Tăng khả năng phát hiện sớm ung thư cổ tử cung đến 55%
Đây là thông tin được ThS Đinh Thị Hiến Lê - Phó Trưởng khoa Ung thư - Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ tại hội nghị ứng dụng xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý chuyên khoa sản- phụ, do Bệnh viện Medlatec tổ chức chiều nay, 14-8. Theo đó, tại nước ta hiện nay, UTCTC đang là một trong những bệnh ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 35 trở lên và đa số phụ nữ mắc bệnh được phát hiện muộn.
Phụ nữ có các triệu chứng, nguy cơ mắc UTCTC cần chủ động đi khám, xét nghiệm sớm để được chẩn đoán (ảnh: internet)
ThS Đinh Thị Hiến Lê cho biết, bình quân mỗi năm ở nước ta có trên 5.000 trường hợp mắc và hơn 2.000 trường hợp tử vong vì UTCTC. Bình quân cứ khoảng 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc UTCTC với 11 trường hợp tử vong. Nguyên nhân chính gây UTCTC được xác định là do virus HPV (một số chủng nhất định) gây ra, chiếm đến 99,7%.
Rất may là hiện nay, một số bệnh viện ở nước ta như tại Bệnh viện Medlatec đã bắt đầu ứng dụng được kỹ thuật sàng lọc UTCTC hiện đại nhất trên thế giới gồm phương pháp Pap smear, ThinPrep, xét nghiệm HPV,… giúp sàng lọc UTCTC giai đoạn sớm.
Trong đó, phương pháp ThinPrep có nhiều ưu điểm vượt trội như làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong phát hiện các tế bào tiền ung thư, đặc biệt là các tế bào biểu mô tuyến, một loại tế bào ung thư rất khó phát hiện. Theo các nghiên cứu, phương pháp ThinPrep giúp tăng 55% số phát hiện tế bào nguy cơ ung thư cao so với phương pháp Pap truyền thống. Phương pháp này hiện đang được sử dụng phổ biến tại Mỹ, châu Âu.
ThS Đinh Thị Hiến Lê khuyến cáo, UTCTC thường có biểu hiện như ra máu bất thường không liên quan đến chu kỳ kinh, ra máu khi giao hợp, ra dịch hôi, kéo dài, đau vùng chậu,… nhưng không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn. Do vậy, để có thể phát hiện sớm được bệnh này thì phụ nữ, nhất là những người gặp các triệu chứng trên cần đi khám phụ khoa sớm để được xét nghiệm, chẩn đoán và ngăn ngừa bệnh.
Bình luận của bạn