Sơ cấp cứu: Hành động thiết yếu trong trường hợp khẩn cấp

Sơ cứu đúng cách có thể giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng, giảm bớt đau đớn và khó chịu cho nạn nhân, đồng thời tăng tốc độ hồi phục.

Podcast: Những sai lầm cần tránh khi sơ cứu đột quỵ

Sơ cứu đuối nước: Đừng "xốc nước", hãy thổi ngạt

Sơ cấp cứu đúng cách giúp người bệnh thoát “cửa tử”

Nữ điều dưỡng A9 Bạch Mai cứu du khách ngừng tim ở nhà hàng

Thời gian qua, hình ảnh một nữ điều dưỡng của Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai tiến hành hồi sinh tim phổi, cứu sống một du khách người Ấn Độ bị ngừng tuần hoàn tại quán ăn ở Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và cộng đồng mạng xã hội.

Tuy nhiên, đây là số ít trường hợp may mắn được người có chuyên môn y tế can thiệp kịp thời khi gặp nạn ngoài cộng đồng. Còn với phần lớn các trường hợp gặp nạn, người sơ cứu ban đầu chỉ có thể là người dân, bạn bè... Có không ít trường hợp người dân sơ cứu ban đầu sai cách, khiến tình trạng của nạn nhân nặng hơn.

Theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, sơ cấp cứu ban đầu nhằm mục đích giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục. Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể tham gia sơ cấp cứu. Tuy nhiên, muốn sơ cấp cứu đúng cách, người sơ cứu cần hiểu được nguyên lý an toàn khi tham gia sơ cấp cứu tại cộng đồng.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai.

Khi tham gia sơ cấp cứu trong mọi tình huống, hãy chú ý đến tính an toàn, đúng đắn và pháp lý. Sau cùng mới là vấn đề đạo đức. Nguyên tắc quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho mình trước bởi, “Thời gian là vàng nhưng an toàn là mạng sống”.

Bác sĩ Hùng cho biết nguyên tắc chung của sơ cấp cứu phải là: An toàn; Không di chuyển nạn nhân khi chưa đánh giá ban đầu; Bình tĩnh và luôn cần sự trợ giúp; Hành động thống nhất; Đề phòng lây nhiễm: Đeo găng tay hoặc sử dụng túi nilon khi tiếp xúc với vết thương; Rửa tay trước và sau khi sơ cứu; Xử lý các vật dụng sau khi sơ cứu.

Cách thực hiện để đảm bảo an toàn cho bản thân và người bị nạn

Khi sơ cấp cứu nạn nhân, cần tiến hành theo các bước: Đánh giá hiện trường; đánh giá ban đầu về tình hình nạn nhân; gọi trợ giúp (113,114,115) rồi mới sơ cứu và vận chuyển.

Lưu ý khi gọi cho số máy khẩn cấp, cần xưng danh và cho số điện thoại của người sơ cứu, rồi thông báo về loại tai nạn, tổn thương và mức độ nghiêm trọng; số lượng, giới tính, độ tuổi của các nạn nhân; tình trạng nguy hiểm tại hiện trường như có chất cháy, nổ, khí độc hay không và nói rõ địa điểm xảy ra tai nạn. 

Đặc biệt, trong các vụ tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông, phải luôn chú ý tới cột sống cổ, để tránh trường hợp nạn nhân bị gãy đốt sống cổ. Vì vậy, người sơ cứu nên coi nạn nhân đang bị gãy đốt sống cổ và nên giữ cho nạn nhân nằm yên và cố định cổ bằng vật cứng như nẹp, mảnh gỗ, thậm chí bằng 2 viên gạch 2 bên, trước khi nhân viên y tế đến.

Khi sơ cứu bệnh nhân thường có 3 tình huống:

- Tình huống thứ nhất - Nạn nhân tỉnh: Người sơ cứu cần hỏi thông tin, kiểm tra vết thương, đưa người bệnh về tư thế thoái mái nhất (tư thế hồi phục).

- Tình huống thứ hai - Nạn nhân không tỉnh, còn mạch: Nếu nạn nhân hôn mê, còn thở, còn mạch, người sơ cứu cần kiểm tra đường thở của bệnh nhân có đờm dãi hay không và đưa bệnh nhân về tư thế an toàn để người bệnh thở dễ dàng hơn. Tư thế nằm nghiêng an toàn khi nạn nhân hôn mê.

- Tình huống thứ ba - Nạn nhân bất tỉnh, không còn mạch: Thực hiện quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản. Gọi người hỗ trợ giúp đỡ. Gọi cấp cứu 115.

Video hướng dẫn thực hiện quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản:

 
Việt An
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội