Tiếp tục “lá chắn” vaccine và thông điệp 5K

Những ngày cuối tuần, nắng ấm, như báo chí phản ánh, đường phố Thủ đô trở nên đông đúc hơn những ngày trước đó khi Hà Nội dẫn đầu cả nước về con số ca nhiễm. Công viên vườn thú Thủ Lệ trước cửa nhà tôi đã mở rộng cửa đón các cháu nhỏ tới vui chơi. Nhiều gia đình trẻ đưa con cái tới đây cho chúng chạy nhảy nô đùa, tôi để ý thấy không ai thiếu thứ đồ bảo hiểm - khẩu trang. Nhớ lại những ngày dài chịu đựng sự cách ly bức bối mới thấy hạnh phúc nhường nào những ngày con trẻ được tự do bay nhảy, dù những nụ cười hạnh phúc vẫn còn phải ẩn khuất sau chiếc khẩu trang cũng rất nhiều kiểu cách, màu sắc.

 

Dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; các địa phương đã triển khai có hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022, đến nay, tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên là 98,4%, mũi 3 là 37,4%; thực hiện tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi với tỷ lệ bao phủ mũi 2 đạt 93,5%; nhờ đó mặc dù gần đây số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh nhưng tỷ lệ chuyển bệnh nặng và tử vong giảm sâu (trích Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 2/2022).

Thủ tướng cũng đã có sự chỉ đạo: Rà soát, đánh giá lại các tiêu chí cấp độ dịch, các quy định về quản lý người nhiễm SARS-CoV-2, người tiếp xúc gần với người nhiễm để kịp thời điều chỉnh phù hợp, sát thực tế; đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, từ đó có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

 

Nhiều quốc gia trên thế giới đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19, trở lại hoạt động xã hội bình thường như nới lỏng quy định đeo khẩu trang, cách ly và mở cửa biên giới, đón khách du lịch... Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia ghi nhận con số kỷ lục về ca lây nhiễm. Các chuyên gia y tế cộng đồng thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khởi động thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra. "Ủy ban Khẩn cấp quy định y tế quốc tế về COVID-19 đang xem xét những tiêu chí cần thiết để tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng được quốc tế quan tâm", WHO cho biết. Quyết định về việc tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu về COVID-19 sẽ do Tổng Giám đốc WHO đưa ra, sau khi tham vấn kỹ lưỡng với các chuyên gia. Quyết định quan trọng này nếu được đưa ra không chỉ là một dấu mốc mang ý nghĩa lớn, mà chắc chắn sẽ tác động đến nhiều chính sách y tế cộng đồng.

Ngay cả với đề xuất của ngành chức năng về việc thông báo số ca nhiễm bệnh hành ngày như một liệu pháp tâm lý để giảm sự căng thẳng xã hội, cũng đã được chỉ đạo cụ thể trong Nghị quyết Chính phủ vừa đượcc ban hành: Trường hợp cần tiếp tục thực hiện thống kê ca nhiễm thì phải rà soát trình tự, thủ tục để bảo đảm đơn giản, dễ thực hiện, hạn chế tiếp xúc trực tiếp và tính chính xác của số liệu. Tiếp tục cập nhật, hoàn thiện hơn nữa quy trình chăm sóc F0 tại nhà. Trước thực tế là khi sự giao tiếp xã hội càng được mở ra thì con số ca nhiễm không tránh khỏi tăng cao, trong khi biến thể Omicron lây lan nhanh, Chính phủ xác định không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ, đầy đủ các quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch, tuân thủ nghiêm yêu cầu 5K đối với cá nhân, yêu cầu an toàn COVID-19 đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị và các biện pháp phòng ngừa khác.

