Run tay chân do di truyền là gì, có phải run vô căn?
SUCKHOE+ | Xin chào chuyên gia! Gần đây tôi thấy tay mình bắt đầu bị run. Tôi thấy tình trạng này xảy ra với cả ông và bố mình. Như vậy có phải tôi bị run tay chân do di truyền không? (huyng**@gmail.com)
Run tay chân do di truyền (hay chính là bệnh run vô căn) là một rối loạn vận động phức tạp có nhiều nét tương đồng với bệnh Parkinson. Theo đó, run vô căn có thể xảy ra do đột biến gene.
Nếu đột biến xuất hiện với bố hoặc mẹ, có 50% khả năng bệnh run tay chân sẽ di truyền lại cho con cái. Ngoài yếu tố di truyền, các nguyên nhân khác gây ra bệnh vẫn chưa được làm rõ.
Thông thường, tùy thuộc vào triệu chứng cụ thể mà người bệnh gặp phải, các bác sĩ sẽ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác, cũng như quá trình điều trị tối ưu nhất. Do đó, bạn nên tới khám tại chuyên khoa thần kinh thuộc các bệnh viện lớn để được chẩn đoán bệnh một cách cụ thể.
Việc chẩn đoán có thể bao gồm tìm hiểu tiền sử bệnh của gia đình, tiến hành xét nghiệm để đánh giá phản xạ, sức mạnh cơ… Tất cả những điều này giúp các chuyên gia xác định được 3 yếu tố riêng biệt, giúp phân biệt run vô căn với run tay chân do các nguyên nhân khác (như bệnh Parkinson):
- Run vô căn thường ảnh hưởng tới tay đầu và giọng nói. Run do bệnh Parkinson có thể ảnh hưởng tới các bộ phận khác trên cơ thể.
- Run tay do run vô căn thường xảy ra trong khi vận động. Run do bệnh Parkinson thường xảy ra khi nghỉ ngơi.
- Run vô căn không gây ra các tình trạng hoặc vấn đề sức khỏe khác, trong khi bệnh Parkinson có thể gây ra các vấn đề về dáng đi.
Nhìn chung, run tay chân do di truyền ở mức độ nhẹ có thể không cần phải điều trị. Người bệnh chỉ cần chú ý thay đổi lối sống lành mạnh hơn theo những lời khuyên sau để kiểm soát triệu chứng:
- Hạn chế uống rượu bia, đồ uống nhiều caffeine.
- Dùng bát, đĩa, đũa, thìa… nặng hơn để giảm biên độ run tay.
- Đeo tạ ở cổ tay.
- Thực hành chánh niệm để giảm căng thẳng và lo lắng.
Trong trường hợp run vô căn với triệu chứng run nặng hơn, người bệnh có thể cần dùng thuốc (như thuốc chẹn beta, thuốc chống co giật, thuốc an thần…) theo chỉ định của bác sĩ; Thực hiện thủ thuật (như tiêm botox, kích thích não sâu); Tập vật lý trị liệu để cải thiện khả năng vận động.
Bình luận của bạn