Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế nêu giải pháp cho nguồn nhân lực ngành Y

Đi tìm giải pháp cho “cơn khát” nguồn nhân lực y tế chất lượng cao sau đại dịch.

ĐBQH: Cần huy động sức mạnh của hệ thống y tế tư nhân (kỳ I)

Chất vấn ngành Y tế tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Thủ tướng: 5 bài học kinh nghiệm lớn từ thực tiễn phòng chống dịch COVID-19

Chú trọng đào tạo nhân lực cho tuyến y tế cơ sở

Thống kê của ngành y tế cho thấy tỷ lệ bác sỹ/vạn dân của Việt Nam là 8,6; thấp hơn từ 4 - 8 lần so với nhiều nước có ngành Y phát triển như Australia khi tỷ lệ của nước này đạt 48,3; Cuba 67,2; Argentina 38,6 hay Nga với 43 bác sỹ/vạn dân. Tình trạng thiếu hụt điều dưỡng cũng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ điều dưỡng/bác sỹ khá thấp, ở mức 1,8, trong khi yêu cầu tối thiểu phải là từ 3-3,5 điều dưỡng viên/bác sỹ và đa số có trình độ trung học (66,9%).

“Nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, đến năm 2030 ngành Y tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40-50 nghìn nhân lực điều dưỡng”. Đó là nhận định của TS. Ki Dong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam trong một hội thảo vào tháng 5/2020.

Ngoài ra, lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở ngày càng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ bác sỹ. Theo đó, nguồn nhân lực của hệ thống này chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng để có thể triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, đào tạo chung mỗi năm có khoảng từ 6.700 cho đến 7000 bác sỹ ra trường, số lượng bác sỹ này mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu về số lượng. Tuy nhiên không thể đẩy nhanh tốc độ đào tạo lên được bởi phụ thuộc vào năng lực đào tạo của các trường và các thầy.

Những tháng đầu năm 2021, dư luận dậy sóng khi hàng trăm bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc, chuyển việc. Nhiều lý do được đưa ra, trong đó chủ yếu là quá tải và áp lực công việc.

Không những thế, khi dịch COVID-19 ập đến, tình trạng thiếu nhân lực ngành Y càng trở nên cấp bách khi nhân viên y tế luôn phải làm việc trong tình trạng quá tải, xuyên đêm, suốt ngày, hiếm có thời gian ngơi nghỉ.

Chỉ qua 2 năm chống dịch, bức tranh đào tạo ngành sức khoẻ ở Việt Nam càng trở nên ảm đạm khi nhìn vào khoảng cách rất xa giữa con số ước đạt và thực tế.

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dịch bệnh đã làm bộc lộ những yếu kém của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, chính vì vậy cần củng cố bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó quan trọng nhất là nguồn nhân lực. Do vậy, Thủ tướng cho rằng cần tập trung cho đào tạo, có chính sách thu hút nguồn nhân lực cho cơ sở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về giải pháp nâng cao chất lượng ngành y tế tại phiên chất vấn đầu tiên trước Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về giải pháp nâng cao chất lượng ngành y tế tại phiên chất vấn đầu tiên trước Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) về các biện pháp căn cơ phục hồi và phát triển kinh tế trong hai tháng cuối năm 2021, Thủ tướng cũng nêu rõ 2 trong 4 nhóm định hướng lớn trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội thời gian tới bao gồm:

Thứ nhất, nâng cao năng lực y tế. Theo Thủ tướng, một nguyên nhân khiến Việt Nam tăng trưởng âm trong quý III/2021 là phải thực hiện các biện pháp hành chính để chống dịch. Vì vậy, tới đây Chính phủ, các bộ ngành, địa phương phải tập trung nâng cao năng lực y tế, tập trung vào y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Thứ hai, cần tập trung cho con người. Đây là vốn quý nhất. Đại hội XIII đã xác định phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, con người là nguồn lực lớn nhất. Trong quá trình phát triển, lấy nội lực là cơ bản, lâu dài và yếu tố có tính chất quyết định; ngoại lực là đột phá.

Cũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trước Quốc hội khóa XV, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về giải pháp chống việc “chảy máu chất xám” nhân lực của ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ đối với lĩnh vực y tế, đặc biệt là chất lượng đối với dịch vụ y tế thì nguồn nhân lực là hết sức quan trọng.

Một buổi đào tạo, tập huấn cho đội ngũ y bác sỹ của 60 bệnh viện tại Việt Nam với sự hỗ trợ của các chuyên gia GE Healthcare - Ảnh: Hiệp Nguyễn/sức khỏe+

Một buổi đào tạo, tập huấn cho đội ngũ y bác sỹ của 60 bệnh viện tại Việt Nam với sự hỗ trợ của các chuyên gia GE Healthcare - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

Trong suốt thời gian qua, Bộ Y tế luôn luôn quan tâm chỉ đạo trong vấn đề về đào tạo nhân lực y tế để đảm bảo việc đội ngũ y tế đáp ứng được theo yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đảm bảo y tế của Việt Nam tương đương đối với các nền y tế hiện đại của các nước trên thế giới. Vì vậy, trong đào tạo đã triển khai rất nhiều những chương trình về đào tạo, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó đã có những chính sách, giải pháp để thu hút nguồn nhân lực làm việc đối với các đơn vị y tế công lập như chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và chế độ phụ cấp đặc biệt.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mặc dù có một số trường hợp cán bộ y tế ở đơn vị công lập sang làm việc cho những đơn vị y tế tư nhân, nhưng nhân lực của y tế công lập vẫn đang là chủ đạo và những người có trình độ chuyên môn cao hầu hết vẫn đang làm việc ở khu vực y tế công lập.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường những chế độ thu hút những người làm việc trong lĩnh vực y tế công lập; tiếp tục đào tạo và đào tạo lại, tức là đào tạo với trình độ cao hơn đối với toàn bộ lực lượng y tế, chứ không riêng gì đối với y tế công lập và y tế tư nhân.

Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ cố gắng trong vấn đề cải cách chế độ tiền lương cũng như là những chế độ phụ cấp để đảm bảo những người cán bộ y tế cũng yên tâm làm việc ở các cơ sở y tế công lập.

Giải pháp về đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ có chương trình đổi mới căn bản, toàn diện việc đào tạo đối với ngành y tế, trong đó có đào tạo bác sỹ y khoa, đào tạo bác sỹ hệ y tế dự phòng, đào tạo đối với các chuyên ngành khác. Tuy nhiên, thực tế đặt ra hiện nay mặc dù là bác sỹ của chúng ta đào tạo 6 năm và tới đây sẽ là 9 năm, nhưng khi ra trường chỉ hưởng lương tương đương với đào tạo 4 năm.

Vì vậy, khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành khung trình độ quốc gia, chúng ta cũng sẽ thực hiện theo khung trình độ quốc gia, đồng thời thực hiện đảm chế độ đối với cán bộ y tế một cách phù hợp.

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin