Chuyên gia lý giải vì sao người mắc COVID-19 ít triệu chứng, dễ tử vong?

Chuyên gia cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh nhân COVID-19 ít triệu chứng - Ảnh: Minh họa.

Thêm 8 ca dương tính liên quan đến chùm COVID-19 ở Times City, T&T Group

Không công bố danh tính, chi tiết lịch trình di chuyển của bệnh nhân COVID-19

24 giờ qua, Việt Nam ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục

Bắc Giang đã ghi nhận hơn 1000 ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4

Theo Dantri, bên lề cuộc họp khẩn giữa Bộ Y tế và Bắc Giang diễn ra chiều 25/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá, diễn biến bệnh nhân COVID-19 khá nhanh, vì thế bệnh nhân trẻ hay già, có bệnh nền hay không có bệnh nền đều phải giám sát.

Trên thực tế, ca bệnh ở Bắc Giang 38 tuổi , không có bệnh nền nhưng diễn biến nhanh, tử vong sau 3 ngày có các biểu hiện viêm phổi do COVID-19 biến chứng suy hô hấp.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị (Bộ Y tế) cho biết, trên thế giới cũng đã có những cảnh báo ban đầu về biến chủng SARS-CoV-2 của Ấn Độ. Các bệnh nhân nhiễm biến chủng mới có diễn biến bệnh rất khó lường, khó phát hiện, có người xét nghiệm 2 lần đầu âm tính SARS-CoV-2, lần thứ 3 mới dương tính. 

Điều này cho thấy thời gian ủ bệnh, lây truyền sang người khác có lúc nhanh, lúc rất khó đoán nên việc cách ly, theo dõi và quản lý tại khu cách ly hết sức quan trọng. Tại một số khu cách ly, F1 chuyển thành F0, thậm chí nhiều trường hợp đã xét nghiệm âm tính 2 lần, đến lần thứ 3 mới dương tính.

Hiện tại, thống kê từ Tiểu ban Điều trị cho thấy khoảng 80% người mắc COVID-19 tại Việt Nam ít có triệu chứng. Cơ thể người mắc ít thấy có biến đổi, sốt không cao, cảm giác mệt mỏi chưa nhiều, viêm phổi chưa biểu hiện. Tuy nhiên, ông Khuê cho rằng chúng ta luôn phải cảnh giác ngay cả với những người ít triệu chứng. Những người này phải được đưa vào điều trị ở những nơi đảm bảo cách ly an toàn, theo dõi sát sao.

Khoảng 20% bệnh nhân COVID-19 trong đợt bùng phát này có thể diễn biến nặng. Trong đó, 10% dễ chuyển từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu. Còn lại, họ có nguy cơ cao chuyển sang nặng (5%) hoặc rất nặng (5%). Đây đều là những trường hợp dễ tử vong mà ngành y tế phải chú ý, phản ứng nhanh. Do đó, chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay vẫn tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. 

PGS Khuê dẫn chứng ca bệnh được hội chẩn ngày 25/5. Tại thời điểm hội chẩn, chỉ số Sp02 (nồng độ oxy trong máu) vẫn 99% nhưng nhịp thở tăng lên, thể hiện khó thở tăng hơn bình thường nên đã chỉ định đặt oxy để trợ giúp.

"Nếu các thầy thuốc không để ý kỹ, không cảnh báo, chỉ nhìn lượng oxy thấy 99%, dễ chủ quan, trong khi thực tế lâm sàng bệnh nhân đã khó thở đến 22 lần", PGS Khuê nói.

PGS Khuê nhận định, các bệnh nhân nhẹ nhưng diễn biến nhanh là điều rất khó khăn với các thầy thuốc khi điều trị. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân nặng trong đợt dịch này gần như ít thay đổi so với đợt trước. Hầu hết ca tử vong đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền.

Ứng dụng AI phát hiện sớm diễn biến nặng của bệnh

Bộ Y tế đang phát triển ứng dụng AI giúp phát hiện sớm nguy cơ bệnh nhân từ F1 có thể chuyển sang F0

Theo PGS Khuê, rút kinh nghiệm từ trường hợp bệnh nhân trẻ, khoẻ mạnh nhưng tử vong, Bộ Y tế đang điều chỉnh phác đồ, xây dựng phần mềm có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện sớm người bệnh COVID-19 có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng trên cả nước.

Theo Vietnamplus, PGS Khuê cho biết: Tới đây, chúng tôi sẽ đưa cả cảnh báo đỏ vào hệ thống, thông báo về tình trạng bệnh nhân chuyển biến xấu sẽ đến với các giáo sư đầu ngành, các bác sỹ ở cơ sở điều trị bệnh nhân qua phần mềm. Bên cạnh đó, hiện nay chúng tôi đã cùng với tập đoàn Vingroup đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo vào các bệnh viện thực hiện sàng lọc các trường hợp bệnh nhân từ F1 có thể chuyển sang F0 và các trường hợp có biểu hiện. Nếu chúng ta triển khai sớm thì đây được coi là công cụ hữu hiệu giúp cho phát hiện sớm trường hợp F0.

Một phương án nữa là trong kịch bản 30.000 người mắc COVID-19 như Chính phủ đưa ra, một hệ thống kết nối với trung tâm này khi mà có những diễn biến mới với phương châm bốn tại chỗ sẽ được xây dựng.

Chúng ta cần xác định không chỉ có một Bắc Giang, một Bắc Ninh (Bệnh Chợ Rẫy, Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có thể hỗ trợ được), mà cần đề phòng có nhiều hơn các "điểm nóng", khi đó các giáo sư đầu ngành không thể đến tận nơi hỗ trợ.

Vì vậy nhóm các giáo sư đầu ngành sẽ kết nối ở Trung tâm để sẵn sàng tư vấn cho các bệnh viện dã chiến và các trung tâm hồi sức cấp cứu (các trung tâm sẽ được thành lập theo tỷ lệ dân số hoặc theo tỷ lệ người có thể mắc COVID-19 của các tỉnh).

"Đây là những phần việc chúng tôi đang triển khai và hy vọng những phương án này kết hợp với kinh nghiệm trong những năm qua, đặc biệt là kinh nghiệm của các nước bạn đã qua đợt dịch trước chúng ta sẽ góp phần hiệu quả cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19," PGS Lương Ngọc Khuê cho biết.

Hiệp Nguyễn H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn