Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ chiều 19/5 - Ảnh: VGP

WHO: Tiến bộ y tế thế giới chững lại sau đại dịch COVID-19

Tăng cường thanh tra, hậu kiểm việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm

Hơn 34.000 vụ vi phạm bị xử lý, Thủ tướng yêu cầu mở đợt cao điểm chống hàng giả

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu làm rõ quảng cáo sản phẩm Nestlé Milo

Đây là nội dung được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về các nội dung chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 5/2025.

Về đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh an toàn thực phẩm là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Trong khi đó, thời gian qua, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, nhất là các vụ việc liên quan thuốc giả, sữa giả, thực phẩm giả, thực phẩm bẩn… diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, thiếu trách nhiệm trong quản lý. Buôn lậu, làm hàng giả lên tới cả trăm tấn phải có kho bãi, hoạt động mua bán, vận chuyển; Cơ quan chức năng không phát hiện thì chỉ có 2 khả năng: Một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc, có tiêu cực.

Trước những tồn tại này, cần thiết kế các chính sách quy định rõ một cơ quan chịu trách nhiệm chính và xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan, các bộ, ngành liên quan trong quản lý an toàn thực phẩm. Thủ tướng chỉ đạo không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống trong quản lý nhà nước. Việc xây dựng luật cần đảm bảo nguyên tắc "6 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan khẩn trương trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các đường dây sản xuất thực phẩm và thuốc kém chất lượng. Bên cạnh đó là tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng. Thực trạng này cho thấy, đã đến lúc cần rà soát lại các khoảng trống pháp lý, sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo hướng tăng cường hiệu quả kiểm soát trong cả giai đoạn tiền kiểm và hậu kiểm.

Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011 đã tạo hành lang pháp lý tích cực cho hoạt động kinh doanh thực phẩm trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên đến nay, Luật đã xuất hiện nội dung, quy định không còn phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội. Một trong số đó là hoạt động thương mại điện tử, mua bán thực phẩm qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử phát triển nhanh chóng mặt, khiến việc kiểm soát, giám sát chất lượng trở nên khó khăn. 

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội