Chung tay vì một hành tinh đáng sống cho mọi trẻ em

Biến đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống của trẻ em và tương lai của hành tinh

Chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu, bụi mịn vượt khuyến cáo nhiều lần

Biến đổi khí hậu làm tăng giá dầu olive

Sông Amazon đang cạn & tác hại từ biến đổi khí hậu

Bão YAGI và bài học về biến đổi khí hậu

Thế giới thay đổi và tương lai của trẻ em

Theo Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới 2024 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), dự báo ba xu hướng lớn - khủng hoảng khí hậu và môi trường, thay đổi nhân khẩu học và công nghệ đột phá - sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em vào năm 2050 và xa hơn thế. 

Trước hết, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu quy mô chưa từng có. Gần một nửa số trẻ em trên thế giới (khoảng 1 tỷ người) sống ở các quốc gia có nguy cơ cao về khí hậu và các mối nguy hiểm môi trường. Trong bối cảnh bất ổn khí hậu, sụp đổ đa dạng sinh học và ô nhiễm lan rộng, trẻ em đang phải đối mặt với một môi trường nguy hiểm, khó lường hơn bất kỳ thế hệ nào trước đó.

Bên cạnh đó, sự phát triển thần tốc của công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cải thiện đáng kể cuộc sống của trẻ em trong tương lai. Công nghệ số cho phép các em sáng tạo, học hỏi và kết nối với bạn bè, tuy nhiên cũng có thể tạo ra những rủi ro trực tuyến, dẫn tới nguy cơ bị bóc lột và xâm hại.

Triễn lãm các bức tranh đoạt giải từ Cuộc thi Vẽ tranh thiếu nhi về phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu - Ảnh: UNICEF

Triễn lãm các bức tranh đoạt giải từ Cuộc thi Vẽ tranh thiếu nhi về phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu - Ảnh: UNICEF

Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa về khí hậu và môi trường. Nếu các vấn đề về khí hậu không được giải quyết và cải thiện, so với trẻ em của năm 2000, dự đoán trẻ em năm 2050 sẽ phải đối mặt với các mối nguy hiểm cực đoan như sóng nhiệt cao gấp 8 lần; lũ lụt nhiều hơn 3,1 lần; hạn hán nhiều hơn 1,3 lần.  

Bảo vệ quyền trẻ em trong các cuộc khủng hoảng này đòi hỏi phải hành động ngay lập tức để giảm lượng khí thải, chuyển đổi sang năng lượng sạch và thực hiện thích ứng với khí hậu. Các chính phủ và cộng đồng toàn cầu phải ưu tiên sức khỏe của trẻ em trong việc xây dựng các chính sách về khí hậu và hành động để bảo vệ tương lai của trẻ em.

Kêu gọi hành động vì một hành tinh đáng sống

Ngày càng có nhiều trẻ em Việt Nam trở thành những đại sứ, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu - Ảnh: UNICEF

Ngày càng có nhiều trẻ em Việt Nam trở thành những đại sứ, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu - Ảnh: UNICEF

Với chủ đề "Tiếng nói của trẻ em về hành động vì khí hậu", Ngày Trẻ em Thế giới (20/11) năm nay được tổ chức tại Hà Nội nhằm thúc đẩy hành động chung vì khí hậu và trao quyền cho trẻ em trở thành trung tâm của các hoạt động ứng phó với khí hậu của Việt Nam. UNICEF và các đối tác thực hiện đã đưa ra lời kêu gọi hành động vì khí hậu, để mọi trẻ em có thể được lớn lên khỏe mạnh và an toàn.

Những cú sốc nghiêm trọng do khí hậu gây ra - như hạn hán, bão, lở đất và lũ lụt - đã có tác động mạnh đến cuộc sống của hàng triệu trẻ em và gia đình. Minh chứng rõ ràng nhất là thiệt hại nặng nề khi cơn bão YAGI đổ bộ vào miền Bắc cách đây hai tháng. Mưa bão, sạt lở đất và lũ quét đã khiến hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa và nơi ở. Hơn 318 người thiệt mạng và gần 2.000 người bị thương, trường học, cơ sở y tế và cơ sở hạ tầng quan trọng bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng.  

"Bão YAGI đã cho thấy một sự thật rằng biến đổi khí hậu đang tàn phá các cộng đồng. Đây không phải là vấn đề của thế hệ sau, mà đã là vấn đề của chính chúng ta. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ trẻ em và các gia đình khỏi tác động và sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Mọi trẻ em đều có quyền có một tương lai an toàn và tươi sáng", bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho hay.

Ngài Ito Naoki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh nỗ lực hợp tác giữa Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam trong nhiều sáng kiến quản lý thiên tai. Được biết, Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều chương trình hỗ trợ khắc phục hậu quả, tái thiết các trường tiểu học và trung tâm sơ tán bị hư hại do cơn bão YAGI.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng trong việc đối phó với những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu đối với trẻ em. “Chính phủ vẫn kiên định cam kết thúc đẩy các chính sách và quan hệ đối tác nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro liên quan đến khí hậu, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững. Thông qua những nỗ lực chung, không mệt mỏi, chúng ta có khả năng biến những khó khăn như bão YAGI thành động lực để thúc đẩy phát triển. Cách tiếp cận này đảm bảo rằng mỗi trẻ em đều có thể hy vọng vào một tương lai không chỉ an toàn và khỏe mạnh, mà còn có thể phát triển hết tiềm năng của mình”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.

Ngày Trẻ em Thế giới đánh dấu việc thông qua Công ước về Quyền Trẻ em (CRC) vào ngày 20 tháng 11 hàng năm. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn CRC vào năm 1990.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội