Viêm màng não mủ: Dễ nhầm lẫn với cảm cúm, viêm họng...

Tình trạng của bệnh nhi Việt đã chuyển biến tốt sau hơn 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Ăn ốc sên dính viêm màng não

Bệnh viêm não, viêm màng não do não mô cầu: Chớ chủ quan!

HN: Viêm não mô cầu tái xuất

Viêm não mô cầu: Dễ lây qua đường hô hấp

Thời tiết nắng nóng của mùa hè là điều kiện lý tưởng để bệnh viêm màng não mủ phát triển. Bệnh thường để lại những di chứng nặng nề như ngớ ngẩn, mất trí, liệt. Điều đặc biệt nguy hiểm là triệu chứng của bệnh không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên hầu hết bệnh nhân đều nhập viện muộn, khi đã có những biến chứng nguy hiểm.

Dễ nhầm lẫn viêm màng não mủ với các bệnh khác

Viêm màng não mủ là bệnh nhiễm khuẩn màng não do vi khuẩn gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ em. Một số vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ là: Haemophilus influenzae, não mô cầu và phế cầu, ở trẻ sơ sinh có thể gặp các vi khuẩn gram âm gây bệnh như E.coli, Klebsiella, Pseudomonas.

Theo bác sỹ Phạm Văn Hưng - Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: “Tháng 6 vừa qua, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi Đồng Quốc Việt (8 tháng tuổi, quê ở Hải Hậu, Nam Định). Bệnh nhân nhập viện trong trình trạng sốt, ho có đờm, tiêu chảy. Sau theo dõi một thời gian, các bác sỹ tại khoa đã nghĩ đến trường hợp bệnh nhân bị viêm màng não. Ngay lập tức bệnh nhân được cách ly, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc viêm màng não mủ. Các bác sỹ tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đã cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh đặc hiệu”. 

Bé Việt được điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Theo lời kể của ông Phạm Văn Hanh (ông ngoại cháu Việt), trước khi nhập viện, cháu Việt có biểu hiện sốt, ho, tiêu chảy. Gia đình đã mua kháng sinh về cho cháu uống nhưng tình trạng của cháu xấu đi, gia đình đã đưa cháu lên bệnh viện tuyến huyện điều trị. Các bác sỹ ở bệnh viện tuyến huyện xác định bệnh nhân bị viêm phổi và cho dùng kháng sinh. Sau 9 ngày điều trị, tình trạng bệnh của Việt chưa thuyên giảm nên gia đình quyết định đưa bé đến Bệnh viện Bạch Mai.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Việc chẩn đoán viêm màng não mủ ở trẻ dưới 1 tuổi gặp nhiều khó khăn, bởi trẻ có các dấu hiệu dễ đánh “lạc hướng” sang bệnh viêm phổi. Bệnh viêm phổi cũng có thể biến chứng viêm màng não bất cứ lúc nào, do đó với bệnh nhân Việt, khi mới chớm nghĩ đến viêm màng não mủ, chúng tôi đã nhanh chóng xét nghiệm dịch não tủy để cho kết quả chính xác. Bên cạnh đó, cũng có thể do việc sử dụng kháng sinh trước đó đã làm ẩn đi các dấu hiệu của viêm màng não, khiến khó nhận biết ra bệnh”. 

Cha mẹ không nên tự ý sử dụng kháng sinh cho con

Cũng theo PGS Nguyễn Tiến Dũng: "Những ngày gần đây, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị viêm màng não. Đáng chú ý là việc cha mẹ đưa con đi khám muộn, cộng thêm tình trạng sử dụng kháng sinh vô tội vạ khiến bệnh tình ngày một phức tạp hơn. Có đến 80 - 90% trẻ nhập viện đã bị cha mẹ tự ý cho dùng kháng sinh. Thậm chí có những cha mẹ khi được hỏi đã điều trị gì cho trẻ chưa thì hồn nhiên trả lời là đã tự đi mua thuốc về điều trị và cho cháu... “uống tạm kháng sinh”. Đây là điều không thể chấp nhận được, gây nguy hiểm cho trẻ vô cùng và là nguyên nhân khiến tình trạng kháng thuốc ngày một trầm trọng. Không những thế, biểu hiện ban đầu của bệnh vì thế cũng bị che khuất đi hoặc có thêm những triệu chứng phức tạp khó nhận biết, gây khó khăn cho điều trị, dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác".

Viêm màng não mủ nặng nếu không phát hiện sớm, xử lý không kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, khi thấy trẻ có các triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, các biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, đau đầu, chảy nước mũi, ho thì cần cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt, cha mẹ không được tự ý mua thuốc điều trị cho con vì có thể làm giảm hoặc mất triệu chứng của bệnh.

Để phòng bệnh viêm màng não cho trẻ, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người nên:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nơi làm việc.

- Chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Thùy Trang - Nguyễn Hiệp H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm