90% ca ung thư thanh quản là nam giới
Dấu hiệu thường gặp của ung thư thanh quản
Những bài thuốc nam trị viêm thanh quản
Khản tiếng, mất tiếng do phù nề thanh quản
Nhận biết ung thư thanh quản
Thanh quản là cơ quan phát âm, có vai trò quan trọng trong hô hấp và hoạt động nuốt. Theo các chuyên gia y tế, ung thư thanh quản chiếm 25% các ung thư tai mũi họng. Bệnh có liên quan với hút thuốc lá. Điều trị phòng ngừa dựa trên sự ngưng hút thuốc.
Thế nào là ung thư thanh quản?
Căn cứ thống kê của nhiều nước trên thế giới thì ung thư thanh quản chiếm khoảng 2% tổng số các loại ung thư thường gặp. Tuyệt đại đa số ung thư thanh quản là ung thư biểu mô.
Nói đến ung thư thanh quản là chỉ khối u nằm trong lòng thanh quản bao gồm mặt dưới thanh nhiệt, băng thanh thất, thanh thất Morgagni, dây thanh và hạ thanh môn... Ung thư thanh quản có thể kết hợp với di căn hạch cổ.
Cho đến nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính gây bệnh, nhưng người ta đề cập tới các yếu tố có liên quan tới bệnh sinh. Trong đó, thuốc lá được cho đó là yếu tố quan trọng góp phần phát sinh ung thư thanh quản cũng như ung thư phổi. Theo thống kê của Hội ung thư Việt Nam, 98% trường hợp ung thư thanh quản hút thuốc lá. Con số này cũng là con số thống kê của thế giới về tình hình ung thư thanh quản. Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng chỉ ra những yếu tố kích thích khác. Đó là yếu tố kích thích của vi khí hậu, ảnh hưởng của nghề nghiệp (phải tiếp xúc với các chất khí, bụi bẩn, hoá chất...) hoặc viêm thanh quản mạn tính (tiền đề của một ung thư hoá).
Ước tính, 90% ca ung thư thanh quản trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là nam giới. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, phụ nữ ít bị bệnh này là do ít tiếp xúc với các yếu tố liên quan gây bệnh hơn so với nam giới. Tuy nhiên, nếu đã mắc, độ tuổi mắc ung thư thanh quản ở nữ giới thường sớm hơn, dưới 40 tuổi. Trong khi độ tuổi phát bệnh ở nam giới là từ 50 - 70 tuổi (chiếm 72%) và 12% phát bệnh ở độ tuổi từ 40 - 50.
Với các thể viêm thanh quản mạn tính như tăng sản, bạch sản là thể dễ bị ung thư hoá, vì vậy các thể này còn được gọi là trạng thái tiền ung thư. Các u lành tính của thanh quản cũng dễ bị ung thư hoá, nhất là loại u nhú thanh quản ở người lớn chiếm một tỷ lệ khá cao.
Phát hiện sớm nhờ triệu chứng
Tùy theo vị trí của khối u mà người bệnh có những triệu chứng lâm sàng khác nhau, kể cả thời gian xuất hiện của bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, có một nhóm triệu chứng chung nhất với ung thư thanh quản. Đó là: Rối loạn phát âm (Khàn tiếng là triệu chứng chủ yếu của nhiều trường hợp K thanh quản. Tất cả các trường hợp khàn tiếng của người hút thuốc lá phải khám kỹ thanh quản. Điều này thực tế cần thiết hơn là chỉ đánh giá viêm thanh quản mãn tính do hút thuốc lá đơn thuần mà không xem kỹ dây thanh), rối loạn hô hấp (Khó thở khi hít vào phải nghĩ đến nghẹt hô hấp cao. Nếu người bệnh hút thuốc lá, khi khó thở, chuẩn đoán đầu tiên phải loại trừ là khối u ở thanh quản), nổi hạch ở cổ (Một hoặc nhiều hạch cổ sờ thấy được) và ít gặp hơn là khó nuốt hay đau lan lên tai.
Cũng theo các chuyên gia y tế, nếu có một trong các triệu chứng trên kéo dài quá 15 ngày ở người trên 40 tuổi, hút thuốc lá phải khám tai mũi họng kỹ để phát hiện sớm ung thư thanh quản. Tiên lượng trong điều trị ung thư thanh quản tùy thuộc vào sự phát hiện sớm hay muộn. Phát hiện bệnh càng trễ, dự hậu càng xấu. Dự hậu trung bình là 55% sống quá 5 năm.
Phương pháp điều trị có hiệu quả nhất là phối hợp phẫu thuật với tia xạ sau mổ. Từ trước đến nay, có 3 phương pháp chủ yếu: Tia xạ đơn thuần, phẫu thuật đơn thuần và phối hợp phẫu thuật với tia xạ. Những trường hợp đến ở giai đoạn sớm, còn khu trú, chưa có hạch cổ di căn thì có thể phẫu thuật hoặc tia xạ đơn thuần. Tuỳ theo vị trí, độ lan rộng của u cũng như tình trạng hạch cổ di căn mà chọn lựa phương pháp điều trị.
Ngoài hai phương pháp cơ bản và hiệu quả nhất trong điều trị ung thư thanh quản đã nêu ở trên thì gần 10 năm lại đây, một số tác giả, chủ yếu là các nước Tây Âu, Hoa Kỳ đã phối hợp điều trị hoá chất nhưng kết quả còn đang bàn cãi.
Theo các chuyên gia ung bướu, ung thư dây thanh, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể chữa khỏi hoàn toàn, đạt tỷ lệ 80%. Đối với các thể ung thư thanh quản khác còn khu trú trong lòng thanh quản chưa lan ra vùng hạ họng thì kết quả điều trị ngày càng đạt tỷ lệ cao (kéo dài tuổi thọ quá 5 năm đạt trên 45%).
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia ung bướu, phòng ngừa ung thư thanh quản từ sớm không phải là không thể. Nhiều báo cáo ở các hội nghị quốc tế đều cho rằng hút thuốc lá là một trong các yếu tố có liên quan đến ung thư phổi cũng như ung thư thanh quản. Vì vậy cần phải tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và thông qua các biện pháp của nhà nước để ngăn cấm tình trạng hút, nghiện thuốc lá. Mặt khác, cần thông qua các cơ quan thông tin đại chúng để phổ biến các kiến thức cơ bản về loại ung thư này để người bệnh đến khám được càng sớm thì hiệu quả càng cao. Đối với người thầy thuốc chuyên khoa, phải tránh chẩn đoán nhầm trong ung thư thanh quản.
Bình luận của bạn