Chấn chỉnh triệt để tình trạng tiêm nhầm vaccine

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, chỉ những người được tập huấn thuần thục mới được trực tiếp tiêm chủng (Ảnh minh họa)

Gần 88% học sinh THCS được tiêm vaccine sởi – rubella

Tiêm vaccine đúng lịch, phòng bệnh lây nhiễm nguy hiểm cho trẻ

Hơn 17 triệu trẻ em đã được tiêm vaccine sởi - rubella an toàn

Tiêm vaccine sởi - rubella: Bé khỏe, mẹ vui!

Vaccine DTaP: Miễn dịch bạch hầu, ho gà, uốn ván cho trẻ

Cương quyết xử lý tiêm nhầm

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Phải cương quyết xử lý tiêm nhầm. Việc tiêm nhầm nước cất, tiêm nhầm thuốc, tiêm nhầm cho sản phụ là không thể chấp nhận được và chưa từng có trong lịch sử ngành Y tế Việt Nam. Chỉ một vài điểm tiêm nhầm là gây mất niềm tin trong nhân dân, phá tan các thành quả mà bao nhiêu thế hệ thầy thuốc gây dựng”.

Sự việc tiêm nhầm nước cất xảy ra tại điểm tiêm chủng của trường Mầm non Sao Mai, phường 3, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vào giữa tháng 10/2014 đã gây xôn xao dư luận. Vaccine được tiêm là dạng phối hợp sởi - rubella. Cán bộ tiêm chủng khi lấy vaccine chỉ thấy các ống dung dịch hồi chỉnh, không để ý các lọ vaccine nằm ở đáy phích nên lầm tưởng các ống này là loại vaccine mới. Vì thế, cán bộ đã tiêm nước hồi chỉnh mà không có vaccine. Khi cán bộ giám sát phát hiện thiếu sót thì 60 cháu đã được tiêm. Rất may đó là dung dịch hồi chỉnh nên không nguy hiểm đến tính mạng của 60 trẻ.

Qua sự cố trên, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, chỉ những người được tập huấn thuần thục mới được trực tiếp tiêm chủng. Cấp trạm trưởng, trạm phó chưa được tập huấn về tiêm chủng không được tham gia tiêm, chỉ tham gia công tác phong trào đi vận động tiêm chủng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các địa phương chấn chỉnh các điểm tiêm chủng dịch vụ. Theo Bộ trưởng, khu vực này ít ghi nhận các sự cố sau tiêm có thể do số lượng tiêm ít nhưng việc cung ứng vaccine ở khu vực này không ổn định khiến nhiều trẻ bị trì hoãn tiêm là nguyên nhân góp phần làm dịch bệnh bùng phát.

Trẻ mắc ho gà tăng cao

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, gần đây có tình trạng các trẻ bị mắc ho gà nhập viện chiếm tỷ lệ cao là do chưa tiêm hoặc trì hoãn tiêm phòng các bệnh trên. Trong đó, nhiều trường hợp cố chờ đợi tiêm vaccine dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Văn Cường - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, ho gà là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Tiêm phòng vaccine là cách phòng bệnh ho gà tốt nhất. Hiện vaccine ho gà đang sử dụng tiêm chủng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng là vaccine Quinvaxem (DPT-VGB-Hib) có thành phần ho gà toàn tế bào. Cần tiếp tục tiêm chủng đủ 3 mũi vaccine DPT-VGB-Hib cho trẻ lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi và tiêm nhắc vaccine DPT vào lúc 18 tháng tuổi để chủ động phòng bệnh cho trẻ.

Mặt khác, Ông Phu cho rằng, các địa phương cũng cần phải tích cực vận động mạnh hơn để đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, tránh nhiễm bệnh nguy hiểm, gây dịch. "Tất cả các vaccine tiêm chủng miễn phí đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thẩm định về an toàn và hiệu quả", ông Trần Đắc Phu khẳng định.

Trong năm 2014 ghi nhận có 81 trường hợp mắc phải bệnh ho gà. Riêng trong tháng 1/2015 đã có 18 ca rải rác tại 6 tỉnh, thành phố.
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn