Biến đổi khí hậu làm tăng giá dầu olive

Giá dầu olive tăng cao do tác động của biến đổi khí hậu tới sản lượng olive

Bão YAGI và bài học về biến đổi khí hậu

"Siêu bão thế kỷ" Milton: Thực tế đáng sợ từ biến đổi khí hậu

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới não bộ

Ứng phó biến đổi khí hậu: Cần hành động nhanh và quyết liệt hơn

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới quá trình sản xuất dầu olive

Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, kể từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu olive toàn thế giới tăng gần gấp 3 lần. Tuy nhiên, sản lượng dầu olive lại có xu hướng giảm qua từng năm. Hội đồng Olive Quốc tế ước tính sản lượng năm 2024 chưa tới 2,3 triệu tấn, so với 2,5 triệu tấn vào năm 2023 và 3,4 triệu tấn vào năm 2022.

Theo các chuyên gia, lạm phát không phải là nguyên nhân duy nhất đằng sau hiện tượng giá dầu olive tăng cao. Các nước sản xuất dầu olive tập trung ở châu Âu, khu vực liên tục hứng chịu mùa Hè nắng nóng kỷ lục trong vài năm gần đây. Tây Ban Nha, quốc gia sản xuất 40% sản lượng olive toàn cầu, hiện đang đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài. Thời tiết mùa Đông ấm áp kéo dài khiến cây olive ra hoa sớm, nhưng lại nhanh tàn nếu nhiệt độ giảm đột ngột. Hiện tượng sóng nhiệt (heatwave hay các đợt nắng nóng bất thường) vào mùa Xuân, như tại Tây Ban Nha vào tháng 5/2024, cũng có hại cho cây olive.

Một người nông dân so sánh quả olive thu hoạch trong điều kiện hạn hán (phía bên phải) ở Jaen, Tây Ban Nha - Ảnh: AFP

Một người nông dân so sánh quả olive thu hoạch trong điều kiện hạn hán (phía bên phải) ở Jaen, Tây Ban Nha - Ảnh: AFP

Olive vốn được coi là loài cây có khả năng chống chịu đáng kinh ngạc với các biến động từ môi trường như lũ lụt, cháy rừng. Một gốc olive cổ thụ ở đảo Crete, Hy Lạp ước tính 4000 năm tuổi vẫn tiếp tục cho ra trái. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu gây ra ngày càng nhiều yếu tố bất lợi cho hàng triệu hecta cây olive khắp vùng Địa Trung Hải.

Theo GS. Jessica Fanzo – chuyên gia về khí hậu và thực phẩm, Đại học Columbia (Mỹ), hạn hán kéo dài, sóng nhiệt và cháy rừng là những hiện tượng liên quan đến khí hậu có tác động nghiêm trọng nhất đến nông nghiệp vùng Địa Trung Hải. “Đa số cây olive phụ thuộc vào nguồn nước mưa, do đó, hạn hán kéo dài làm đất mất khả năng giữ nước, gây ra áp lực cho cây”, GS Fanzo cho hay.

Ông Cliff Little – Chủ tịch Công ty Dầu olive Corto (Mỹ) thông tin, trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, cây olive sẽ ngừng ra trái để bảo tồn độ ẩm cũng như đảm bảo sức khỏe của cây. Quả olive rụng sớm thường cứng và nhỏ, chiết xuất ra ít dầu hơn và chất lượng dầu cũng kém.

Khí hậu ấm dần lên còn kéo theo nhiều mầm bệnh cho cây olive. Một thập kỷ qua, các vườn cây olive ở Puglia, thủ phủ dầu olive của Italy, đã bị tàn phá bởi vi khuẩn Xylella fastidiosa. Vi khuẩn lây truyền qua các loài côn trùng hút nhựa cây, xâm nhập vào những mạch vận chuyển nước của cây, khiến cây thiếu dưỡng chất và chết dần. Trong khi trước đây, thời tiết lạnh thường giúp kiềm chế sự lây lan của côn trùng gây bệnh.

