Hình ảnh siêu bão YAGI di chuyển ở Biển Đông được cung cấp bởi Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA).
Điểm tới hạn về khí hậu của hành tinh
3 giải pháp công nghệ cho biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu gây ra nhiều cơn bão dữ dội đe dọa khu vực Đông Nam Á
Biến đổi khí hậu - “Tấn công” toàn diện sức khỏe con người
Miền Bắc đối mặt với cơn bão mạnh lịch sử
Cơn bão số 3 có thể là cơn bão mạnh nhất đổ bộ miền Bắc trong khoảng 10 năm qua, khi các cơ quan khí tượng trong nước và quốc tế đều nhận định bão có thể mạnh cấp 15 trở lên, một số đài khí tượng còn cho rằng, YAGI sẽ đạt mức siêu bão với mức tàn phá khủng khiếp.
Bão YAGI hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành bão đêm 1/9 và đi vào Biển Đông vào sáng 3/9. Trước khi vào Biển Đông, cơn bão này đã càn quét khu vực miền Bắc và miền Trung của Philippines với cường độ cấp 9, gây mưa lớn và gió giật mạnh, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, theo dự báo của các cơ quan khí tượng trong nước và quốc tế cũng như nhận định của các chuyên gia, những gì nguy hiểm nhất của bão YAGI còn ở phía trước.
Nhờ điều kiện vô cùng thuận lợi của Biển Đông với mặt biển ấm và đứt gió yếu, nguồn năng lượng dồi dào nên bão YAGI đã tăng cấp rất nhanh. Từ cường độ mạnh cấp 8 khi vào Biển Đông, chỉ sau hơn một ngày bão tăng 5 cấp với cường độ mạnh lên cấp 13, giật cấp 16 vào chiều qua (4/9).
Hầu hết các đài khí tượng lớn trên thế giới cũng nâng mức cảnh báo với bão YAGI. Mỹ cho rằng bão có sức mạnh CAT 4 (thang Saffir-Simpson) với mức độ tàn phá mang tính khốc liệt. Nhật Bản dự báo bão mạnh nhất cấp 15. Hồng Kông nhận định YAGI có thể đạt mức siêu bão cấp 16-17.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 3 sẽ đi qua khu vực giữa đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) rồi đi vào vịnh Bắc Bộ trong khoảng đêm 6 đến sáng 7/9.
Dự báo 7h sáng 6/9, khi bão số 3 ở trên khu vực bắc vịnh Bắc Bộ (cách Quảng Ninh khoảng 190km về phía đông đông nam) cường độ bão mạnh cấp 13-14, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão vẫn duy trì cường độ cấp 16, giật cấp 17.
Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đang xem xét nâng cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 5 (mức thảm họa).
Biến đổi khí hậu và những cơn bão
Sự xuất hiện và hình thành của cơn bão YAGI chỉ trong chưa đầy 4 ngày đã tăng cấp liên tục từ khi vào Biển Đông, dự báo có thể trở thành siêu bão mạnh nhất năm, đang khẳng định một thực tế đáng lo ngại, đó là mối liên quan giữa sự gia tăng của các cơn bão có cường độ ngày càng lớn, xuất hiện ngày càng thường xuyên, với tình trạng biến đổi khí hậu và trái đất nóng lên.
Trong những năm gần đây, cụm từ biến đổi khí hậu đã không còn xa lạ với nhiều người mà nó đã trở nên hiện hữu, với hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng nghiêm trọng, sóng nhiệt và bão lũ tại nhiều nước và khu vực trên thế giới.
Một báo cáo mới đây công bố ngày 1/7, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu không chỉ liên quan đến khả năng xuất hiện các cơn bão lớn ngày càng tăng, mà còn liên quan đến sự gia tăng trực tiếp sức mạnh hủy diệt của chúng.
Theo Sciencedaily, nghiên cứu trước đó của các nhà khoa học thuộc Đại học Nagoya (Nhật Bản) được công bố trên Tạp chí Geophysical Research Letters cũng cho thấy, sự nóng lên toàn cầu đang khiến những cơn bão ngày càng dữ dội hơn, di chuyển với tốc độ chậm lại, cho phép chúng hoạt động lâu hơn ở các khu vực ven biển và có thể gây nhiều thiệt hại hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, bão nhiệt đới nằm trong số các hệ thống thời tiết nguy hiểm nhất trên thế giới, gây ra sự gián đoạn, thiệt hại và tử vong ở Đông Á. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, mối đe dọa của bão cũng tăng theo. Và việc dự đoán sức mạnh và cấu trúc của những cơn bão như vậy cũng trở nên khó khăn hơn.
Các nhà khoa học cho rằng, một cách để hiểu về bão nhiệt đới là xem xét mối quan hệ giữa khí quyển và đại dương. Mối quan hệ kết hợp đại dương-khí quyển ảnh hưởng đến các kiểu thời tiết, lưu thông đại dương và biến đổi khí hậu.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với bão vì cường độ của bão nhiệt đới có liên quan đến sự gia tăng nhiệt độ bề mặt nước biển (SST). Khi kích thước của bão tăng lên, SST giảm xuống, hạn chế cường độ của nó. Tuy nhiên, trong điều kiện nóng lên toàn cầu, SST cao hơn. Do đó, điều này có thể khiến bão kéo dài hơn.
Mặc dù khó có thể quy các sự kiện thời tiết riêng lẻ cho biến đổi khí hậu nhưng những mô hình dự đoán rằng tình trạng nóng lên toàn cầu khiến bão mạnh hơn - Sachie Kanada, một nhà nghiên cứu tại Đại học Nagoya cho biết: "Nhìn chung, nhiệt độ bề mặt nước biển ấm hơn là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của xoáy thuận nhiệt đới".
Theo các nhà khoa học, chính biến đổi khí hậu kết hợp với mực nước biển dâng cao đã trở thành một "công thức" bão gây thiệt hại đáng kể cho cộng đồng sinh sống dọc bờ biển. Bên cạnh đó, nhiệt độ đại dương tăng lên do sự nóng lên toàn cầu khiến việc hình thành các cơn bão nhiệt đới trở nên dễ dàng hơn.
Dù nguyên nhân là gì, rõ ràng rằng các cơn bão đang ngày càng mạnh hơn qua nhiều thập kỷ và chúng ta đã làm rất ít để giảm thiểu thiệt hại do chúng gây ra, các nhà khoa học cảnh báo.
Cập nhật: Trưa nay (5/9), Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, gió bão YAGI mạnh nhất lên 201 km/h, cấp 16 siêu bão, khu vực đổ bộ dự báo từ Quảng Ninh đến Ninh Bình vào chiều 7/9. Đây là cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2024, tính đến thời điểm này đồng thời cũng là cơn bão có thời gian tăng cấp nhanh nhất từng ghi nhận tại Biển Đông.
Bình luận của bạn