nhân không hút thuốc lá.

Thuốc lá và đái tháo đường là bộ đôi cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe răng miệng

Hút thuốc lá cũng khiến răng bị xỉn màu, hơi thở có mùi hôi và làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng và ung thư vòm họng. Khi bỏ thuốc lá, bạn đồng thời nhận được những lợi ích sau:

- Giảm nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh đái tháo đường như đau tim, đột quỵ, bệnh thần kinh, bệnh thận và đoạn chi.

- Ổn định cholesterol và huyết áp.

- Cải thiện lưu thông máu.

3. Chăm sóc răng miệng

Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày với kem đánh răng có chứa fluoride để phòng sâu răng. Các thời điểm cần đánh răng bao gồm: Buổi sáng khi vừa thức dậy, trước khi đi ngủ, sau bữa ăn và sau khi ăn các thức ăn có đường hoặc tinh bột. Nên  đánh răng bằng bàn chải mềm và thay sau tối đa 3 tháng sử dụng. Ngoài ra, uống nước hoặc súc miệng bằng fluoride cũng là cách phòng sâu răng hiệu quả.

Bạn có thể sử dụng nước súc miệng có chứa chất chống mảng bám và chống viêm lợi để phòng bệnh về nướu. Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng ít nhất 1 lần/ngày để làm sạch các mảng bám trên răng.

Nếu đeo răng giả, bạn cần vệ sinh thường xuyên  và tháo ra khi ngủ. Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào bất thường ở răng miệng, hãy đi khám chuyên khoa. Đừng quên thông báo với bác sỹ bạn bị mắc bệnh đái tháo đường để họ tiến hành các xét nghiệm máu hoặc có kế hoạch điều trị phù hợp.

Kim Chi H+

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Răng hàm mặt