z3258274341192_a7b11a6f87059af15f9375c5510c2cf5

Đối với “lá chắn” vaccine, Chính phủ chỉ đạo: Tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa Chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; rà soát, xử lý nguyên nhân đạt tỷ lệ tiêm thấp, nhất là đối với các địa phương chưa hoàn thành mục tiêu tiêm mũi 2; hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 3 năm 2022. Trách nhiệm cá nhân trong việc tổ chức thực hiện được xác định rõ là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Các Chủ tịch tỉnh còn phải chịu trách nhiệm trong việc không được để xảy ra quá tải hệ thống y tế, thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về điều trị, hạn chế tối đa số ca chuyển nặng, tử vong; chủ động bảo đảm tại chỗ đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và các điều kiện khác phục vụ công tác điều trị trên địa bàn tương ứng với các kịch bản dịch bệnh; kịp thời thông báo Bộ Y tế nhu cầu hỗ trợ về nhân lực, vật tư, thuốc khi cần thiết, nhất là đối với các địa bàn có số ca mắc tăng cao và nhiều đối tượng có nguy cơ cao. Việc mở cửa trường học đón học sinh trở lại học tập phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; kiểm soát và xử lý kịp thời các ca nhiễm, giữ mức độ an toàn cao nhất cho học sinh, giáo viên. Khẩn trương tiếp nhận vaccine và chỉ đạo thực hiện tiêm cho trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi.

 

Sau khi yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/2/2022 của Chính phủ về việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiếp nhận vaccine và chỉ đạo thực hiện tiêm cho trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi; tập trung nghiên cứu, tham mưu việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 4, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Chính phủ yêu cầu thúc đẩy việc cấp phép lưu hành, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm chủ động về thuốc điều trị; nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị COVID-19; kịp thời tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong quy định về thủ tục kê đơn, bán thuốc điều trị COVID-19 để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thuốc. Kiểm soát chặt chẽ giá xét nghiệm, giá kit xét nghiệm, giá các loại thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng tăng giá, đầu cơ, trục lợi, mất kiểm soát, tiêu cực; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc điều trị, kit xét nghiệm COVID-19 giả, thuốc nhập lậu, vi phạm về nguồn gốc xuất xứ.

z3258274341185_f54b956f2a5c61937cb73afe26ab80c7

Khẩn trương xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh; rà soát, kịp thời hỗ trợ, chi viện cho các địa phương có số ca nặng tăng nhanh; cập nhật, hoàn chỉnh các biện pháp về y tế đối với người bệnh sau điều trị COVID-19.

Hướng dẫn việc xét nghiệm, cách ly, theo dõi sức khoẻ trẻ em, học sinh (chú ý các em có bệnh nền, có vấn đề về sức khoẻ khi nhiễm bệnh); rà soát quy định về thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em, học sinh tiếp xúc gần với người nhiễm SARS-CoV-2, bảo đảm phù hợp, khoa học.

Khẩn trương tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, chế độ đặc thù, ưu đãi đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, nhân viên y tế; xử lý bất cập liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý giá về khám chữa bệnh, thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, tạo môi trường thuận lợi để khám và điều trị bệnh cho nhân dân.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 3.2022.

z3258274345802_0cdf536b9fa61cbc8e869aa68d4fa051

Ngày mai, ngày 15.3, Việt Nam chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Tin mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15.3 là tin vui nhất của toàn ngành du lịch trong 2 năm qua, một lãnh đạo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết. Chính phủ đã có chỉ đạo đối với các ngành chức năng sửa đổi ngay các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới.

Theo Tổng cục Du lịch, 2 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 17,6 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch cũng tăng trên 300% so với năm trước. "Để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch", Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định.

 

 

Để có được những ngày bình thường - những ngày vui bền vững thì bên cạnh việc các ngành chức năng thực hiện đúng những chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng thì bản thân mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta phải thực hiện nghiêm những hướng dẫn, quy định về phòng chống dịch, nhất là tuân thủ nghiêm Thông điệp 5K.

Mỗi người chúng ta bình an thì gia đình ta bình an, xã hội bình an, đất nước bình an! 

Diệu Vi - Ảnh: Lê Dương
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý