Vaccine HPV giúp giảm 56% nguy cơ mắc ung thư ở nam giới

Vaccine HPV có thể giúp bảo vệ chống lại nhiều bệnh ung thư khác ở nam giới liên quan đến HPV chứ không chỉ ung thư cổ tử cung - Ảnh: Bloomberg/Getty Images.

Tiêm vaccine HPV khi nào là quá muộn?

Vaccine HPV giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung tái phát sau phẫu thuật

Bạn biết gì về virus HPV?

Con trai cũng nên tiêm vaccine HPV nhé!

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), HPV là một bệnh truyền nhiễm virus phổ biến gây ra khoảng 690.000 trường hợp ung thư mỗi năm trên toàn cầu. Virus HPV lây truyền qua đường tình dục, gây ung thư tại cổ tử cung, hậu môn, đầu và cổ.

Được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2006, vaccine HPV ban đầu được chỉ định cho nữ giới vị thành niên, giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung. Kể từ đó, vaccine này đã được cập nhật để bảo vệ chống lại các chủng HPV bổ sung và hiện cũng được khuyên dùng cho nam giới để giảm nguy cơ ung thư hậu môn, đầu và cổ.

Vaccine HPV hiện được khuyến nghị cho trẻ em từ 11 hoặc 12 tuổi, người lớn chưa được tiêm chủng cho đến 26 tuổi và có thể được các bác sĩ lâm sàng khuyên dùng cho đến 45 tuổi.

Hiện nay, các nhà khoa học đang nhìn thấy những dấu hiệu ban đầu về lợi ích của việc tiêm vaccine HPV giúp ngăn ngừa ung thư.

Vào đầu năm 2024, khảo sát ở Scotland cho thấy, không phát hiện trường hợp nào mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở những nữ giới được tiêm chủng ở độ tuổi 12 hoặc 13. Báo cáo này là một trong những nghiên cứu ở cấp độ dân số đầu tiên xem xét hàng trăm nghìn người được tiêm phòng vaccine HPV thông qua chương trình tiêm chủng định kỳ cho trẻ em, với tỷ lệ bao phủ vaccine đạt 80%.

Mới đây, tại Hội nghị của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) năm 2024, các báo cáo sơ bộ cho thấy nguy cơ phát triển ung thư đầu và cổ liên quan đến HPV ở nam giới được tiêm chủng giảm 56%. Còn nữ giới giảm nguy cơ mắc tới 30% đối với mọi loại ung thư do HPV.

Theo ABC News, Tiến sĩ Michelle Chen, Bác sĩ phẫu thuật ung thư đầu và cổ, Trợ lý Giáo sư tại Đại học Stanford cho biết: “Kết quả nghiên cứu của ASCO rất thú vị ở chỗ nó bắt đầu gợi ý điều mà tất cả chúng ta đã mong đợi từ lâu, đó là việc tiêm vaccine HPV sẽ có tác động rõ rệt đến việc giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư đầu và cổ liên quan đến HPV”.

Tiến sĩ Erich Sturgis, Khoa Tai mũi họng-Phẫu thuật Đầu & Cổ thuộc Đại học Y khoa Baylor (Mỹ) cho biết, những phát hiện mới này cho thấy khả năng toàn bộ lợi ích của vaccine HPV sẽ được hiện thực hóa trong những thập kỷ tới, bao gồm việc ngăn ngừa ung thư vòm họng dương tính với HPV.

Tuy nhiên, TS. Sturgis cho rằng: "Có lẽ phải mất vài thập kỷ nữa chúng ta mới thực sự thấy được những lợi ích của vaccine HPV bởi vì phần lớn những người ở độ tuổi 50, 60 và 70 đang mắc phải những căn bệnh ung thư này".

Một nghiên cứu sơ bộ từ Hội nghị ASCO năm 2024 cũng cho thấy, tỷ lệ sử dụng vaccine HPV ở Mỹ đã dần được cải thiện từ 23,3% năm 2011 lên 43% vào năm 2020. Các chuyên gia cho rằng: "chúng ta đang đi đúng hướng với tỷ lệ tiêm chủng ngừa HPV ngày càng tăng, đặc biệt là ở những nam giới luôn tụt hậu so với nữ giới”. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, nam giới có nguy cơ mắc các bệnh ung thư do HPV cao gấp đôi so với phụ nữ.

Tuy nhiên, "chúng ta còn kém xa mục tiêu năm 2030 là tỷ lệ tiêm chủng ngừa HPV là 80%”. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tỷ lệ thanh thiếu niên cập nhật vaccine HPV tại nước này đã dừng ở mức khoảng 63% tính đến năm 2022.

Thống kê của CDC Mỹ cho thấy, HPV là nguyên nhân gây ra hơn 90% mụn cóc sinh dục, 99% bệnh ung thư cổ tử cung, 90% ung thư hậu môn, 65% ung thư âm đạo, 50% ung thư âm hộ, 60% ca ung thư dương vật, 45-90% ung thư vòm họng. Trong một thập niên trở lại đây, virus này còn là nguyên nhân làm tăng số ca ung thư vùng đầu cổ như ung thư vòm họng, ung thư tế bào vảy ở khoang miệng, họng miệng...Các nghiên cứu ước tính, khoảng 80% phụ nữ và 90% nam giới có quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm ít nhất một loại HPV.

 
Hiệp Nguyễn (Theo ABC News)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn