Trẻ bị thiếu vitamin B12 có nguy hiểm không?

Trẻ nhớ kém có thể là triệu chứng thiếu vitamin B12

Vai trò của vitamin B12

Vitamin B12 hay cobalamin, là một loại vitamin tan trong nước, chủ yếu có trong các sản phẩm từ động vật như thịt và sữa. Vai trò chính của vitamin B12 là duy trì chức năng thần kinh, giúp tạo ra các tế bào hồng cầu và DNA - vật liệu di truyền trong tất cả các tế bào. Vitamin B12 cũng giúp ngăn ngừa thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ (megaloblastic anaemia) - tình trạng giảm đáng kể số lượng tế bào hồng cầu.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (National Institutes of Health), lượng vitamin B12 cần thiết cho trẻ em tăng theo độ tuổi. Trẻ sơ sinh từ 7-12 tháng tuổi chỉ cần 0,5mcg mỗi ngày; Trẻ từ 9-13 tuổi cần 1,8mcg mỗi ngày; Thanh thiếu niên là 2,4mcg, tương đương với lượng khuyến nghị cho người lớn. Trẻ không nhận được đủ lượng vitamin thiết yếu này có thể dẫn đến nhiều vấn đề và biến chứng sức khỏe.

Thiếu vitamin B12 ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?

Bác sĩ Sumit Chakravarty, chuyên khoa nhi và sơ sinh, Bệnh viện Châu Á (Ấn Độ) cho biết, vì cơ thể không thể tự sản xuất vitamin B12 nên bạn cần bổ sung từ thực phẩm có nguồn gốc động vật hoặc chất bổ sung. Trẻ thiếu vitamin B12 có thể gây ra một loạt triệu chứng, trong đó có mệt mỏi và khó chịu.

Thiếu vitamin B12 có thể gây táo bón ở trẻ em

Thiếu vitamin B12 có thể gây táo bón ở trẻ em

Trẻ em cũng có thể gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như táo bón, nôn hoặc tiêu chảy, sụt cân và chậm đạt được các mốc phát triển như đi, nói, ngồi và bò.

Ở một số trẻ, lượng vitamin B12 thấp cũng có thể dẫn đến các vấn đề về thần kinh như trí nhớ kém, giảm cảm giác xúc giác, hoặc kích ứng ở tay và chân.

Ngoài ra, bác sĩ Chakravarty cho biết thêm, sưng hoặc viêm lưỡi cũng là một trong những triệu chứng của bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ ở trẻ em.

Nguyên nhân trẻ thiếu B12

Theo một nghiên cứu đăng tháng 6/2024 trên Tạp chí Sức khỏe, Dân số và Dinh dưỡng (Journal of Health, Population, and Nutrition), các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tình trạng thiếu vitamin B12 ở hơn 500 học sinh tiểu học và phát hiện ra rằng khoảng 34%, tức cứ 3 học sinh thì có 1 em bị thiếu vitamin B12. Nghiên cứu cũng cho thấy, những trẻ không ăn các sản phẩm động vật và có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp có nhiều khả năng bị thiếu vitamin B12.

Bác sĩ Chakravarty cũng liệt kê một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng thiếu vitamin B12 ở trẻ em, gồm: Chế độ dinh dưỡng không đủ vitamin B12, viêm niêm mạc dạ dày hoặc viêm dạ dày, trẻ bị thiếu máu ác tính (một rối loạn di truyền hiếm gặp), bệnh crohn, bệnh celiac, thiếu hụt transcobalamin II (yếu tố liên kết với vitamin B12).

Cách bổ sung vitamin B12 cho trẻ

Bác sĩ Chakravarty cho biết, ăn đủ thịt, thịt gia cầm, cá, các sản phẩm từ sữa và trứng giúp trẻ tránh bị thiếu vitamin B12. Những người ăn chay nên bổ sung thực phẩm tăng cường như ngũ cốc và sữa có nguồn gốc thực vật. Cân nhắc dùng chất bổ sung B12 hoặc thực phẩm được tăng cường vitamin B12 nếu con bạn không ăn các sản phẩm động vật hoặc mắc bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.

Cha mẹ cũng cần cho con khám sức khỏe định kỳ để theo dõi nồng độ vitamin B12. Phụ nữ đang cho con bú nên đảm bảo cung cấp đủ lượng vitamin B12 để hỗ trợ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.

 
Nguyễn Thanh (Theo Onlymyhealth)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