Tôi là một lãnh đạo khó tính

Doanh nhân Nguyễn Quang Thái: “Cộng đồng khỏe thì doanh nghiệp khỏe!”

Cựu TGĐ FPT: Thành doanh nhân, dễ "đo" bản thân

Doanh nhân Ninh Thị Ty: Sở trường, sở đoản đều thành công

Doanh nhân, Bác sỹ Nguyễn Vĩnh Tường: Đầu tư vào y tế không dễ

Doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn: Cố gắng làm việc tốt hơn mỗi ngày

Là một thành viên sáng lập FPT, ông Bùi Quang Ngọc là lãnh đạo đầu tiên của bộ phận Tin học ứng dụng của FPT, tiền thân của các công ty thành viên quan trọng như: FPT IS, FPT Software, FPT Telecom, FPT Trading. Ông được coi là một nhà quản trị xuất sắc của FPT, luôn tiên phong trong việc hiện đại hóa hệ thống quản trị của Tập đoàn Công nghệ thông tin hàng đầu này.

Thưa ông, đã hơn ba tháng ông làm Tổng giám đốc, “sức khỏe” của FPT hiện nay ra sao?

FPT vẫn đang hoạt động tốt với doanh thu quý III đạt 7.547 tỷ đồng, tăng 23% so với quý III/2012; lợi nhuận trước thuế quý III đạt 563 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.

Với kết quả này thì lũy kế 9 tháng, doanh thu toàn FPT đạt 20.030 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, vượt 11% so với kế hoạch lũy kế 9 tháng, tương đương 74% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.839 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ 2012, đạt 102% kế hoạch 9 tháng, tương đương 70% kế hoạch năm…

Khi ông bắt đầu nhậm chức Tổng giám đốc, không ít người băn khoăn rằng Bùi Quang Ngọc sẽ tiếp quản chiếc “ghế nóng” đó như thế nào, khi mà ở đó có quá nhiều áp lực?

 

 

Trong 25 năm qua, ông Ngọc đã từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong Tập đoàn như Phó Chủ tịch HĐQT (2002 – nay), Phó Tổng giám đốc FPT phụ trách khối CNTT và Giám đốc các mảng nghiệp vụ trọng yếu.

Ông Ngọc từng cùng học phổ thông chuyên toán với ông Trương Gia Bình, tốt nghiệp khoa Toán, Đại học Tổng hợp Kishinhov (Cộng hòa Moldova) năm 1979 và bảo vệ luận án tiến sỹ về Cơ sở dữ liệu tại Đại học Grenoble (Pháp) năm 1986.

Hiện ông Ngọc nắm gần 10,2 triệu cổ phiếu FPT, tương đương 3,7% số cổ phiếu FPT đang lưu hành.

Cá nhân tôi cũng cho rằng, Tổng giám đốc ở FPT là một chiếc “ghế nóng”. Tuy nhiên, từ trước đó, tôi cũng đã tham gia điều hành FPT. Cái khác chỉ là thời đó, tôi chưa “chính danh” còn bây giờ “chính danh” nên trách nhiệm nhiều hơn.

FPT là một tập đoàn lớn, nhiều tham vọng và giới đầu tư, xã hội cũng nhìn FPT bằng cái nhìn rất nghiêm khắc. Vì thế, với tôi, những khát vọng của FPT, sự kỳ vọng của giới đầu tư và xã hội khi nhìn vào FPT chính là áp lực.

Vậy còn tương lai, thưa ông? Trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập, Chủ tịch Trương Gia Bình đã nói rất nhiều tới bước ngoặt định mệnh, tới việc tranh đua với các tập đoàn danh tiếng thế giới…

Đó là những ước mơ của FPT. Để hiện thực hóa những ước mơ đó, chúng tôi có nhiều việc phải làm, phải xây dựng chiến lược và lập ra các kế hoạch cụ thể cho 2-3 năm tới.

Ở FPT, tháng 10, tháng 11 thường là “mùa” làm kế hoạch, chiến lược cho năm sau. Mục tiêu của chúng tôi là tới năm 2016 – 2017 sẽ đạt doanh thu 2 tỷ USD.

Còn về tương lai, như bạn đã biết, 25 năm qua, FPT có doanh thu tăng trung bình 53,23%/năm; lợi nhuận tăng trung bình 52,57%/năm; tổng nộp ngân sách nhà nước gần 23.562 tỷ đồng và tạo được 15.000 việc làm.

Chúng tôi mong muốn đạt được tốc độ tăng trưởng như đã từng có, muốn có chỗ đứng vững chắc hơn, có danh tiếng tốt hơn ở thị trường Việt Nam và tất nhiên, cao hơn, là hiện thực hóa kế hoạch toàn cầu hóa, với tỷ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn hơn…

Trở lại chuyện cũ, thưa ông, vì sao 25 năm trước, ông lại nghe ông Trương Gia Bình “rủ rê”, từ bỏ vị trí giảng viên đại học để đồng sáng lập FPT?

Thực ra, đều là số phận đưa đẩy cả. Vào thời điểm đó, kinh tế Việt Nam khó khăn lắm. Hoàn cảnh đất nước đã thúc đẩy chúng tôi phải làm gì đó cho cá nhân, cho gia đình và cho đất nước.

Đại hội Đảng VI đã mang luồng gió đổi mới đến và lúc ấy, rất nhiều công ty như FPT đã được thành lập. Tuy nhiên, trụ lại đến bây giờ thì không nhiều.

 


Nghĩa là ông đã có 25 năm gắn bó FPT với tư cách là nhà đồng sáng lập. Ông cũng đã trải qua rất nhiều vị trí quản lý, điều hành khác nhau ở FPT, và giờ là Tổng giám đốc. Nhưng lâu thì đôi khi cũng đồng nghĩa với cũ. Ông có sợ tư duy điều hành của mình cũng… cũ hay không?

Cũ hay mới là do mỗi người. Sức cạnh tranh của nền kinh tế, của ngành công nghệ thông tin – truyền thông khiến bạn không làm mới mình không được. Ngay như Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình, họ cũng tại vị lâu, nhưng đừng nói là họ cũ.

Ở FPT, tôi chính là người đã đề xuất với Chủ tịch Trương Gia Bình áp dụng phương pháp quản trị Thẻ điểm cân bằng (Balanced Score Card) ở FPT, bắt đầu từ năm ngoái. Đây là một phương pháp quản trị tiên tiến, chỉ mới xuất hiện trong vòng 20 năm nay và hầu hết các công ty lớn trên thế giới đều sử dụng.

Ở Việt Nam thậm chí rất ít doanh nghiệp biết đến phương pháp luận quản trị này. Nói một cách vắn tắt khi thực hiện Thẻ điểm cân bằng, tất cả các định hướng chiến lược của FPT phải được thể hiện trên một bản đồ, với các bộ chỉ số cụ thể rõ ràng, có thể đo đếm, giám sát việc thực thi chiến lược.

Hiện chúng tôi đang phải làm 7 bản đồ như vậy, cho Tập đoàn và cho 6 ngành hàng của FPT. Đây là việc rất khó, đòi hỏi sự nỗ lực, nghiêm khắc, bản lĩnh của mỗi thành viên FPT.

Xin hỏi ông một câu rất thẳng thắn nhé: suốt 1/4 thế kỷ đồng hành với người bạn của mình – Chủ tịch Trương Gia Bình, ông có bao giờ khó chịu vì hình như lúc nào cũng đứng ở phía sau?

(Cười) Tôi chẳng khó chịu gì cả. Vì thực ra, tuy làm “phó” cho ông Bình nhưng tôi cũng đảm nhận rất nhiều chức vụ và những việc ấy cũng đều có tên có tuổi, chứ không đến nỗi… tệ lắm. Thậm chí, tính ra, tôi là người có nhiều chức danh nhất ở FPT, phải đến gần 10 chức danh.

Hơn nữa, ông Bình thực sự là một cá nhân xuất sắc, một ngọn cờ của FPT. Là người sáng lập, là Chủ tịch, cho đến bây giờ, ông ấy vẫn làm việc hết mình từ sáng đến tối. Nếu có đứng sau một người như vậy thì tôi cũng rất vui vẻ. Thêm nữa, tôi cũng không có tính đố kỵ.

Vậy ông có thể nói thế nào về tình bạn giữa ông và ông Bình?

Tôi rất hiểu Chủ tịch Trương Gia Bình và chia sẻ nhiều ước mơ của ông ấy. Có thể nói, chúng tôi là một cặp bài trùng.

Hai ông là một cặp bài trùng, vậy tại sao phải tới tận bây giờ, ông mới chấp nhận ngồi vào ghế Tổng giám đốc của FPT?

Chúng tôi đã muốn chuyển giao công tác điều hành cho thế hệ trẻ, nhưng đến giờ này, thì nói thực là chưa thành công.

Nếu nói về mình, thì ông sẽ nói đâu là thế mạnh của Bùi Quang Ngọc?

Tôi là người kiên định trong việc điều hành, cái gì cũng phải làm đến đầu đến đũa, cẩn thận đến chân tơ kẽ tóc, chứ không chấp nhận chuyện làm việc nửa vời.

Tôi cũng là một nhà lãnh đạo khó tính, khắt khe với nhân viên, thích làm việc khó và cũng yêu cầu nhân viên làm nhiều việc khó.

Ông là một người vô cùng bận rộn, vậy làm sao có thể cân bằng công việc và cuộc sống?

Mỗi người có một cách để cân bằng cuộc sống của mình. Với tôi, gia đình chính là chỗ dựa tinh thần quan trọng.

Tôi luôn cố gắng dành thời gian để chăm sóc gia đình. Mỗi khi về nhà, thấy đứa cháu ngoại đòi bế, rồi vuốt má, sờ râu, tôi cảm thấy mọi mệt mỏi, phiền muộn biến đi hết. Đó là những giá trị mọi người nên hiểu và biết cách gìn giữ.

Một câu hỏi ngoài lề, thưa ông. Ở nhiều nơi, người ta kiêng con số 13, nhưng tôi lại thấy ở FPT, tất cả bộ sậu lãnh đạo đều ngồi ở tầng 13…

(Cười) Công ty chúng tôi thành lập ngày 13/9. Con số 13 có thể nói là do ông Bình khởi xướng, từ 13 sáng lập viên, rồi sau đó tất cả các đơn vị trong FPT đều lấy ngày 13 là ngày thành lập.

Nó là con số huyền thoại với chúng tôi, là tinh thần của FPT. Còn chuyện rủi ro, nếu chúng ta sẵn sàng đón nhận thì sẽ không quá khó để vượt qua.

Nghĩa là, không có gì là khó khăn với FPT?

Với tôi, FPT như là máu thịt, là gia đình, là mồ hôi nước mắt. Tình yêu của tôi đối với FPT là vô cùng mãnh liệt, da diết và thủy chung. Chẳng có lý gì để tôi không tin vào tương lai của FPT.

Xin cảm ơn ông.

vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện