Tiến sỹ Michael Ryan, trưởng bộ phận khẩn cấp của WHO - Ảnh: AP.
WHO ghi nhận gần 170 bệnh nhi mắc viêm gan bí ẩn
WHO: Làm sao để sống chung với COVID-19 mà không cần phong tỏa?
WHO cảnh báo nguy cơ viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ
WHO: COVID-19 vẫn là mối nguy hiểm lớn, không nên mất cảnh giác
Trong báo cáo hàng tuần về đại dịch của WHO, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết, thế giới đã có khoảng 3,8 triệu ca nhiễm mới và hơn 15.000 ca tử vong vào tuần trước, giảm lần lượt là 17% và 3% so với tuần trước. Tuy nhiên, những con số này vẫn được cho là đánh giá thấp đáng kể so với thực tế bởi ngày càng nhiều các quốc gia đang nới lỏng và dỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch COVID-19.
WHO cũng lưu ý, số ca mắc đang giảm ở hầu hết các nơi trên thế giới nhưng đang tăng khoảng 1/3 ở Châu Phi và 13% ở Châu Mỹ, là những nơi xuất hiện các biến chủng phụ mới lây nhanh BA.4, BA.5. BA.2.12.1 của Omicron. Ngoài ra, cũng có một sự gia tăng khác với gần 70% số ca tử vong được báo cáo ở Ấn Độ, mặc dù điều đó được cho là do báo cáo chậm trễ chứ không phải do dịch bệnh gia tăng.
Tuần trước, các nhà chức trách ở Nam Phi cho biết, họ đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp COVID-19 do đột biến BA.4 của Omicron. Mặc dù phiên bản BA.4 của biến thể Omicron của COVID-19 có vẻ dễ lây lan hơn nhưng WHO cho biết vẫn chưa có bằng chứng cho thấy nó dẫn đến tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong cao hơn phiên bản Omicron gốc.
Salim Abdool Karim, một chuyên gia y tế công cộng tại Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi) cho rằng, các ca bệnh chỉ ghi nhận ở mức tăng "khiêm tốn" do Nam Phi cũng đang trong thời kỳ nghỉ lễ và tỷ lệ xét nghiệm đã giảm đáng kể.
Tại một cuộc họp báo hôm 4/5, tiến sỹ Michael Ryan, trưởng bộ phận khẩn cấp của WHO cho hay, tổ chức này sẽ sớm công bố liệu COVID-19 có đi vào mô hình bệnh theo mùa hay không; tuy nhiên cũng cảnh báo các quốc gia cần thận trọng, không nên quá vội dỡ bỏ tất cả các hạn chế nhất là trong điều kiện các biến chủng mới xuất hiện ngày càng nhiều.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng lo ngại sự "thoải mái" quá sớm ở các nước phương Tây khi khu vực này xuất hiện nhiều biến chủng mới có thể dẫn đến gánh nặng cho hệ thống y tế bởi nếu số ca tăng quá nhanh thì số ca cần nhập viện - thường là đối tượng nguy cơ - cũng tăng theo một tỷ lệ nhất định.
Trong khi đó, ngày 4/5, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã đóng cửa hàng chục ga tàu điện ngầm và tạm ngừng hoạt động các tuyến xe bus nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và tránh nguy cơ phải phong tỏa như thành phố Thượng Hải.
Còn tại "điểm nóng" Thượng Hải, cùng ngày, tin từ Bloomberg cho biết, kế hoạch chấm dứt phong tỏa kéo dài 5 tuần qua ở TP. Thượng Hải đã bị trì hoãn do ca mắc COVID-19 liên tục xuất hiện trong cộng đồng. Thành phố này đã ghi nhận 4.982 ca mắc COVID-19 trong ngày, giảm so với 5.669 ca 1 ngày trước đó nhưng mức độ lây lan vẫn rất cao. Người dân tuyệt vọng, phẫn nộ vì bị "giam cầm" quá lâu.
Bình luận của bạn