Các đại biểu chúc mừng những chỉ định của hai nghiên cứu đã được phê duyệt chính thức tại Việt Nam.
Hiểu rõ thông tin về vaccine AstraZeneca để tránh hoang mang không cần thiết
Bộ Y tế: Người tiêm vaccine AstraZeneca không cần xét nghiệm đông máu
AstraZeneca thông báo thu hồi vaccine COVID-19 trên toàn cầu
Sở Y tế TP.HCM nói về tác dụng phụ của vaccine COVID-19 AstraZeneca
Cập nhật những dữ liệu lâm sàng mới nhất, vừa qua, Hội thảo khoa học với chủ đề “Hướng điều trị mới trong ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt” do Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, Bệnh viện K tổ chức với sự phối hợp của Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam cho thấy, vai trò của thuốc ức chế PARP trên hai đối tượng bệnh nhân: ung thư vú giai đoạn sớm, HER2 âm tính, có đột biến BRCA1/2 dạng di truyền và ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn giai đoạn di căn không có chỉ định hóa trị liệu.
Tại buổi Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, các liệu pháp nhắm trúng đích đang chứng minh được hiệu quả điều trị trên nhiều loại ung thư.Trong số đó, nhóm thuốc ức chế PARP đã được nhiều quốc gia phê duyệt các chỉ định trên ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tụy, mang đến nhiều cơ hội cho các bệnh nhân, giúp kéo dài thời gian sống không bệnh và sống còn toàn bộ cho bệnh nhân.
Tại Việt Nam, ung thư vú là ung thư phổ biến nhất ở nữ giới, với hơn 24.000 bệnh nhân mắc mới và hơn 10.000 ca tử vong hàng năm (theo Globocan 2022).
Dữ liệu cho thấy gần 70% số ca được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, tuy nhiên có 20-30% bệnh nhân sẽ tiến triển hoặc di căn, đặc biệt trên nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao với đặc điểm lâm sàng như: tuổi trẻ, khối u lớn, hạch dương tính, độ mô học cao, đột biến gene BRCA1/2…
Trong đó, đột biến gene BRCA1/2 có liên quan đến đặc điểm lâm sàng chuyên biệt: bối cảnh lâm sàng xấu hơn, kết cục điều trị kém cần được cá thể hóa để cải thiện sống còn toàn bộ cho bệnh nhân.
Đối với nam giới, ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến thứ 5 tại Việt Nam, với hơn 5.800 bệnh nhân mắc mới và 2.800 ca tử vong hàng năm. ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn kháng cắt tinh hoàn di căn (mCRPC) là bệnh lý có tiên lượng xấu, không đồng nhất và thường dẫn đến tử vong.
Với nhóm bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm, PGS.TS.BS Phùng Thị Huyền - trưởng khoa Nội 6, Bệnh viện K - cho biết: "Xét nghiệm đột biến gene BRCA1/2 là bước quan trọng giúp phẫu thuật viên và bác sĩ nội khoa có kế hoạch quản lý bệnh nhân toàn diện, bao gồm quyết định loại phẫu thuật, hướng điều trị nội khoa. Với các bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm nguy cơ cao, có đột biến gene BRCA1/2 dạng di truyền, HER2 âm tính và đã điều trị với hóa trị tân bổ trợ hoặc bổ trợ, thuốc ức chế PARP là lựa chọn được phê duyệt tại Việt Nam và các hiệp hội uy tín khuyến cáo".
Dữ liệu từ Nghiên cứu OlympiA đã cho thấy nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao này khi sử dụng Olaparib giúp kéo dài thời gian sống còn toàn bộ có ý nghĩa và gần 90% bệnh nhân còn sống ở thời điểm 4 năm điều trị. Cho đến thời điểm hiện tại, OlympiA là nghiên cứu có dữ liệu lâm sàng cải thiện sống còn có ý nghĩa thống kê ở bệnh nhân ung thư vú sớm HER2 âm tính.
Xu hướng phối hợp ngay từ bước 1 giữa thuốc nội tiết thế hệ mới và thuốc ức chế PARP trên các bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn đã được chứng minh thông qua các Nghiên cứu lâm sàng, trong đó có nghiên cứu PROpel.
Kết quả cho thấy nhóm bệnh nhân sử dụng phối hợp này có thời gian sống còn không bệnh tiến triển lên đến hơn 2 năm, tăng thêm hơn 8 tháng so với nhóm so sánh, và thời gian sống còn toàn bộ của nhánh phối hợp là hơn 42 tháng.
Hiệu quả này được đồng nhất trên các nhóm khác nhau: dựa trên tình trạng có đột biến HRR hay không, tình trạng di căn, triệu chứng hay điều trị trước đó với hóa trị hay không. Các tác dụng không mong muốn đều có thể kiểm soát được và tương đồng với tác dụng phụ của từng thuốc như là thiếu máu, mệt mỏi, buồn nôn hay tăng huyết áp.
PGS.TS.BS Lê Đình Khánh - Chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam, chủ tọa của buổi hội thảo phát biểu trong phiên thảo luận ung thư tuyến tiền liệt: "Ở giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn di căn, mặc dù bệnh nhân vẫn còn có một số lựa chọn để điều trị, tuy nhiên kết cục vẫn còn kém và chưa đến 50% bệnh nhân có thể nhận được điều trị tiếp theo ở bước 2".
"Thực trạng này đặt ra nhu cầu cần thiết trong việc điều trị tích cực và lựa chọn hiệu quả ở bước 1. Kết quả của nghiên cứu đã ủng hộ việc phối hợp liệu pháp trúng đích và thuốc nội tiết thế hệ mới như tiêu chuẩn điều trị mới cho các bệnh nhân này" - PGS.TS.BS Lê Đình Khánh cho biết.
Với cam kết đồng hành cùng phát triển hệ thống y tế Việt Nam theo hướng bền vững, đem những phương pháp điều trị làm thay đổi cuộc sống cho người dân và cộng đồng, ông Atul Tandon, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam chia sẻ:
"Trong 30 năm qua tại Việt Nam, AstraZeneca đã luôn nỗ lực để đưa đến cho người dân những liệu pháp hàng đầu trong việc điều trị các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, thận và chuyển hóa, đặc biệt là ung thư. Với sự hợp tác xuyên suốt với các bệnh viện, các tổ chức y tế, hãng đã góp phần cải thiện cuộc sống, đem lại những tác động tích cực đối với hàng triệu bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt".
"Nắm bắt những tiến bộ khoa học về ung thư vú và tuyến tiền liệt, AstraZeneca mong muốn đem đến sự cải thiện rõ rệt trong kết quả điều trị và tham vọng của chúng tôi là biến căn bệnh ung thư không còn là một nguyên nhân gây tử vong cho người bệnh" - Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam khẳng định.
Bên cạnh các chương trình hội thảo khoa học kết nối báo cáo viên nước ngoài cùng các thầy chuyên gia đầu ngành, AstraZenca đã đồng hành cùng các bệnh viện thực hiện tài trợ các xét nghiệm sinh học phân tử (HRD/HRR/BRCA) đạt chất lượng cho hơn 1300 bệnh nhân và hỗ trợ thành lập các đơn vị tư vấn di truyền.
Nhằm giảm thiểu gánh nặng tài chính cho chi phí điều trị, AstraZeneca nỗ lực làm việc cùng các bệnh viện và Bộ Y tế để được phê duyệt các chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí một phần, sau mỗi chu kỳ điều trị thuốc tự chi trả, bệnh nhân có thể được hỗ trợ miễn phí từ 1 đến 2 chu kỳ điều trị tiếp theo, giúp cho nhiều bệnh nhân ung thư tại Việt Nam có khả năng tiếp cận với liệu pháp điều trị trúng đích.
Bình luận của bạn