Bà bầu nên siêu âm bao nhiêu lần khi mang thai?

Siêu âm thai là việc làm thường xuyên mà mẹ phải thực hiện trong thai kỳ.

Mẹ nên ăn gì để nhiều sữa cho con bú?

Bà bầu nên dùng TPCN nào?

Những lưu ý cho bà bầu U40

Bà bầu không nên sử dụng thuốc gì?

Hỏi: Bác sỹ cho tôi hỏi trong thời kì mang thai nên siêu âm bao nhiêu lần? Siêu âm nhiều lần có tốt cho em bé không? Vì sinh con lần đầu nên tôi chưa có kinh nghiệm gì, mong bác sỹ tư vấn. Tôi xin cảm ơn. (Chị Huyền Thương, Hà Nam).

Bác sỹ Đinh Thị Thanh, trả lời:

Chào bạn! Nhiều thai phụ rất thích thậm chí còn "nghiện", muốn ngày nào cũng được ngắm nhìn con nên họ thường xuyên đi siêu âm. Thế nhưng trong quá trình mang thai, bà bầu không nhất thiết phải siêu âm quá nhiều lần mà nên chú ý tới 5 mốc quan trọng đó là:

- Khi phát hiện chậm kinh: Sau 3 tuần bị chậm kinh cùng với sự xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng, người mẹ cần đi khám để xác định có thai hay không, mấy thai và để được siêu âm. Lần siêu âm đầu tiên này khẳng định thai nhi có đang phát triển không. Cũng trong lần khám đầu này, người mẹ sẽ bắt buộc phải làm xét nghiệm máu. Bác sỹ sẽ phát hiện những bệnh lý của mẹ kèm thai như tim sản, đái tháo đường, tăng huyết áp… từ đó sẽ tư vấn cho các bà mẹ nên tiếp tục hay chấm dứt thai kỳ sớm, cách điều  trị, cách thức dưỡng thai và quyết định lịch khám thai tiếp theo. 

- Tuần 12 - 14: Đây là thời điểm siêu âm thai vô cùng quan trọng,bà bầu không được bỏ qua. Đây là thời điểm thai nhi đã hình thành xong, bác sỹ sẽ tính toán tuổi thai nhi chính xác nhất, tim thai phát triển thế nào, thai đơn hay thai đôi và có phát triển bình thường không? Đặc biệt, trong thời gian này, các trường hợp dị tật sẽ được phát hiện chính xác. Bác sỹ sẽ dựa vào khoảng sáng sau gáy thai nhi để dự đoán nguy cơ bệnh down, dị dạng tim, thoát vị cơ hoành…

- Tuần 21 - 24: Đây là giai đoạn quan trọng nhất để bác sỹ dựa vào đó chuẩn đoán và theo dõi tình trạng mang thai của bạn. Bác sỹ sẽ kiểm tra chiều dài tứ chi, đường kính sọ não, xác định sự hiện diện của các cơ quan khác (tim, phổi, dạ dày…). Ngoài ra, bác sỹ có thể phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan nội tạng. Thời gian này đặc biệt quan trọng còn bởi vì những đình chỉ thai nghén chỉ có thể được thực hiện trước tuần thứ 28.

- Tuần 30 - 32 của thai kỳ: Lần siêu âm này, bác sỹ sẽ phát hiện thêm những bất thường xuất hiện muộn (bất thường ở động mạch, tim và một vùng cấu trúc não). Bác sỹ cũng xác định cụ thể hơn ngày dự sinh của bạn và tình trạng nước ối (nhiều hay ít, có đục hay không). Ngoài ra, siêu âm vào thời gian này cũng giúp nhận biết tình trạng phát triển chậm trong tử cung – là một trong những nguyên nhân chính gây suy thai và ngạt sau đẻ.

- Lúc gần sinh: Việc siêu âm thai nhằm xác định lại tình trạng thai nhi, ước lượng cân nặng, lượng nước ối đủ hay cạn, vị trí nhau. Bên cạnh đó, các bác sỹ sẽ kiểm tra vị trí ngôi thai một lần nữa, từ đó tiên lượng cuộc sinh khó hay dễ để có các biện pháp xử lý kịp thời khi thai phụ vượt cạn.

Ngoài những lần siêu âm trên, nếu bà bầu có những dấu hiệu bất thường trong quá trình mang thai mà bác sỹ khuyên nên siêu âm nhiều hay ít. Bạn cũng nên lưu ý rằng, không phải lúc nào siêu âm cũng phát hiện ra các dị tật thai nhi. Có những trường hợp, đến khi bé chào đời bác sỹ mới phát hiện ra dị tật của bé.

Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh.

Gia Hân H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị