Theo quảng cáo từ một số trang mạng, trà thủy sâm là dung dịch lên men bởi một loại nấm. Dung dịch này chứa nhiều dưỡng chất, cơ thể dễ hấp thụ.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm thấy trong thủy sâm có các vitamin C, vitamin nhóm B như B1, B2, B3, B6, B12… có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, chống lão hóa, xơ vữa động mạch, chống béo phì, tăng cường trí nhớ. Một số axit có trong trà thủy sâm: gluconic, glycuronic, lactic, caprilic, xitric, oxalic… có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, chống loãng xương, giải độc, ngăn ngừa bệnh đường tiêu hóa, ức chế vi-rút. Nhờ có các thành phần hóa học như vậy mà thủy sâm có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh như cao huyết áp, đau mỏi xương khớp, mất ngủ, các bệnh về tiêu hóa, chống lão hóa…
Tuy nhiên, theo DS Lê Kim Phụng - nguyên giảng viên Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM, uống trà thủy sâm thay nước hàng ngày là điều không nên, vì lượng axit axetic chứa trong trà thủy sâm khá cao (giống như giấm), có thể gây viêm loét dạ dày. Khi mới bắt đầu uống, chỉ nên uống một lượng nhỏ chừng 50-60ml lúc sáng sớm và uống nhiều nước trong ngày. Có thể tăng lên 1/2 lít hoặc một lít trong ngày nếu để điều trị bệnh, nhưng phải có sự theo dõi của bác sĩ. Vài người khi mới uống có cảm giác đầy hơi, nôn mửa, chóng mặt, nổi mẩn, tiêu chảy và nhức đầu, nhưng chỉ thoáng qua.
Do trà chứa quá nhiều axit lactic, nếu dùng trong một thời gian dài có thể dẫn đến đau khớp, chóng mặt và viêm xoang. Người bị tiểu đường, có bệnh lý về dạ dày không nên dùng trà thủy sâm. Nước thủy sâm chứa đến 1% cồn nên phụ nữ có thai và trong thời gian cho con bú không được uống vì có thể gây đau bụng cho trẻ sơ sinh. Trẻ em có thể dùng nhưng liều lượng thay đổi theo tuổi và cân nặng, quan trọng là cần pha loãng với nhiều nước và theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, trà thủy sâm gây loãng máu. Chú ý, ngưng dùng trà thủy sâm một tuần trước khi cần phẫu thuật. Phụ nữ bị rong kinh cần thận trọng và nên ngưng sử dụng trước kỳ kinh tối thiểu một tuần.
Bình luận của bạn