Dừng mở ngành đào tạo Y, Dược tại trường không chuyên

Sinh viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM trong giờ thực hành (Ảnh: Tấn Thanh)

Bộ Y tế tăng cường hợp tác về y dược với Novartis

Thêm môn Văn, Ngoại Ngữ để xét tuyển ngành y, dược?

Xử phạt 2 công ty dược không kê khai giá thuốc

Rút giấy phép hai công ty dược nước ngoài

Sở Y tế Hà Nội: Đình chỉ và phạt tiền 88 cơ sở y dược hành nghề không phép

Tuyển sinh ồ ạt, chất lượng đầu vào thấp

Ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo nói: "Chúng tôi cũng sẽ đề nghị với các cấp lãnh đạo công khai kết quả khảo sát và năng lực chuyên môn của từng trường để người học có thể lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp. Bộ Y tế không khuyến khích mở ra nhiều mà các điều kiện bảo đảm chất lượng không đáp ứng".

Theo thống kê, ở trình độ đại học (ĐH) hiện có khoảng 20 cơ sở đào tạo bác sỹ đa khoa, 23 cơ sở đào tạo dược; với trình độ cao đẳng (CĐ) có 41 cơ sở đào tạo dược học, 62 cơ sở đào tạo điều dưỡng. Thực tế là trong số này có rất nhiều trường dân lập. Trước tình trạng tuyển sinh vô cùng khó khăn như những năm vừa qua, chất lượng đầu vào của các trường ngoài công lập rất đáng báo động.

Với nhiều trường, thí sinh chỉ cần có điểm sàn hoặc cận sàn cũng có thể dễ dàng học ngành y, dược. Đơn cử năm học 2013 - 2014, Trường ĐH Đại Nam tuyển sinh dược sỹ ĐH khóa đầu tiên trên cơ sở xét tuyển nguyện vọng 2 khối A và B, đạt từ 15 điểm trở lên. Trường ĐH Lạc Hồng xét tuyển ngành dược học khối A từ 14 điểm, khối B từ 15 điểm; Trường ĐH Nam Cần Thơ thậm chí tuyển ngành dược học khối A chỉ 13 điểm, hệ CĐ tuyển ở mức 10 điểm; Trường ĐH Tân Tạo tuyển sinh ngành y đa khoa ở mức 18 điểm…

Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH y dược Việt Nam cũng đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Chỉ tiêu nhiều nên điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp so với trường công lập, không phù hợp với quy hoạch của ngành và ảnh hưởng lớn đến chất lượng.

Thí sinh dự thi vào ĐH Y Hà Nội (Ảnh Văn Chung)

GS.TS Lê Quan Nghiệm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho hay, thời gian qua, Bộ GD&ĐT cho các trường mở ngành về sức khỏe nhưng không kiểm soát được. Các trường thường tuyển sinh 500 - 700, thậm chí cả 1.000 chỉ tiêu, trong khi những trường truyền thống cũng chỉ tuyển vài ba trăm chỉ tiêu. Tuyển sinh vượt quá sức, đầu vào sinh viên chỉ 13 - 14 điểm (3 môn) thì không thể nào có chất lượng tốt. 

Quá trình đạo tạo không được quan tâm đúng mức

TS. Hoàng Bùi Hải - Giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội thẳng thắn cho biết, ngành y liên quan đến tính mạng con người nên muốn đào tạo ra những “sản phẩm” phù hợp thì không thể thiếu nguồn nhân lực giảng viên tốt, cơ sở nghiên cứu và cơ sở thực hành tương đương.

Hiệu trưởng một trường ĐH khối y dược nhấn mạnh: "nếu cứ lấy lý do thiếu bác sỹ để tiếp tục tình trạng đào tạo cán bộ y tế theo kiểu “trăm hoa đua nở” thì 10 năm nữa sẽ để lại hậu quả lớn cho đất nước. Sinh viên y khoa hệ chính quy được đánh giá là giỏi hoặc xuất sắc vì điểm đầu vào rất cao so với các ngành học khác mà trên thực tế, sau 6 năm đào tạo, đa số sinh viên còn chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập. Trong khi đó, các trường ngoài công lập với điểm đầu vào rất thấp, quá trình đào tạo cũng không được quan tâm đúng mức thì làm sao các bác sỹ, dược sỹ tốt nghiệp hệ này đạt chuẩn tối thiểu đối với chuyên môn".

Quy mô đào tạo rất lớn so với điều kiện chuyên môn

Ông Nguyễn Minh Lợi - Cục phó Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế nói: “Hiện chưa có đánh giá, khảo sát cụ thể nào về chất lượng đào tạo nhân lực y tế của các trường đa ngành. Tuy nhiên, qua thông tin mà chúng tôi có được, đa số cơ sở này đều có quy mô đào tạo rất lớn so với điều kiện chuyên môn hiện có, như cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng dạy chuyên ngành và cơ sở thực hành ngoài trường. Đặc biệt, có cơ sở đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp được thành lập và trụ sở chính ở các tỉnh, nhưng vẫn được mở chi nhánh tại một số địa phương, thậm chí đặt ngay tại Hà Nội hoặc TP.HCM”.

Ông Nguyễn Minh Lợi - Cục phó Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế (Ảnh: N.Phương)

Chính vì vậy, việc dừng mở ngành đào tạo Y, Dược tại trường không chuyên sẽ giúp rà soát, đánh giá việc tổ chức đào tạo nhân lực y tế. Đây là việc làm rất cần thiết để đảm bảo phù hợp với quy hoạch, nhu cầu của từng khu vực, vùng miền đối với từng ngành, trình độ đào tạo.

Trước đó, việc đào tạo ồ ạt ngành Y Dược ở nhiều trường ĐH, CĐ không chuyên đã dẫn đến tình trạng thừa nhân lực ngành y tế, chất lượng đầu ra không đảm bảo, gây bức xúc cho người dân. Trong công văn ngày 3/12 gửi các cơ sở giáo dục ĐH, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu rõ, nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã thống nhất tạm dừng mở các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền trình độ ĐH và ngành Dược trình độ ĐH - CĐ ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y Dược.

Trường hợp cần thiết, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một số địa phương, vùng miền, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế sẽ xem xét, thẩm định các điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo trước khi quyết định cho mở ngành tại các ĐH không chuyên ngành Y Dược.

Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nhân lực y tế được xác định theo số giảng viên cơ hữu quy đổi của từng ngành và các điều kiện đã được quy định để đảm bảo chất lượng, cơ sở đào tạo không được tuyển vượt con số đã xác định.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Giáo dục để rà soát đối với các ngành, trình độ còn lại. Đặc biệt là rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như: đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực hành trong và ngoài trường, việc xác định quy mô đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh phải phù hợp với năng lực chuyên môn của từng ngành và từng trình độ đào tạo…
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý