Gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả của quản lý thị trường - Ảnh: VGP
Đại biểu Quốc hội "hiến kế" giúp bệnh viện luôn đảm bảo đủ thuốc
ĐBQH: Cần huy động sức mạnh của hệ thống y tế tư nhân (kỳ I)
Giải pháp nào bịt những “lỗ hổng” an toàn thực phẩm?
Vụ sữa giả thu lời 500 tỷ: Chuyên gia chỉ ra những lỗ hổng
Lấy lại niềm tin của người tiêu dùng
Ngày 17/5, tại kỳ họp thứ 9, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) băn khoăn về công tác hậu kiểm chất lượng sản phẩm, hàng hóa thời gian qua.
Nhấn mạnh việc đổi mới từ tiền kiểm sang hậu kiểm là cần thiết, song ông Hòa đánh giá công tác hậu kiểm thời gian qua còn lơ là, đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa còn thiếu trách nhiệm trong việc này.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng trách nhiệm giải trình và công bố thông tin sản phẩm phải là nghĩa vụ bắt buộc với doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc hậu kiểm hàng hóa còn nhiều bất cập, ông nêu thực trạng: “Tiền kiểm không làm, hậu kiểm lại lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm. Nhiều sản phẩm khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là có chất lượng, nhưng thực chất là hàng kém chất lượng”.
Một trong những vấn đề gây bức xúc lớn thời gian qua được đại biểu Phạm Văn Hoà thẳng thắn đề cập là vụ việc liên quan đến hai công ty MediPhar, MediUSA và việc bắt giữ ông Nguyễn Thanh Phong – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ảnh: Media Quốc hội
“Cả nước rất quan tâm và đồng tình, nhưng nhiều người nói thẳng: bắt quá trễ! Chính vì vậy, cần xử lý nghiêm minh các vi phạm trong công tác hậu kiểm, để lấy lại niềm tin nơi người tiêu dùng”, ông Hoà nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong kiểm soát chất lượng hàng hóa. Theo ông, không chỉ Bộ Khoa học và Công nghệ, mà Bộ Y tế, Bộ Công Thương đều phải chịu trách nhiệm cụ thể – không thể chỉ “quản lý trên giấy” mà bỏ ngỏ khâu hậu kiểm vốn đang rất lỏng lẻo.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) đánh giá quy định phân loại hàng hóa theo cấp độ rủi ro là căn cứ để người sản xuất lựa chọn biện pháp kiểm soát chất lượng và an toàn sản phẩm phù hợp và nhà nước đưa ra chế độ kiểm tra (tần suất kiểm tra) tương thích, chủ yếu trong khâu hậu kiểm là cần thiết.
Tuy nhiên, dự thảo luật sửa đổi lại quá tập trung ở khâu tiền kiểm, bằng các biện pháp công bố hợp quy cho từng nhóm sản phẩm, vấn đề đang còn nhiều tranh cãi là không phù hợp và còn xem nhẹ các biện pháp hậu kiểm.
"Công tác hậu kiểm mới là quan trọng, những lùm xùm trong vụ sữa giả vừa qua là bài học", đại biểu Duy Thanh cảnh báo.
Theo quy định hiện hành, nhiều nhóm sản phẩm bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng được phép tự công bố và không cần phải kiểm nghiệm trước khi lưu hành. Chính sách này được cho là tạo thuận lợi, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ chế này đang bị một số doanh nghiệp lợi dụng để hợp pháp hóa sản phẩm không đạt chất lượng.
Thực tế, hàng loạt sản phẩm sữa giả, thuốc giả bị phát hiện trong thời gian gần đây không chỉ là một lời cảnh báo mà còn là chỉ dấu rõ ràng về sự thiếu minh bạch trong nguồn gốc hàng hóa, nhất là khi phần lớn doanh nghiệp hiện nay vẫn tự công bố chất lượng sản phẩm.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu - Ảnh: Media Quốc hội
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, các cơ quan quản lý không kiểm nghiệm thực tế sản phẩm mà chỉ kiểm soát trên hồ sơ doanh nghiệp nộp, trong khi doanh nghiệp hoàn toàn chủ động về thông tin công bố, không có xác nhận của bên thứ ba. Điều này dẫn đến nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng “lọt lưới” và đến tay người tiêu dùng.
“Thực tế đã có những vụ việc doanh nghiệp sản xuất thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng không đạt chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, thậm chí kéo dài nhiều năm mới bị phát hiện” - Đại biểu Trần Khánh Thu dẫn chứng.
Trong khi người tiêu dùng mong muốn được bảo vệ, thì nhiều doanh nghiệp lại tìm cách lách luật để tiết kiệm chi phí, rút ngắn quy trình. Hệ quả là nỗi lo về thực phẩm không rõ nguồn gốc, thuốc không đảm bảo an toàn vẫn luôn hiện hữu, đặc biệt tại các kênh bán hàng trực tuyến...
Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, thực trạng hiện nay cho thấy, thương mại điện tử vẫn tồn tại nhiều vướng mắc về việc quản lý, xác định trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm; hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên các nền tảng số, trong khi người tiêu rất khó xác định được đơn vị chịu trách nhiệm pháp lý.
Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong thương mại điện tử, đại biểu đề nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa vi phạm trong môi trường số, cho phép người tiêu dùng tra cứu thông tin, đồng thời hỗ trợ cơ quan chức năng cảnh báo, hậu kiểm, xử lý vi phạm trên phạm vi toàn quốc.
Cần truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải minh bạch trong công bố chất lượng sản phẩm. Ví dụ như bánh kẹo, hóa chất, nước giải khát… người tiêu dùng khi nhìn vào bao bì sản phẩm là phải thấy thông tin rõ ràng để biết và lựa chọn.
Đặc biệt, với các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm y học, mỹ phẩm chức năng…, đại biểu đề nghị bắt buộc phải có hồ sơ công bố, kèm tiêu chuẩn riêng, hồ sơ khoa học và kết quả kiểm nghiệm từ đơn vị độc lập.
Đối với những quảng cáo sản phẩm có dấu hiệu nói quá công dụng, chữa bệnh, giảm cân cấp tốc, thì cần kiểm tra nghiêm ngặt, xử lý dứt điểm, không để “nhờn luật”.
Theo đại biểu, tình trạng hàng giả, hàng nhái là không mới, nhưng nếu không có biện pháp khắc phục thực chất từ hệ thống pháp luật, từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, thì bức xúc xã hội vẫn sẽ còn tiếp diễn. Người tiêu dùng không thể mãi “tự bảo vệ mình” trong một thị trường mà trách nhiệm lại bị đẩy về phía người yếu thế.
Vì thế, đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp cho rằng, nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phải công khai tên doanh nghiệp vi phạm, xử phạt nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu sản phẩm gây thiệt hại cho người tiêu dùng, thì doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có trách nhiệm bồi thường.
Thủ tướng:"Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng", "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ"

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả - Ảnh: TTXVN
Cũng trong ngày 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Thủ tướng nêu rõ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là công việc rất quan trọng, mang tính lâu dài, cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Trong đó, nhân dân phải là trung tâm bảo vệ, là chủ thể cùng đấu tranh, phải huy động sức mạnh từ Nhân dân để tạo thành phong trào. Hệ thống tổ chức chính trị ở cơ sở đóng vai trò quyết định; chính quyền cơ sở là nòng cốt trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Công tác này cần phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân xây dựng được phong trào toàn dân trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong thời gian từ ngày 15/5 đến ngày 15/6, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc.
Thủ tướng cũng thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Tổ công tác tại địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực Trung ương trực tiếp làm Tổ trưởng với thành phần tham gia phù hợp, khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt hiệu quả đợt tấn công cao điểm.
Theo nội dung Chị thị, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ và Công an địa phương xác lập chuyên án, đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội.
Cùng với đó, phối hợp các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan để xảy ra sai phạm trong phạm vi quản lý, báo cáo, đề xuất xử lý theo quy định.
Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử; chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Bộ Y tế tăng cường đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, dược phẩm giả; khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, các văn bản quy định về sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng; nghiên cứu đề xuất tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý những cơ quan đề nghị quảng cáo, cơ quan thực hiện việc quảng cáo, những cá nhân, nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín của mình để có hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội.
Bình luận của bạn