Dân số Việt Nam đã đạt hơn 90 triệu người
Nho giáo: Nguyên nhân mất cân bằng giới tính khi sinh
Hãy để phụ nữ mãi là một nửa của thế giới
Đàn ông Việt Nam sắp phải "nhập" vợ ngoại ?
Già hóa dân số: Người cao tuổi chịu thêm gánh nặng bệnh tật
Giảm nhẹ gánh nặng già hóa dân số bằng BHYT
Dân số tăng… biến động về giới tính khi sinh
Trong 5 năm qua, dân số Việt Nam đã tăng thêm 4.646.355 người, trung bình mỗi năm tăng 929.271 người. Tỷ suất tăng dân số trung bình mỗi năm là 1,06% giai đoạn từ 2009-2014, thấp hơn so với tỷ suất tăng dân số 1,2% mỗi năm trong giai đoạn 1999-2009. Tổng tỷ suất sinh là 2,09 trẻ trên một phụ nữ. Các kết quả trên khẳng định rằng, tỷ lệ sinh của Việt Nam đang tiếp tục giảm và ổn định dưới mức sinh thay thế trong thập kỷ vừa qua.
Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam khá nhanh, có 33,1% dân số Việt Nam đang sinh sống tại khu vực thành thị, tăng khoảng 3,3%/năm. Lý do được Tổng cục Thống kê nêu là do quá trình di cư và việc đô thị hóa đã biến nhiều khu vực nông thôn thành những khu đô thị mới. Hiện còn 66,9% dân số sống ở nông thôn. Đặc biệt, sự mất cân đối nam nữ ở Việt Nam đã tăng khá nhanh. Đến nay, tỷ suất giới tính đã là 112,2 bé trai trên 100 bé gái (cao hơn mức năm 2009 là 110,5 bé trai trên 100 bé gái).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ: “Có lúc chúng tôi giật mình khi đi kiểm tra một số xã ở Đồng bằng sông Hồng, có xã lên đến gần 150 bé trai/100 bé gái lúc ra đời. Mất cân bằng giới tính khi sinh lộ quá rõ. Hậu quả này chúng ta sẽ giải quyết như thế nào? Các làng, xã sẽ thiếu phụ nữ, cô dâu nên sẽ chịu rất nhiều điều bất lợi. Việt Nam chưa phải nước giàu như Hàn Quốc để lấy cô dâu ở nước ngoài”.
Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.
Tại nhiều trường mầm non, số bé trai nhiều hơn hẳn bé gái
Ngoài ra, mất cân bằng giới tính khi sinh còn ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng, việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Có thể sẽ có sự gia tăng về nhu cầu mại dâm, dẫn đến việc gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ.
Mất cân bằng giới tính trầm trọng ở người cao tuổi
Cứ 200 cụ bà mới có 100 cụ ông. Đó là tỷ số giới tính dân số Việt Nam ở tuổi 80 trở lên. Còn ở tuổi từ 70-79, tỷ số này là 149 cụ bà/100 cụ ông, ở tuổi 60-69 là 131/100. Đây là một trong những thay đổi đáng “giật mình” của thực trạng già hóa dân số nước ta: Tuổi càng cao, số phụ nữ đơn thân càng nhiều.
Số liệu từ 4 cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở giai đoạn 1979-2009 cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm tuổi thấp nhất từ 60-69 tăng chậm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm cao tuổi trung bình 70-79 và già nhất từ 80 trở lên có xu hướng tăng nhanh hơn. Số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê năm 2010 cho giai đoạn 2009-2049 cho thấy: Khi Việt Nam bước vào giai đoạn dân số “già” cũng là lúc nhóm dân số cao tuổi nhất tăng với tốc độ cao nhất.
Tỷ số giới tính dân số Việt Nam ở tuổi 80 trở lên là 200 cụ bà/100 cụ ông. Tốc độ già hóa dân số cũng tăng mạnh mẽ. Mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêng về phía phụ nữ cao tuổi, tốc độ già hóa dân số cũng làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc gia đình.
Số người cao tuổi tăng lên, trong đó những người sống đơn thân cũng nhiều lên do xu hướng gia đình hạt nhân (chỉ có bố mẹ và con cái) đang ngày càng phát triển. Số liệu từ các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình giai đoạn 1993 - 2008 chỉ rõ xu hướng thay đổi này: Tỷ lệ người cao tuổi sống với con cái giảm xuống từ gần 80% vào năm 1993 xuống còn 62% vào năm 2008; tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn và tỷ lệ hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng người cao tuổi có tăng lên; tỷ lệ hộ gia đình “khuyết thế hệ” dù chưa cao nhưng cũng đã tăng hơn hai lần.
Tình trạng già hóa dân số ở nước ta đang tiếp tục tăng
Theo số liệu của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2009, ngày càng có nhiều người cao tuổi sống góa vợ (chồng), số lượng cụ bà góa chồng cao gần 5,5 lần số cụ ông góa vợ. Số cụ bà sống ly hôn, ly thân cũng cao hơn số cụ ông sống ly hôn, ly thân 2,2 lần. Đặc biệt, tỷ lệ người già sống cô đơn hoặc hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng già tăng đột biến. Chỉ trong 15 năm (1993 - 2008), tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi (từ 12% lên 30%).
Một điểm rất đáng lưu ý là nếu tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ em do số trẻ trai cao hơn số trẻ gái, thì tình trạng này ở người cao tuổi lại ngược lại - số phụ nữ đang lớn hơn nhiều so với nam giới. Thực tế đòi hỏi chính sách chăm sóc người cao tuổi phải chú trọng tới hiện tượng này, bởi vì với xu hướng bệnh tật kép và phần lớn người cao tuổi không có lương và trợ cấp như hiện nay, phụ nữ cao tuổi sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế.
Bình luận của bạn