- Chuyên đề:
- Bệnh thủy đậu
Tiêm vaccine là cách phòng bệnh thủy đậu an toàn và hiệu quả nhất cho trẻ (Ảnh minh họa)
Cẩn trọng: Miền Bắc bước vào mùa thủy đậu
Đề phòng khi thủy đậu vào mùa
Ăn gì để phòng bệnh sởi, thủy đậu?
Bệnh giời leo do virus thủy đậu
Phòng bệnh được coi là biện pháp hữu hiệu để chống lại các tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ biến chứng khi đã mắc.
Tiêm vaccine phòng thủy đậu
Theo các chuyên gia y tế, việc tiêm vaccine là cách phòng bệnh thủy đậu an toàn và hiệu quả nhất. Việc tiêm vaccine thủy đậu không chỉ cần thiết đối với trẻ em, là đối tượng chính của bệnh này, mà còn ở cả người lớn. Tiêm một liều duy nhất 0,5ml cho trẻ từ 1 - 12 tuổi. Đối tượng từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều, cách nhau từ 6 - 10 tuần. Cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng thủy đậu trước mùa dịch ít nhất một tháng, bởi vaccine thuỷ đậu cần 2 - 3 tuần để phát huy tác dụng.
Khi tiêm vaccine thủy đậu cần chú ý một số điểm như: Không tiêm vaccine thủy đậu khi trẻ đang sốt hoặc bị nhiễm khuẩn cấp tính, trẻ mẫn cảm với các thành phần của vaccine, trẻ bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải…
Cách ly với nguồn bệnh
Trong khi dịch bệnh có mặt ở khắp nơi thì cách ly với nguồn bệnh là một biện pháp an toàn giúp ngăn chặn lây lan. Không nên đưa trẻ đến những nơi có nguồn bệnh hoặc nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện. Không nên đến những chỗ đông người như bến xe, bến tàu. Trong trường hợp bắt buộc phải đến những nơi kể trên cần đeo khẩu trang y tế, vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn ngay sau đó.
Làm gì khi trẻ bị bệnh
Đối với trẻ bị bệnh cha mẹ cần cách ly trẻ tại nhà cho đến khi khỏi hẳn. Cho trẻ nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Để bớt ngứa, có thể đắp một miếng khăn mềm, mát trên những nốt thủy đậu, giữ mát cho trẻ. Cắt tỉa móng tay để tránh trẻ làm tổn thương vùng da có thủy đậu, có thể tìm mua loại thuốc thoa da có chất kháng histamine tại nhà thuốc và thoa cho trẻ (nên hỏi ý kiến bác sỹ và đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng). Duy trì việc tắm rửa, vệ sinh thân thể hàng ngày cho trẻ nhưng nhẹ nhàng tránh làm vỡ các nốt thủy đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài. Khi các nốt thủy đậu bị vỡ, chỉ nên bôi thuốc xanh methylen lên vết thương để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nếu trẻ bị sốt hoặc đau nhiều, đưa ngay trẻ đến trung tâm y tế hay bệnh viện gần nhất để được tư vấn. Không nên tự ý sử dụng thuốc tại nhà vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Nếu trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị mắc bệnh thủy đậu, hãy đưa ngay trẻ đến bệnh viện để điều trị.
Tăng cường miễn dịch
Hệ miễn dịch là hệ thống các cấu trúc và quá trình sinh học trong cơ thể để bảo vệ cơ thể con người khỏi các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, cũng như các rối loạn của tế bào. Để nâng cao sức khỏe cho trẻ, cha mẹ cần đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Các loại thực phẩm giàu vitamin, kẽm, sắt, calci, acid folic và acid béo omega-3... sẽ có tác dụng thúc đẩy hệ miễn dịch hiệu quả bằng cách cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho các tế bào miễn dịch.
Một giải pháp khác được các chuyên gia y tế dự phòng khuyến cáo hiện nay là cha mẹ có thể sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng giúp tăng cường hệ miễn dịch. Ưu điểm của những loại thực phẩm chức năng này là bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu mà thức ăn hàng ngày chưa cung cấp đủ. Qua đó giúp hình thành và củng cố hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, chống chọi lại với các loại dịch bệnh lây lan trong đó có bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, việc cho trẻ sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng nào, với liều lượng bao nhiêu cần tham khảo ý kiến của các bác sỹ nhi khoa.
Bình luận của bạn