Việt Nam ghi nhận thêm nhiều thành tựu ghép tạng

Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ghép giác mạc từ người hiến chết não - Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế

Thủ tướng gửi thư khen bác sĩ, tri ân người hiến tạng cứu 7 bệnh nhân

Đăng ký hiến tạng 'mở lòng nhân ái, gieo mầm sự sống'

Đề xuất tích hợp đăng ký hiến tạng trên bằng lái xe, căn cước công dân

Cứu sống 5 bệnh nhân từ 6 tạng của một người hiến tạng chết não

Tăng tỷ lệ tạng hiến từ người chết não

Theo Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, 9 tháng đầu năm, Việt Nam có 25 ca chết não hiến mô tạng, 87/829 ca (gần 10,5%) ca được ghép tạng từ người cho chết não. Đây được coi là kỷ lục của ngành ghép tạng Việt Nam, vì trước đây, tỷ lệ tạng hiến từ người chết não chỉ khoảng từ 5-6%.

Thông tin trên được các chuyên gia công bố trong Hội thảo Khoa học về hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam lần thứ hai do Hội Ghép tạng Việt Nam và Học viện Quân y tổ chức. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết, tính đến tháng 7/2024, số người đăng ký hiến mô, tạng tại Việt Nam vào khoảng 101.000 người. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, đa phần tạng đến từ nguồn người cho chết (từ 90% đến 95%), nguồn người cho sống chỉ chiếm từ 5-10%. 

Dù số ca chết não hiến tạng tăng lên, nguồn mô, tạng hiến chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, ghép tạng hiện nay. Ước tính, mỗi ngày có 36 người Việt qua đời vì không có tạng để ghép.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia thông tin, hiện nay Việt Nam đã thực hiện và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật ghép các tạng trên người như: Ghép thận, ghép gan, ghép phổi, ghép tim, ghép tụy. Cả nước đã có 29 bệnh viện thực hiện ghép tạng, trong đó có 27 bệnh viện ghép thận, 8 bệnh viện ghép gan, 5 bệnh viện ghép tim, 4 bệnh viện ghép phổi và 2 bệnh viện ghép được tụy.

4 người tìm thấy ánh sáng nhờ giác mạc từ 2 người hiến tạng chết não

Các y, bác sĩ dành một phút tri ân, mặc niệm bệnh nhân chết não hiến tạng - Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

Các y, bác sĩ dành một phút tri ân, mặc niệm bệnh nhân chết não hiến tạng - Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế vừa hoàn thành 4 ca ghép giác mạc từ giác mạc của 2 bệnh nhân hiến chết não tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định và Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Ghép giác mạc hiện là phương pháp duy nhất và hiệu quả nhất giúp bệnh nhân bị tổn thương giác mạc có cơ hội phục hồi thị lực, đặc biệt là trong những trường hợp điều trị nội khoa không còn mang lại kết quả. Tuy nhiên, với số lượng giác mạc hiến tặng còn hạn chế, hàng ngàn bệnh nhân trên cả nước vẫn đang trong danh sách chờ đợi cơ hội được nhìn thấy ánh sáng một lần nữa.

Ngày 27/9, ngay sau khi nhận được thông tin về nguyện vọng hiến tặng giác mạc của một bệnh nhân nam (41 tuổi) chết não tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định từ Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, các bác sĩ của Trung tâm Mắt đã nhanh chóng thu nhận giác mạc và tiến hành ghép cho 2 bệnh nhân: Một bệnh nhân nữ 40 tuổi từ Gia Lai và một bệnh nhân nam 50 tuổi đến từ Thừa Thiên Huế.

Tiếp đó, ngày 30/9, Trung tâm Mắt đã tiếp nhận giác mạc từ một bệnh nhân hiến tặng chết não khác (36 tuổi) tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Sau khi sàng lọc kỹ lưỡng, giác mạc được ghép thành công cho hai bệnh nhân: Một nam bệnh nhân 30 tuổi từ Gia Lai và một bệnh nhân nam 65 tuổi đến từ Thừa Thiên Huế.

Nhờ sự tận tụy và nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ bác sĩ tại Trung tâm Mắt, các bệnh nhân đã được phục hồi một phần thị lực, mở ra hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn.

Tại buổi lễ xuất viện do Bệnh viện tổ chức, 4 bệnh nhân được ghép giác mạc đã tự nguyện đăng ký hiến tạng của bản thân sau khi qua đời. Đây là cách mà cả 4 bệnh nhân chọn để cảm ơn gia đình của 2 bệnh nhân hiến giác mạc và các bác sĩ đã giúp họ hồi sinh về thị giác.

 

Trước đó, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện lấy đa tạng (thận, gan, tim, giác mạc) từ bệnh nhân chết não 36 tuổi nói trên và tiến hành ghép thận cho 2 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đang điều trị chạy thận nhân tạo chu kỳ. Trong ngày, các bác sĩ đã vận chuyển gan và tim về ngay Hà Nội để kịp thời ghép cho một bệnh nhân bị suy tim và suy gan đang hấp hối. Đây là ca ghép đồng thời tim - gan lần đầu tiên tại Việt Nam.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội