Xăm không đau?
Vẽ Henna có nguồn gốc từ Ấn Độ và Ai Cập cổ đại, để trang trí trên cơ thể trong những dịp lễ
hội, hỷ sự, xem như biểu tượng của sự an lành, may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống. Du nhập vào
Việt Nam khoảng hơn một năm trước, vẽ xăm Henna có nhiều thay đổi về họa tiết, để phù hợp với văn
hóa Việt như hình trống đồng, hình hạc, hình hoa mai…
Vẽ xăm Henna đẹp nhưng không đau đớn, đầy tính nghệ thuật và chỉ
mang tính chất tạm thời
Theo đó, mực vẽ được làm từ lá Henna (được dịch là lá móng), trồng ở những nơi có khí hậu nóng ẩm như Pakistan, Úc, Ấn Độ… Ở đó, lá cây sau mùa thu hoạch được phơi khô và xay nhuyễn, tạo thành thứ bột dùng để nhuộm tóc, da, móng, bởi đặc tính của lá móng có hàm lượng cao chất tạo màu an toàn và kết dính so với hóa chất. Màu nguyên thủy của lá móng là đỏ-cam, tuy nhiên, tùy theo chất lượng của lá thu hoạch sẽ cho ra các sắc độ đậm nhạt. Vì nhu cầu của khách hàng nên nhiều nơi đã có công thức pha khác nhau từ các nguyên liệu như chanh, tinh dầu hoặc cà phê, trà… để tạo thêm sắc màu nâu đậm mạnh mẽ và cá tính hơn.
Chị Hoàng Trần Tường Vy - chủ Henna tattoos - 162/5 Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: phổ biến có hai hình thức pha màu: shop Henna tattoos (dịch vụ vẽ xăm Henna) nhập bột về để tự pha chế theo công thức không đụng "màu", hoặc nhập tuýp Henna có dạng hình chóp có đầu nhọn (giống như tuýp nặn bông kem) rồi vẽ, chứ không dùng cọ. Các shop Henna tattoos hơn nhau ở kỹ thuật vẽ đẹp, đường nét nơi nào mướt, sắc sảo hơn. Công đoạn vẽ chỉ từ một-năm giờ tùy theo tính phức tạp của hình vẽ. Sau khi vẽ, để khoảng 20 phút, các bột lá sẽ tự tróc ra, còn lớp màu sẽ thấm vào da, được lưu giữ trong khoảng từ bảy-mười ngày và tự trôi khi gặp nước.
Những ẩn họa từ hình xăm Henna
Có khá nhiều lời cảnh báo về Henna đen (Black Henna). Henna đen gây biến màu
vô cùng nhanh. Sản phẩm này có thể chứa một chất nhuộm màu độc hại, para-phenylenediamine hoặc PPD. Chất này có thể gây ra phản ứng dị ứng như nóng
rát, phồng rộp và cũng có thể để lại sẹo trên da.
Một cậu bé 4 tuổi đến từ Vương quốc Anh, Charlie Latimer, đã bị bỏng rộp trên da của mình sau khi xăm một bông hoa màu đỏ Henna từ một nghệ sĩ đường phố ở Lagos (Bồ Đào Nha), trong khi đang đi nghỉ với gia đình của mình. Trên cánh tay của Charlie bắt đầu chảy máu và phồng rộp từ khi xăm mình, khi cơ thể của cậu bé phản ứng với thuốc nhuộm.
Các nghệ sĩ xăm hình đã sử dụng lá móng (henna) đã được trộn với thuốc nhuộm
tóc giá rẻ, paraphenylenediamine, hoặc PPD, những chất có thể làm bỏng da.
Khi trở về Anh, da của Charlie bắt đầu bong tróc và cậu bé đã được điều trị thuốc kháng sinh, nhưng tình trạng của cậu bé không được cải thiện. Tiến sĩ về da liễu Chris Lovell, đã cảnh báo người dân về những nguy hiểm có thể xảy ra với hình xăm Henna được thực hiện bởi một số nghệ sĩ không có đạo đức:
“Theo quy định của châu Âu, sử dụng PPD trong xăm henna là bất hợp pháp và hầu hết các thẩm mỹ viện chuyên nghiệp đều sử dụng cây lá móng tinh khiết, hiếm khi gây dị ứng. Tuy nhiên những nguyên tắc này ít được thực thi hơn ở các nước đang phát triển, dẫn đến nhiều hậu họa cho làn da.”
Cảnh báo
Dù có nhiều bạn trẻ chuộng loại hình xăm tạm thời này, nhưng do dịch vụ còn mới, không dùng kim châm nên không được kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan chức năng, nhất là về chất lượng của mực xăm.
Các bác sĩ da liễu cảnh báo về các loại Henna bằng hóa chất. Cụ thể, Henna đen (Black
Henna) gây biến màu rất nhanh, đáp ứng nhu cầu về màu cá tính cho không ít bạn trẻ, thế nhưng, đây
là loại Henna có thể được trộn thêm với loại thuốc nhuộm màu độc hại, para-phenylenediamine hoặc
PPD - những loại có khả năng làm phỏng da rất cao.
BS Huỳnh Huy Hoàng - BV Da liễu TP.HCM cho biết,
các chất này có thể gây phản ứng dị ứng như nóng rát, phồng rộp và tùy theo cơ địa của mỗi người,
có thể để lại di chứng sẹo lồi lõm trên da.
Chưa kể, nhiều shop Henna pha thêm màu trắng bột để tăng sắc màu trên da cũng gây nguy hiểm đến sức khỏe. Là người có kinh nghiệm trong vẽ xăm Henna, chị Tường Vy cho biết thêm, lá móng dù được xem là lành tính, không gây ảnh hưởng trên da, nhưng với cách pha trộn các loại tinh dầu rẻ tiền sẽ không an toàn cho làn da nhạy cảm.
Vì thế, BS Huy Hoàng khuyên nên kiểm tra mực xăm trên da trước xem có phản ứng không, đặc biệt là khi bạn có làn da nhạy cảm. Không nên nghe những lời quảng cáo về các loại mực giữ độ bền màu lâu vì có thể chứa chất phụ gia nào đó gây dị ứng.
Bình luận của bạn