Các chuyên gia cho biết số ca mắc COVID-19 bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu
Bộ Y tế đề nghị các địa phương “thần tốc” tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19
Tương lai sau đại dịch COVID-19: Nhu cầu nhân lực chăm sóc sức khỏe tăng cao
Không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá xét nghiệm COVID-19
Nghiên cứu mới: Protein trong sữa bò có thể ngăn ngừa COVID-19 hiệu quả
Trong tuần vừa qua (từ 7 - 13/3/2022), những vùng dịch COVID-19 “nóng nhất” vẫn là ở châu Âu và châu Mỹ khi dịch có xu hướng tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao tại nhiều quốc gia thuộc 2 châu lục này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Pháp
Trong tuần qua, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với ghi nhận hơn 164 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,7 triệu ca tử vong.
Trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp, Pháp đã lên kế hoạch tiêm mũi vaccine thứ 4. Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết từ ngày 14/3, nước này sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho người từ 80 tuổi trở lên, đã được tiêm mũi tăng cường. Theo ông Jean Castex, trong 4,1 triệu người trên 80 tuổi ở Pháp, có 3,1 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.
Chương trình tiêm chủng của Pháp cũng sẽ mở rộng triển khai đối với những người có hệ miễn dịch kém - nhóm đến nay vẫn chưa phải là đối tượng được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Pháp đang có xu hướng tăng trở lại. Theo đó, ngày 12/3 ghi nhận 72.443 ca mắc mới tại quốc gia này.
Từ ngày 14/3, Pháp sẽ bỏ quy định yêu cầu xuất trình thẻ thông hành vaccine trước khi vào các nơi công cộng, cũng như quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín. Dù các quy định phòng dịch đang được nới lỏng, Thủ tướng Castex cho biết, ông khuyến nghị những người có sức khỏe yếu hơn nên đeo khẩu trang trong không gian kín và ở nơi đông người.
Mỹ
Tại Mỹ, dù số ca nhiễm mới vẫn còn cao nhưng số ca nhập viện và tử vong đã giảm đáng kể. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), số trường hợp nhập viện vì COVID-19 ở nước này trong 6 tuần qua đã giảm tới 80% so với mức đỉnh vào giữa tháng 1 vừa qua.
Do đó, nhiều bang tại Mỹ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch như các quy định về khẩu trang, giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19 và các biện pháp hạn chế khác.
Hiện Hawaii là bang duy nhất ở Mỹ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, nhưng quy định này sẽ hết hiệu lực sau 2 tuần nữa.
Tiến sỹ Albert Ko, bác sỹ về bệnh truyền nhiễm và là nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng, thuộc Đại học Yale (Mỹ) cho biết tin vui là quốc gia này dường như đang ở giai đoạn cuối của đỉnh dịch. Tuy nhiên, ông vẫn cảnh báo không nên vội cho rằng đại dịch COVID-19 đã kết thúc, đặc biệt là khi nguy cơ bùng phát một biến thể mới vẫn còn hiện hữu.
Ấn Độ
Ngày 11/3 vừa qua, tạp chí khoa học về y tế Lancet đã đưa ra báo cáo, chỉ ra rằng số ca tử vong do COVID-19 thực tế ở Ấn Độ là cao nhất thế giới, tính trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 - ngày 31/12/2021.
Báo cáo này cho rằng, số người chết vì COVID-19 tại Ấn Độ cao hơn tới 4,1 triệu so với con số được công bố chính thức tính tới cuối năm 2021 (481.000 người). Điều này có nghĩa là số người tử vong vì COVID-19 tại Ấn Độ chiếm tới 22% tổng số người chết vì đại dịch trong giai đoạn này trên toàn thế giới.
Dù vậy, Ấn Độ đã nhiều lần bác bỏ các con số thực về tử vong do COVID-19 tại nước này. Một quan chức y tế cấp cao khẳng định Ấn Độ đã công bố các dữ liệu dịch tễ hàng ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu, bao gồm cả các số liệu cập nhật do báo cáo muộn từ địa phương.
Cũng theo ước đoán của tạp chí Lancet, số ca tử vong vì COVID-19 thực tế trên toàn cầu tới ngày 31/12/2021 có thể lên tới khoảng 18,2 triệu người. Con số này cao hơn 3 lần con số chính thức (khoảng 5,9 triệu ca). Điều này cho thấy hậu quả mà đại dịch COVID-19 gây ra với nhân loại lớn hơn rất nhiều so với dự đoán.
Hàn Quốc
Tính đến 9h ngày 13/3, số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Hàn Quốc vẫn ở mức trên 350.000 ca/ngày (trong 2 ngày liên tiếp). Đây là làn sóng lây nhiễm mạnh nhất ở Hàn Quốc kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Làn sóng lây nhiễm mạnh do biến thể Omicron đã khiến số ca mắc mới ở Hàn Quốc tăng vọt, vượt mốc 300.000 ca/ngày trong hơn một tuần qua. Cùng với đó, số bệnh nhân nặng và số ca tử vong cũng gia tăng. Theo dự báo của cơ quan y tế Hàn Quốc, làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron có khả năng đạt đỉnh trong những tuần tới, với số ca mắc trung bình ở mức 370.000 ca/ngày.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục điều chỉnh quy định về phòng chống dịch. Từ ngày 14/3, kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh do các cơ sở y tế thực hiện sẽ được chấp nhận để chính thức xác nhận trường hợp mắc COVID-19, không cần phải thực hiện xét nghiệm PCR. Từ ngày 21/3, người Hàn Quốc và du khách nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ được miễn tự cách ly 7 ngày, ngoại trừ những người đến từ các nước Pakistan, Uzbekistan, Ukraine và Myanmar.
Trung Quốc
Trung Quốc đại lục ngày 13/3 ghi nhận 1.807 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng - mức cao nhất trong 2 năm qua và gấp hơn 3 lần so với 476 ca ghi nhận ngày 12/3. Số ca mắc mới tăng mạnh trên toàn quốc buộc nhà chức trách Trung Quốc phải đóng cửa trường học ở Thượng Hải và áp lệnh phong tỏa ở một vài thành phố ở miền Đông Bắc, trong bối cảnh gần 19 tỉnh trên cả nước đang đối phó với các ổ dịch bùng phát do biến thể Omicron và Delta gây ra.
Thành phố Thượng Hải với 25 triệu dân đã tổ chức xét nghiệm đại trà ở nhiều khu vực, khuyến cáo người dân không ra khỏi địa bàn nếu không cần thiết. Thành phố Bắc Kinh khuyến cáo người dân vào thành phố nên xét nghiệm, hạn chế tụ tập trên 7 người.
Đặc biệt, chính quyền thành phố Thâm Quyến (miền Nam Trung Quốc) đã ban bố lệnh phong tỏa thành phố ngày 13/3 sau khi ghi nhận 66 ca mắc mới ở thành phố này. Trong những ngày gần đây, Thâm Quyến đã đóng cửa các địa điểm tổ chức sự kiện không thiết yếu và cấm các nhà hàng phục vụ khách ăn tại chỗ.
Ngày 11/3, các chuyên gia y tế cộng đồng thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.
WHO cho biết: "Ủy ban Khẩn cấp quy định y tế quốc tế về COVID-19 đang xem xét những tiêu chí cần thiết để tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng được quốc tế quan tâm".
Dù vậy, WHO thừa nhận rằng "ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa đạt đến mức đó". Theo cơ quan này, quyết định về việc tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu về COVID-19 sẽ do Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra, sau khi tham vấn kỹ lưỡng với các chuyên gia.
Bình luận của bạn