2020: TPCN sẽ trở thành ngành kinh tế - y tế mũi nhọn?

TPCN từ cafe xanh liệu có giúp giảm cân?

Công nhận thành viên sáng lập Hiệp hội TPCN và Tạp chí TPCN

50% cơ sở TPCN vi phạm: “Bệnh nặng do nhờn thuốc”

TPCN kém chất lượng: Dân mất đi cơ hội tăng cường sức khỏe?

Từ chỉ tiêu đến tầm nhìn chiến lược


Nhu cầu sử dụng TPCN ngày càng cao là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại


Theo nhận định của PGS.TS Trần Đáng: Nhu cầu đối với thực phẩm chức năng (TPCN) là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, do chưa thống nhất về khái niệm, tiêu chuẩn, quản lý trong sản xuất, phân phối, quảng cáo… nên đã gây ra tình trạng nhận thức chưa đầy đủ về định nghĩa, phân loại, phân biệt và tác dụng thực sự của TPCN ở người tiêu dùng. Vì vậy, cần phải triển khai công tác giáo dục truyền thông thành hoạt động trung tâm, đi trước một bước trong mọi hoạt động để giúp người dân có thể “Hiểu đúng – làm đúng – dùng đúng” TPCN. Nếu làm được điều đó thì TPCN mới có cơ hội để phát triển thành một ngành kinh tế - y tế mũi nhọn với những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn và hiệu quả cao trong việc phòng ngừa, hỗ trợ điều trị bệnh tật cho người dân Việt Nam. Từ đó, Hiệp hội TPCN Việt Nam đặt ra các mục tiêu về tầm nhìn chiến lược đến năm 2030. Theo đó, trên 90% các nhóm đối tượng liên quan “Hiểu đúng – làm đúng – dùng đúng” TPCN và TPCN sẽ phát triển trở thành một ngành kinh tế - y tế nổi bật. Tỷ lệ số người trưởng thành sử dụng TPCN thường xuyên lên 70%. Sản xuất TPCN trong nước chiếm 75%, trong đó, tự túc nguyên liệu đạt 60% và xuất khẩu TPCN đạt 5 tỷ USD.

 Nghiên cứu về mẫu mã sản phẩm, bao gói và nhãn mác TPCN cũng là vấn đề được quan tâm. Đây là một hướng đi cần thiết, giúp cho tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước được tăng lên, tạo sự ưa dùng cho khách hàng trong nước và nước ngoài.

Để đạt được những mục tiêu mang tính chiến lược này, Hiệp hội TPCN Việt Nam đã đưa ra một số chỉ tiêu mang tính chất bước đệm phát triển ngành từ nay đến năm 2020. Theo đó, chỉ tiêu quan trọng nhất được đưa ra là nâng số người trưởng thành sử dụng TPCN thường xuyên từ 43% như hiện nay lên khoảng 60%. Về sản xuất, Hiệp hội sẽ phối hợp với các Bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp liên quan để hình thành thêm nhiều vùng nguyên liệu chuyên canh 100% áp dụng GAP – TPCN, nhằm đảm bảo được 50% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất trong nước. Đồng thời, hướng tới mục tiêu 50% các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại. Những bước đệm này nhằm phấn đấu đạt cho được tỷ lệ sản phẩm sản xuất trong nước đạt 70% và xuất khẩu TPCN đạt 1 tỷ USD/năm vào năm 2020.

Hướng đi mới trong nghiên cứu, chế biến TPCN

Các nghiên cứu về TPCN sẽ giúp bảo tồn các nguồn dược liệu quý của Việt Nam

Đứng trước những mục tiêu mang tính thách thức này, Hiệp hội TPCN Việt Nam cũng xác định việc nghiên cứu khoa học công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất, quản lý ngành sẽ là hướng đi mũi nhọn. Mặc dù, ngành TPCN ở Việt Nam vẫn còn non trẻ nhưng hiện tại, đã có nhiều công trình nghiên cứu rất thành công và đã đưa vào sản xuất. Trong đó, có nhiều công trình cấp Nhà nước và hướng nghiên cứu tập trung chủ yếu vào những nguyên liệu: Caroten, Lycopen, Vitamin E trong quả gấc; Saponin steroid trong cây tật lê; Curcumin từ củ nghệ; Saponin triterpea từ cây đinh lăng; Hoạt chất của cây Trinh nữ hoàng cung; Sylymarin trong cây cúc gai; Saponin từ rau má; Iridoids từ quả nhàu, củ Ba kích…; Phytoestrogen của đậu tương, sắn dây; Lutein trong hoa Cúc vạn thọ; Nuciferin từ lá sen; Saponin của Sâm Việt Nam; Polyphenol từ lá chè xanh; Rutin, Quecetin từ hoa hòe; Mangostin từ quả măng cụt; Hoạt chất của quả mướp đắng, cây Xuân hoa, Giảo cổ lam, cây thìa canh, Diệp hạ châu…; DNJ trong lá dâu với bệnh đái tháo đường; Các hoạt chất chống ung thư từ dược thảo khác…

Các nghiên cứu về về quy hoạch nuôi trồng, di thực, bảo tồn gene các loại dược thảo có sẵn ở nước cũng là những nội dung quan trọng của nghiên cứu nguyên liệu của TPCN. Các nghiên cứu này giúp phát triển nguồn nguyên liệu bền vững, chống nguy cơ tuyệt chủng nhiều loại dược thảo quý hiếm, đồng thời, nâng cao chất lượng và giá trị cho các sản phẩm TPCN mang thương hiệu Việt Nam.

Đặc biệt, các nghiên cứu di thực một số dược thảo vào Việt Nam cũng rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Ví dụ như Cây Maca ( Maca Lepidium Meyenii syn) là cây giàu chất dinh dưỡng, nguyên tố vi lượng (Ca, I2, Zn, Fe, K) và Vitamin (B2, B6,C, Niacine), giàu Arginin và acid amin làm tăng khả năng sinh sản. Maca có thể trồng ở vùng đồi núi trọc, thiếu nước. Cây Việt quất (BlueBerry) cũng rất giàu Vitamin (C, B1, B2, PP, B5, B6, B9, A, E), chất khoáng (Ca, Cu, Fe, Mn, P, K, Se, Na, Zn) và các chất chống oxy hóa (Anthocyanine). Cây Ginkgo biloba có chứa các hoạt chất có tác dụng làm tăng tuần hoàn não, tăng sức chịu đựng của mô khi thiếu oxy, chống oxy hóa, thoái hóa tế bào não. Nhiều loài dược thảo có thể di thực được trồng ở nước ta, hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và công dụng cho các sản phẩm TPCN.

Ngoài việc tập trung cho nghiên cứu các nguyên liệu quý làm nền tảng cho sản xuất, cũng có nhiều nghiên cứu các công nghệ mới như công nghệ Nano, công nghệ sinh học để áp dụng trong sản xuất TPCN. TPCN là những sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm và thuốc, gần với thực phẩm ở giới hạn tự nhiên các hoạt chất và cách dùng, gần với thuốc ở hình dáng sản phẩm và công nghệ chiết tách, sản xuất. Hiện nay, khá nhiều công ty, cơ sở đã sử dụng dây truyền sản xuất thuốc chuyển sang sản xuất TPCN. Có một xu hướng mới được đặc biệt nhấn mạnh trong nghiên cứu về TPCN, cả về nguyên liệu lẫn công nghệ sản xuất, là không chỉ được thực hiện với động vật trong phòng thí nghiệm mà cả trên lâm sàng. Điều này sẽ giúp cho công tác quản lý TPCN ngày một chặt chẽ và khoa học hơn. Ở Việt Nam hiện nay, các cơ sở nghiên cứu TPCN uy tín như: Học viện Quân y, Viện Y học cổ truyền dân tộc quân đội, các cơ quan nghiên cứu của các viện nghiên cứu, các Hội và Hiệp hội, đặc biệt là Viện TPCN (VIDS) – cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của Hiệp hội TPCN Việt Nam.

 

Nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm TPCN sẽ theo hướng:

-Các sản phẩm bổ sung vitamin, chất khoáng, acid amin, enzyme, probiotics, hormone, tiền hormone, chất xơ.

- Sản phẩm từ dược thảo.

- Sản phẩm từ động vật: Glucosamine, sữa ong chúa, nhung hươu, dầu cá…

- Các TPCN đặc biệt cho người già, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, cho mục đích sức khỏe đặc biệt và cho mục đích y học đặc biệt. 

 

Ngô An
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng