Empty
Empty

Sông Amazon vừa là con sông lớn nhất thế giới về lượng nước vừa là hệ thống sông dài nhất – 6.400km, bắt nguồn từ dãy Andes của Peru và chảy qua 5 quốc gia trước khi đổ vào Đại Tây Dương. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển, như cá piranha và cá heo sông. Ở một số khu vực, con sông rất sâu, tàu biển có thể đi vào.

Empty

Nhưng rừng Amazon đã bị cháy từ nhiều năm qua. Tháng 9 vừa qua được coi là đỉnh điểm của số vụ cháy ở rừng Amazon trong 14 năm qua. Trong vài tháng qua, các cộng đồng dân cư cở khu vực này đã phải trải qua một mùa cháy rừng dữ dội. Theo các nhà khí hậu, điều này được thúc đẩy bởi nạn phá rừng, kiểu thời tiết El Niño và kết hợp với biến đổi khí hậu.

Nạn phá rừng và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến Amazon, đẩy nó đến gần hơn điểm tới hạn: không còn có thể tồn tại như một khu rừng nhiệt đới nữa. Ngay cả những "con sông bay" mang độ ẩm từ rừng nhiệt đới Amazon đến các khu vực khác của lục địa cũng đã giảm sút tới gần điểm biến mất.

Nếu Amazon đạt đến điểm tới hạn, nó sẽ thải ra hàng tỷ tấn CO2 vào khí quyển thông qua các đám cháy và cây cối chết dần. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu và khiến mục tiêu 1,5°C trở nên bất khả thi. Nó cũng sẽ làm thay đổi các kiểu thời tiết, ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp và nguồn cung cấp lương thực toàn cầu.

Việc mất đi rừng mưa Amazon sẽ gây ra hậu quả tàn khốc cho các cộng đồng và động vật hoang dã mà nó hỗ trợ. Rừng Amazon là nơi sinh sống của hơn 47 triệu người, bao gồm 2,2 triệu người dân bản địa, cộng đồng địa phương và những người nắm giữ các quyền khác, những người phụ thuộc vào tài nguyên của nó và có nền văn hóa gắn bó chặt chẽ với khu rừng và thiên nhiên mà nó hỗ trợ.

Rừng mưa nhiệt đới có hơn 10% các loài được biết đến trên Trái đất, bao gồm cả loài cá heo sông đang có nguy cơ tuyệt chủng. Hàng trăm con cá heo đã chết vào năm ngoái do nhiệt độ và hạn hán khắc nghiệt, và các chuyên gia lo ngại về nguy cơ số tử vong sẽ tăng trong thời gian tới.

Empty

Theo số liệu từ Cơ quan Địa chất Brazil, mực nước dọc theo một số đoạn của sông Amazon đã giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận vào tháng trước. Một số đoạn của tuyến đường thủy rộng lớn này đã cạn dần thành những vũng nước nông chỉ sâu hơn 1m nước.

Cơ quan này đã bắt đầu thu thập dữ liệu của con sông từ năm 1967, năm nay, cơ quan này cho biết, mực nước tại một số đoạn sông ở bang Amazonas của Brazil thấp hơn vài mét nước so với mức trung bình vào thời điểm này trong năm. Mực nước của một số nhánh sông quan trọng nhất của sông Amazon - những con sông lớn, mỗi con sông trải dài hơn 1.000km, cũng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Cuộc khủng hoảng đã làm tắc nghẽn tuyến đường thủy Amazon - tuyến đường thủy quan trọng đóng vai trò kết nối các cộng đồng sống trong rừng và vận chuyển thương mại đến một số vùng xa xôi nhất trên hành tinh. Mực nước giảm khiến tàu thuyền gặp khó khăn khi đưa trẻ em đến trường, đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc chuyển thuốc men và nước uống đến các ngôi làng xa xôi.

Hạn hán cũng làm ảnh hưởng tới thành phố Manaus, với hai triệu dân nằm giữa lòng rừng nhiệt đới, và là một trung tâm sản xuất lớn nhất của Brazil. Nước nông khiến tàu chở hàng khó cập cảng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Cũng giống như những nơi khác trên thế giới, nhiệt độ trung bình ở Brazil đang tăng lên, tạo ra các điều kiện gây hạn hán. Nhiệt độ trung bình ở một số vùng của Amazon tăng 2 độ C, hoặc 3,6 độ F, kể từ những năm 1980 và sẽ tăng cao hơn nữa. Tiến sĩ Bernardo Flores - một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Liên bang Santa Catarina ở Brazil, cho biết, “Amazon đang nóng lên đáng kể. Và điều này có ảnh hưởng rất lớn. Đợt hạn hán hiện tại có liên quan đến nhiệt độ cao hơn nhiều này”.

Nghiên cứu cho thấy ở một số vùng của Amazon, lượng mưa cũng ít hơn và mùa khô hiện dài hơn một tháng so với những năm 1970. Các nhà khoa học chỉ ra rằng nạn phá rừng là những động lực thúc đẩy tình trạng này. Khi rừng Amazon mất đi cây cối, tán cây mỏng dần, rừng nhiệt đới sẽ ít có khả năng che bóng cho thảm thực vật khỏi ánh nắng gay gắt và giữ ẩm. Kết hợp với nhiệt độ tăng cao, đã khiến rừng nhiệt đới trở nên khô hơn và dễ xảy ra cháy rừng lớn hơn. Và những ảnh hưởng kéo dài của hiện tượng thời tiết tự nhiên El Niño đã làm giảm lượng mưa trong mùa mưa. Điều này khiến các con sông không có cơ hội phục hồi.

Empty

Trước tình hình hạn hán không có dấu hiệu thuyên giảm này, Brazil đã phải dùng đến biện pháp đặc biệt – nạo vét lòng sông, khơi thông dòng chảy cho con sông lớn nhất thế giới. Trước đây, chính quyền Brazil đã nạo vét sông Amazon trong những trường hợp khẩn cấp hiếm hoi. Nhưng hiện lòng sông hiện sẽ được nạo vét liên tục trong mỗi 5 năm tới để ứng phó với tình trạng hạn hán kinh niên. Chính quyền Brazil hy vọng việc nạo vét sẽ mang lại hiệu quả cứu trợ.

Trên thực tế, điều này liên quan đến việc xúc trầm tích từ bốn đoạn chiến lược của Amazon đang trở nên quá nông. Ông Fabricio de Oliveira Galvão - Giám đốc Sở Cơ sở hạ tầng giao thông Quốc gia Brazil, cho biết quá trình này ít gây ra rủi ro cho môi trường, và chính quyền sẽ theo dõi chất lượng nước, môi trường và các loài cá.

Nhưng một số nhà khoa học không đồng tình, cảnh báo rằng việc nạo vét sông Amazon và các nhánh sông có thể để lại hậu quả lâu dài cho hệ thống thủy sinh, phá vỡ và có khả năng gây hại cho thực vật và động vật. Đầu tiên, việc nạo vét có thể làm ảnh hưởng tới các lớp thủy ngân bị chôn vùi dưới đáy lớp trầm tích. Các lớp thủy ngân này là kết quả từ việc khai thác vàng bất hợp pháp trước đây. Việc khuấy động lòng sông sẽ khiến cá và các sinh vật thủy sinh khác phải tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại hơn. Thủy ngân có thể hạn chế sự sinh sản, tăng trưởng và phát triển thần kinh của các loài và trở nên có hại hơn khi di chuyển qua chuỗi thức ăn.

Việc nạo vét cũng có thể làm tăng độ đục của sông, khiến nước bị đục và hạn chế lượng ánh sáng mặt trời chiếu tới thực vật thủy sinh, nguồn dinh dưỡng mà chúng cần để sinh sản.

Theo Adalberto Luis Val - nhà sinh vật học tại Viện Nghiên cứu Amazon của Brazil ở Manaus, "Bùn là một tập hợp các trầm tích tích tụ theo thời gian. Việc can thiệp vào trầm tích này cũng giống như can thiệp vào toàn bộ lịch sử này. Chưa kể, quyết định nạo vét này có thể đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, của nhân loại nhưng xét về mặt môi trường, đây là hành động rất liều lĩnh”.

Hơn thế nữa, kế hoạch nạo vét này chỉ tập trung vào các nhánh sông chính, thế nên các con sông nhỏ nối liền các vùng nông thôn với các trung tâm đô thị vẫn có khả năng tiếp tục khô cạn, khiến nhiều ngôi làng bản địa và cộng đồng ngư dân bị cô lập. Theo các chuyên gia, việc xây thêm giếng nước và lắp đặt hệ thống thu thập nước mưa còn tốt hơn cho các cộng đồng xa xôi để ứng phó với tình trạng hạn hán thường xuyên hơn.

Empty

Tuy nhiên, kế hoạch nạo vét là tin vui đối với một số cộng đồng ở ven sông lớn, ví như Cộng đồng Tauary - một ngôi làng ven sông với 35 hộ dân ở một trong những vùng khô hạn nhất của tiểu bang Amazonas. Theo những người dân thuộc cộng đồng này, sông là đường phố của họ, là sinh kế của họ. Hạn hán khiến họ không thể vào thị trấn để mua nước, thực phẩm hoặc thuốc men. Nếu như trước đây, họ chỉ mất 1 giờ đi thuyền thì giờ họ phải mất 10 giờ lội bộ để vào thị trấn gần nhất. Nên việc nạo vét các đoạn sống có thể đem lại nhiều lợi ích hơn cho họ.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sức khỏe môi trường