Ngành công nghiệp dầu olive chống chọi với biến đổi khí hậu

Hạn hán kéo dài gây ra thách thức cho các vườn cây olive ở Italy và Tây Ban Nha - Ảnh: Andrea Zanon

Hạn hán kéo dài gây ra thách thức cho các vườn cây olive ở Italy và Tây Ban Nha - Ảnh: Andrea Zanon

GS. Fanzo tin rằng, người trồng olive đang và sẽ tìm ra biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu. Trong đó, giải pháp then chốt là cần thiết lập hệ thống quản lý nước hiệu quả (dự trữ và theo dõi độ ẩm đất), cân nhắc các giống cây trồng mới chịu hạn tốt hơn, thực hiện các biện pháp canh tác bảo tồn và luân canh…

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhiệt độ tăng kèm theo hạn hán 5 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cây olive. Ông Berk Bahceci – nhà sáng lập và giám đốc điều hành Công ty Thực phẩm Heraclea cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu, vườn cây của ông sử dụng đất cao lanh nhằm giảm hiện tượng mất nước, đồng thời dự trữ nước mưa để hỗ trợ hệ sinh thái. Vùng trồng olive cũng là nơi chăn thả gia súc, hỗ trợ kiểm soát cỏ dại tự nhiên, đồng thời làm giàu cho đất, đảm bảo vườn cây olive phát triển không cần hóa chất hoặc hệ thống tưới tiêu nhân tạo.

Những vườn trồng olive ở San Joaquin, California (Mỹ), nơi có khí hậu gần giống khu vực Địa Trung Hải, cũng đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu. Một trong số đó là nguồn tài nguyên nước quý giá ở nơi đây đang bị đe dọa nghiêm trọng. Công ty Dầu olive Corto sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và các cảm biến đầu dò để theo dõi độ ẩm trong đất. Họ cũng kết hợp các phương pháp trồng cây năng suất cao và tận dụng năng lượng mặt trời. Ông Little nhận định, điểm sáng với ngành là cây olive lưu trữ nhiều CO2 hơn lượng khí thải của quá trình sản xuất dầu olive.

Những loại dầu thực vật tốt cho sức khỏe 

Ngoài dầu olive còn có nhiều loại dầu thực vật chứa các chất béo tốt cho sức khỏe

Ngoài dầu olive còn có nhiều loại dầu thực vật chứa các chất béo tốt cho sức khỏe

Dầu olive là đặc trưng của ẩm thực Địa Trung Hải, cũng là chế độ ăn được coi là lành mạnh nhất. Dầu olive cung cấp nhiều chất béo không bão hòa và chất chống oxy hóa, hỗ trợ cải thiện cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Trong điều kiện giá dầu olive đắt đỏ và chưa thể hạ nhiệt, người nội trợ có thể cân nhắc sử dụng các loại dầu thực vật sau:

Dầu hạt cải

Dầu hạt cải có điểm bốc khói cao, nên dùng khi chế biến các món chiên nướng ở nhiệt độ cao. Không chỉ giàu vitamin E, dầu hạt cải còn chứa nhiều acid béo không bão hòa.

Dầu hướng dương

Hạt hướng dương có thể dùng để sản xuất ra loại dầu có mùi vị nhẹ, giàu acid linoleic, còn gọi là acid béo không bão hòa đa omega-6. Bạn có thể dùng dầu hướng dương cho các món bánh ngọt hoặc chiên rán.

Dầu mè (vừng)

Dầu mè ép lạnh có điểm bốc khói cao hơn, trong khi dầu mè rang nên dùng làm dầu trộn salad. Dầu mè có vị thơm ngon đặc trưng, giàu chất chống oxy hóa và chống viêm.

 
Quỳnh Trang (Theo Eatingwell/The Independent)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng