Chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu, bụi mịn vượt khuyến cáo nhiều lần

Bụi mịn PM2.5 nồng độ cao khiến không khí trông giống như sương mù

Tiếng ồn quá mức có khiến bạn căng thẳng và lo lắng?

Tiêu chí chọn mỹ phẩm giúp bảo vệ da khỏi ô nhiễm môi trường

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thuỷ ngân khi ăn cá ngừ

"Báo động đỏ" ô nhiễm không khí ở Hà Nội, người dân cần lưu ý gì?

Từ đầu tuần đến nay, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí IQAir ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội luôn ở mức cảnh báo đỏ. Đây là ngưỡng cho thấy chất lượng không khí bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe của những người bình thường, riêng nhóm người nhạy cảm (có bệnh về phổi hoặc tim) có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn. 

Dự báo chất lượng không khí Hà Nội trên nền tảng IQAir sáng 14/11

Dự báo chất lượng không khí Hà Nội trên nền tảng IQAir sáng 14/11

Cập nhật lúc 9h sáng 14/11, Hà Nội đứng thứ 3 trong xếp hạng các thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới. Còn theo Cổng thông tin quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm ở Thủ đô chủ yếu do bụi mịn PM2.5 và PM10. Đây là những hạt bụi có kích thước rất nhỏ, dễ dàng xâm nhập vào đường thở, đi sâu vào các phế nang, gây ra viêm, xơ hóa và nhiều bệnh lý về hô hấp

Điểm quan trắc tại đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) có chất lượng không khí ở mức cảnh báo đỏ

Điểm quan trắc tại đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) có chất lượng không khí ở mức cảnh báo đỏ

Khi nồng độ bụi mịn tăng lên, tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù, cản trở các phương tiện di chuyển vào buổi sáng. Tiếp xúc với không khí ô nhiễm bụi mịn vài giờ cũng có thể khiến da ngứa ngáy, viêm mũi, đau mắt. Người tiếp xúc lâu dài với bụi mịn có nguy cơ mắc bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch và đột quỵ não. 

Theo các chuyên gia, thời tiết Hà Nội hiện đang trong giai đoạn giao mùa với nhiều yếu tố thời tiết bất lợi khiến ô nhiễm không khí trầm trọng hơn. Tiến sĩ Trương Bá Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Khí hậu cho hay, gió Đông Bắc vào thời điểm chớm đông có thể mang bụi bẩn từ nơi khác đến. Đồng thời, hiện tượng nghịch nhiệt – khi lớp không khí ấm nằm trên lớp không khí lạnh gần mặt đất – tạo nên lớp mù, khiến bụi mịn không thể khuếch tán lên cao mà lơ lửng ở tầng thấp. 

Các kết quả nghiên cứu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, giao thông - vận tải đang là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5 lớn nhất (chiếm 50-70%), tiếp đến từ nguồn sản xuất công nghiệp (14-23%), còn lại là từ các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh. 

Với dân số gần 9 triệu, Hà Nội có gần 7 triệu xe gắn máy và hơn 1 triệu ô tô (chưa kể tới xe ngoại tỉnh vào Hà Nội). Trong đó có nhiều xe cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải để lưu thông trong thành phố. Để giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng và kiểm soát ô nhiễm không khí từ lượng phương tiện cá nhân, UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết “Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt; Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.

Hà Nội phát triển hệ thống giao thông xanh và đường sắt đô thị nhằm hạn chế ô nhiễm từ phương tiện cá nhân - Ảnh: Hanoimetro

Hà Nội phát triển hệ thống giao thông xanh và đường sắt đô thị nhằm hạn chế ô nhiễm từ phương tiện cá nhân - Ảnh: Hanoimetro

Để tiến tới hạn chế xe cơ giới cá nhân, cũng cần ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông công cộng tiện lợi, phủ rộng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh nỗ lực “xanh hóa” phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe bus, Thủ đô cũng có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ 14 tuyến đường sắt đô thị. 

Hiện tại, để bảo vệ sức khỏe trong điều kiện không khí này, Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội khuyến cáo những người thấy có triệu chứng đau mắt, ho hoặc đau họng… nên cân nhắc giảm các hoạt động ngoài trời. Đối với học sinh, có thể hoạt động bên ngoài, nhưng nên giảm bớt việc tập thể dục kéo dài.

Nhóm người nhạy cảm như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tim mạch và phổi nên giảm các hoạt động mạnh và giảm thời gian hoạt động ngoài trời. Những người mắc bệnh hen phế quản có thể cần sử dụng thuốc thường xuyên hơn. Ngoài ra, các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội