3 giờ sáng một ngày năm 2011, tiếng chuông điện thoại đánh thức ông Doug Nordman. Là bác sĩ phẫu thuật đang gọi từ bệnh viện ở Grand Junction, Colorado, nơi bố của ông Doug Nordman được đưa tới cấp cứu trong tình trạng không tỉnh táo và vô cùng đau đớn. Mới đầu, các nhân viên y tế cho rằng ông ấy có một cơn đau tim, nhưng kết quả chụp CT cho thấy một phần ruột non của ông ấy bị thủng. Ông ấy được đưa vào phòng phẫu thuật, khâu ruột non và không còn nguy hiểm nữa.
Bác sỹ phẫu thuật chợt hỏi, “Bố anh có nghiện rượu không?”. Họ đã phát hiện ông Dean Nordman – bố ông Doug Nordman, bị suy dinh dưỡng nặng, và trong ruột “ngập tràn rượu”.
Ông Doug Nordman vội giải thích rằng, người cha 77 tuổi của ông từ lâu đã là một người nghiện rượu. Ông ấy uống một ly Scotch trước bữa tối, thêm 1 ly trong bữa tối, 1 ly nữa sau bữa tối và cũng có thể uống thêm 1 ly nữa trước khi đi ngủ.
Uống 3 đến 4 ly mỗi ngày vượt quá các hướng dẫn về chế độ ăn uống lành mạnh, vốn xác định mức tiêu thụ vừa phải là 2 ly mỗi ngày đối với nam và 1 ly đối với nữ hoặc ít hơn. Nhưng “đó là văn hóa uống rượu bình thường với những người ở độ tuổi đó”, Doug Nordman – hiện giờ đã 63 tuổi, cho biết.
Tuy nhiên, vào thời điểm nhập viện năm 2011, Dean Nordman, 77 tuổi, một kỹ sư điện đã nghỉ hưu, góa bụa, sống một mình và đã có đầy đủ các triệu chứng của chứng mất trí nhớ. Ông ấy bị lạc khi đang lái xe, vật lộn với công việc nhà và phàn nàn về việc “trí nhớ bị sút giảm”. Ông đã từ chối sự giúp đỡ của hai con trai và nói rằng mình ổn. Tuy nhiên, trong thời gian ông Dean nằm viện đó, ông Doug Nordman hầu như không tìm thấy thức ăn nào trong căn hộ của cha mình. Tệ hơn nữa, khi xem lại bảng sao kê thẻ tín dụng của cha mình, “Tôi thấy các khoản phí định kỳ từ các cửa hàng bán rượu và nhận ra rằng ông ấy đang uống khoảng nửa lít rượu mạnh mỗi ngày,” anh nói.
Đây cũng là thực tế đáng lo ngại mà các quan chức y tế công cộng Mỹ đưa ra. Người cao tuổi của Mỹ đang uống quá nhiều rượu.
Tiến sỹ George Koob, Giám đốc Viện Quốc gia về Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu cho biết, nhiều người không nhận ra mối nguy hiểm của rượu. Ông nói: “Rượu là một “chất bôi trơn” xã hội khi được sử dụng theo hướng dẫn, nhưng tôi không nghĩ những người uống rượu nhận ra rằng khi liều lượng rượu uống hàng ngày tăng lên, nó sẽ trở thành chất độc. Và những người lớn tuổi thậm chí còn ít có khả năng nhận ra điều đó hơn.”
Tiến sĩ Koob cho biết, số lượng người cao tuổi ngày càng tăng đang làm gia tăng áp lực lên dịch vụ chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi, trong khi đó, hành vi uống rượu nhiều của họ không hề thay đổi, thậm chí còn tăng lên, khiến tỷ lệ tử vong do rượu ở Người cao tuổi cũng tăng lên. Một nghiên cứu của Viện Quốc gia về Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu cho thấy, có 56% người cao tuổi được hỏi cho biết họ đã sử dụng rượu trong năm ngoái, 43% sử dụng trong tháng trước. Tỷ lệ này thấp hơn so với các nhóm tuổi khác, nhưng thực tế là cho thấy, những người trên 65 tuổi này uống rượu thường xuyên hơn, 20 ngày/tháng, nhiều hơn so với người trẻ tuổi. Hơn nữa, một phân tích tổng hợp năm 2018 cho thấy việc uống rượu say (được định nghĩa là bốn ly trở lên trong một lần đối với phụ nữ, năm ly trở lên đối với nam giới) đã tăng gần 40% ở những người lớn tuổi trong 10 đến 15 năm qua.
Rõ ràng, Đại dịch chỉ đóng một vai trò nhỏ trong lý do uống nhiều rượu và nghiện rượu ở người cao tuổi. rõ ràng đã đóng một vai trò nào đó. Cho dù CDC Mỹ có báo cáo về tình trạng tăng của các ca tử vong do rượu, đi cấp cứu do rượu hay số lượng rượu được bán ra trong giai đoạn 2019-2020, khi COVID-19 xuất hiện và lệnh giãn cách được áp dụng.
Các nhà nghiên cứu cũng trích dẫn một nghiên cứu đoàn hệ (nghiên cứu tìm kiếm mối liên hệ giữa rượu và các bệnh lý cũng như tình trạng tử vong). Nhà tâm lý học Keith Humphreys cũng là nhà nghiên cứu chứng nghiện tại Đại học Stanford cho biết, họ đã so sánh tình trạng trước và sau của một thế hệ, và “Thế hệ boomer (Thế hệ sinh từ những năm 1946-1964) là thế hệ sử dụng chất gây nghiện. Và họ sẽ không từ bỏ hành vi từ thời trẻ của mình.” – TS. Humphreys cho biết.
Các nghiên cứu cũng cho thấy sự phân chia giới tính đang ngày càng thu hẹp. Tiến sĩ Humphreys cho biết: Phụ nữ đóng góp nhiều nhất cho sự thay đổi ở nhóm tuổi này. Từ năm 1997 đến năm 2014, tỷ lệ uống rượu tăng trung bình 0,7% mỗi năm đối với nam giới trên 60 tuổi. Trong số những phụ nữ lớn tuổi, tỷ lệ uống rượu tăng 1,6% mỗi năm, trong đó uống rượu say tăng 3,7%.
Trong những thập kỷ gần đây, khi phụ nữ ngày càng có trình độ học vấn cao hơn, họ có nhiều thành công hơn trong công việc và coi việc uống rượu là bình thường; họ cũng có thu nhập tốt hơn. “Đây chính là lý do phụ nữ về hưu hiện nay uống rượu nhiều hơn mẹ và bà của họ”, Tiến sĩ Humphreys giải thích.
Tuy nhiên, việc sử dụng rượu lại gây ra hậu quả nặng nề hơn cho người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ, những người bị say nhanh hơn nam giới vì họ nhỏ người hơn và có ít enzymee chuyển hóa rượu hơn.
Tiến sĩ David Oslin, bác sĩ tâm thần tại Đại học New York, cho biết, người cao tuổi có thể lập luận rằng họ chỉ uống theo cách họ vẫn uống, nhưng lượng rượu tương đương sẽ gây ra hậu quả tai hại hơn nhiều khi tuổi tác ngày một lớn. “Rượu khiến một người cao tuổi suy nghĩ chậm hơn, thời gian phản ứng chậm hơn và khả năng nhận thức kém hơn” - Tiến sĩ David Oslin cho biết.
Cũng theo TS. Oslin, rượu không chỉ gây ra các bệnh về gan, mà cũng “làm trầm trọng thêm bệnh tim mạch, bệnh thận và nếu bạn uống rượu trong nhiều năm, sẽ có sự gia tăng một số loại ung thư”. Uống rượu góp phần gây té ngã, nguyên nhân chính gây thương tích khi con người già đi và làm gián đoạn giấc ngủ.
Người lớn tuổi cũng dùng nhiều loại thuốc theo toa và rượu tương tác với một danh sách dài các loại thuốc này. Những tương tác này có thể đặc biệt phổ biến với thuốc giảm đau và thuốc hỗ trợ giấc ngủ như thuốc benzodiazepin, đôi khi gây ra tình trạng an thần quá mức. Trong những trường hợp khác, rượu có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
Tiến sĩ Oslin cảnh báo rằng, trong khi nhiều lọ thuốc kê đơn có nhãn cảnh báo không nên sử dụng những loại thuốc đó với rượu, bệnh nhân có thể bỏ qua điều đó và giải thích rằng họ uống thuốc vào buổi sáng và không uống vào buổi tối. Nhưng những loại thuốc đó ở trong cơ thể họ suốt cả ngày, vì vậy khi họ uống rượu, vẫn có nguy cơ tương tác thuốc rượu.
Tiến sĩ Oslin cho biết các phương pháp điều trị chứng nghiện rượu, bao gồm liệu pháp tâm lý và dùng thuốc, đều không hiệu quả đối với những bệnh nhân lớn tuổi.
Dean Nordman chưa bao giờ tìm cách điều trị chứng nghiện rượu của mình, nhưng sau cuộc phẫu thuật khẩn cấp, các con trai của ông đã chuyển ông vào viện dưỡng lão, nơi thuốc chống trầm cảm và việc không thể tiếp cận với rượu đã cải thiện tâm trạng và khả năng hòa đồng của ông. Ông qua đời trong viện dưỡng lão năm 2017.
Doug Nordman - người được cha cho làm quen với bia năm 13 tuổi, cũng là một người nghiện rượu nặng, “đến mức kiệt sức” khi còn là sinh viên đại học và sau đó là một người nghiện rượu xã hội. Nhưng khi chứng kiến cha mình suy sụp, “tôi nhận ra điều này thật nực cười,” ông Doug nhớ lại. Rượu có thể làm trầm trọng thêm quá trình suy giảm nhận thức và ông ấy có tiền sử gia đình. Sau lần đó, ông Doug đã cai nghiện rượu. 13 năm sau cuộc điện thoại lúc 3 giờ sáng đó, ông Doug chưa một lần quá chén.
Bình luận của bạn