WHO: Tiến bộ y tế thế giới chững lại sau đại dịch COVID-19

Tiến bộ y tế toàn cầu chững lại sau đại dịch COVID-19

Tăng cường thanh tra, hậu kiểm việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm

Biến đổi khí hậu làm tăng hàm lượng arsen trong gạo

Podcast: Nằm ngủ nghiêng bên trái có ảnh hưởng đến tim không?

Ảnh hưởng của việc sinh con đến quá trình lão hóa?

Thực trạng đáng báo động

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo Thống kê Y tế Thế giới năm 2025, chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đã gây ra những hệ lụy nặng nề và kéo dài đối với sức khỏe toàn cầu. Trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021, tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới giảm 1,8 năm. Đây là mức giảm lớn nhất trong lịch sử, làm đảo ngược những thành quả mà nhân loại đã đạt được trong một thập kỷ trước đó.

Không chỉ tuổi thọ bị ảnh hưởng, tuổi thọ khỏe mạnh trung bình (tức số năm một người có thể sống trong tình trạng sức khỏe tốt, không mắc bệnh nặng hoặc khuyết tật nghiêm trọng) cũng giảm khoảng 6 tuần. Nguyên nhân chủ yếu là sự gia tăng các rối loạn tâm thần như lo âu và trầm cảm trong thời kỳ đại dịch. Tổn thất này gần như xóa sạch những lợi ích y tế mà thế giới đạt được nhờ giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường hay ung thư.

Báo cáo cũng đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu toàn cầu của WHO, được gọi là “Ba tỷ người” - nhóm mục tiêu toàn cầu về mở rộng tiếp cận y tế, bảo vệ sức khỏe và cải thiện chất lượng sống. Đến cuối năm 2024, khoảng 1,4 tỷ người đã sống khỏe mạnh hơn nhờ giảm hút thuốc, cải thiện môi trường sống và tăng cường tiếp cận nước sạch, vệ sinh. Tuy nhiên, chỉ có 431 triệu người tiếp cận được dịch vụ y tế thiết yếu mà không gặp khó khăn tài chính và khoảng 637 triệu người được bảo vệ tốt hơn trước các tình huống y tế khẩn cấp. Những con số này vẫn còn thấp so với mục tiêu ban đầu.

Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ nhỏ đang giảm chậm lại sau hai thập kỷ liên tiếp có bước tiến ấn tượng. Từ năm 2000 đến 2023, số ca tử vong ở mẹ giảm hơn 40% và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm hơn một nửa. Tuy nhiên, tiến trình hiện tại không đủ để đạt các chỉ tiêu đề ra đến năm 2030. WHO cảnh báo rằng nếu không có sự can thiệp kịp thời và quyết liệt, thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn 700.000 ca tử vong ở mẹ và 8 triệu ca tử vong ở trẻ em trong giai đoạn 2024–2030.

WHO cũng lưu ý rằng, tiến độ đạt các mục tiêu y tế toàn cầu không chỉ bị gián đoạn do cú sốc từ đại dịch COVID-19, mà thực tế đã có dấu hiệu chững lại từ trước đó. Sau đại dịch, quá trình hồi phục cũng diễn ra chậm hơn kỳ vọng. Tổ chức này cảnh báo rằng nếu không có hành động kịp thời và quyết liệt, tiến trình cải thiện sức khỏe toàn dân có thể bị đẩy lùi nghiêm trọng.

Một số nguyên nhân

Còn nhiều thách thức với nền y tế toàn cầu

Còn nhiều thách thức với nền y tế toàn cầu

Nguyên nhân chính khiến tiến bộ bị kìm hãm là do thiếu đầu tư cho y tế cơ sở, thiếu nhân lực y tế và khoảng trống lớn trong các dịch vụ như tiêm chủng hay chăm sóc thai sản an toàn. Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm vẫn tiếp tục là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người dưới 70 tuổi. Tình trạng này đang trầm trọng thêm do dân số tăng nhanh và già hóa.

Một số điểm sáng đã được ghi nhận, như tỷ lệ hút thuốc và mức tiêu thụ rượu toàn cầu đều có xu hướng giảm. Cụ thể, lượng rượu tiêu thụ bình quân đầu người giảm từ 5,7 lít năm 2010 xuống còn 5,0 lít vào năm 2022. Tuy vậy, ô nhiễm không khí vẫn nằm trong nhóm nguyên nhân gây tử vong có thể phòng tránh hàng đầu và các vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn chưa được quan tâm đúng mức, làm cản trở quá trình phục hồi toàn diện.

Một khó khăn lớn khác là sự thiếu hụt nhân viên y tế toàn cầu. WHO ước tính đến năm 2030, thế giới sẽ thiếu khoảng 11,1 triệu nhân viên y tế, trong đó gần 70% sự thiếu hụt nằm tại các khu vực châu Phi và Đông Địa Trung Hải. Tiến sĩ Haidong Wang, Trưởng đơn vị Dữ liệu và Phân tích Y tế của WHO nhấn mạnh rằng, hệ thống y tế mạnh cần được xây dựng trên nền tảng dữ liệu đáng tin cậy. Ông cho biết WHO đang hỗ trợ các nước cải thiện hệ thống thông tin y tế thông qua Chiến lược SCORE và Trung tâm Dữ liệu Y tế Thế giới.

Về bệnh truyền nhiễm, báo cáo ghi nhận một số tín hiệu tích cực như tỷ lệ mắc HIV và lao đang giảm, số người cần điều trị bệnh nhiệt đới bị lãng quên cũng giảm. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, số ca mắc sốt rét đang có xu hướng tăng trở lại. Kháng thuốc cũng tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng và tỷ lệ tiêm chủng cơ bản ở trẻ em vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch. Nhiều quốc gia vẫn gặp khó khăn trong việc xử lý các rủi ro y tế nền tảng như suy dinh dưỡng, điều kiện sống thiếu an toàn và ô nhiễm không khí.

Một yếu tố đáng lo ngại khác là sự gián đoạn trong viện trợ y tế quốc tế. Nguồn tài trợ không ổn định đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến những quốc gia có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao nhất. WHO kêu gọi sự tăng cường tài chính cả từ nguồn nội địa và quốc tế để duy trì thành quả y tế đã đạt được và ứng phó với các thách thức mới.

Tiến sĩ Samira Asma, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO phụ trách Dữ liệu, Phân tích và Đánh giá tác động, nhận định rằng thế giới hiện đang không vượt qua được “bài kiểm tra sức khỏe tổng quát”. Tuy nhiên, bà khẳng định rằng nếu các quốc gia có chiến lược phù hợp, đầu tư hiệu quả và hành động kịp thời, thì hoàn toàn có thể đạt được những tiến bộ rõ rệt và giảm thiểu đáng kể các ca tử vong sớm có thể phòng tránh.

 
Đào Dung (Theo WHO)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin