Ca hiến tạng thứ 100 - hiến được nhiều mô tạng nhất của Bệnh viện Việt Đức

Người thân gặp mặt bệnh nhân hiến tạng chết não lần cuối - Ảnh: Bệnh viện Việt Đức

Bệnh viện Việt Đức tư vấn trực tuyến chủ đề cong dương vật

Bệnh viện Việt Đức tư vấn trực tuyến về kỹ thuật thẩm mỹ ngực bụng

Bệnh viện Việt Đức thay toàn bộ khớp háng cho người bệnh quốc tịch Pháp

Bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng máy đo tủy vào phẫu thuật cột sống

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa (Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng) hơn 12 năm qua, tính từ năm 2010 đến ngày 7/3 vừa qua, tại Đơn vị Tư vấn và Điều phối Ghép tạng (ĐVTVĐP), Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận 100 ca hiến mô tạng từ người cho chết não. Ca hiến tạng thứ 100 diễn ra ngày 7/3/2023.

Trước đó, ngày 6/3, ĐVTVĐP Ghép tạng Bệnh viện Việt Đức nhận được thông tin từ phòng khám Cấp cứu về 01 trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não nặng, hôn mê sâu, glassgow 4 điểm. ĐVTVĐP đã nhanh chóng có cuộc gặp mặt và chia sẻ với gia đình bệnh nhân.

Sau khi nghe bác sĩ giải thích về tình trạng của bệnh nhân, gia đình bệnh nhân rất sốc. Khi đề cập đến việc hiến, mô tạng sau khi chết não, gia đình đã bàn bạc và đồng ý hiến mô, tạng. Vợ bệnh nhân là người đặt bút ký vào đơn tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng cho chồng.

Sau 1 ngày điều trị và hồi sức tích cực, các y bác sĩ đã cố gắng hết sức tìm cơ hội sống cuối cùng cho bệnh nhân nhưng không có kỳ tích. Hội đồng đánh giá chết não được thành lập, 3 lần test chết não, kết quả đều dương tính. Hội đồng và Ban giám đốc Bệnh viện công bố bệnh nhân đã chết não. Mọi quy trình chuyên môn và thủ tục pháp lý nhanh chóng được hoàn thành.

Ban Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo ca ghép với sự tham gia của nhiều đơn vị chuyên môn như: Trung tâm Ghép tạng, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Trung tâm Gây mê Hồi sức ngoại khoa, khoa Phẫu thuật Tiết niệu, khoa Giải phẫu bệnh, khoa Thận lọc máu, Viện Chấn thương chỉnh hình, khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình và Thẩm mỹ, cùng các khoa – phòng – ban liên quan khác.

Đây là ca hiến được nhiều mô, tạng nhất từ trước đến nay. Mô, tạng hiến gồm: Tim, gan, 2 thận, 4 mạch máu, 14 gân, 2 sụn. Cùng lúc đó, bệnh nhân nhận cũng được chuẩn bị để tiến hành ghép tạng. Tất cả những diễn biễn trong khi phẫu thuật đều được thực hiện đúng theo quy trình.

Anh Đ.M.K là trường hợp người cho chết não hiến tạng thứ 9 tại Bắc Giang - tỉnh đang đứng đầu cả nước về số người hiến tạng sau khi chết não tại Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa thông tin, từ nguồn tạng hiến của anh Đ.M.K, bệnh viện đã:

- Ghép tim cho một bệnh nhân nữ 53 tuổi ở Bắc Giang bị suy tim giai đoạn cuối.

- Ghép gan cho bệnh nhân nam 33 tuổi ở Ninh Bình bị nang đường mật.

- Ghép 1 thận cho bệnh nhân nam 42 tuổi ở Hải Phòng bị suy thận mạn giai đoạn cuối.

- Ghép 1 thận còn lại cho bệnh nhân nam 48 tuổi ở Hải Phòng.

Bệnh viện Việt Đức là một trong những bệnh viện có số lượng bệnh nhân chết não, bệnh nhân tiềm năng chết não đứng đầu cả nước. Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, nhu cầu ghép tạng rất lớn. Tuy nhiên đến nay, cả nước chỉ có gần 150 người chết não hiến tạng. Việc hiến, tặng mô, tạng là sự sẻ chia sự sống nhằm kéo dài sự sống cho những người bị suy tạng. Đây là một nghĩa cử cao đẹp của người hiến, tặng mô, tạng giúp nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng với cuộc đời.

Theo GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, từ 100 ca chết não hiến tạng, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện 50 ca ghép tim, 83 ca ghép gan, 157 ca ghép thận, 6 ca ghép phổi... Ông cũng mong muốn người dân sẽ ngày càng cởi mở hơn với vấn đề hiến tạng. Một cuộc đời không may dừng lại, nguồn tạng hiến sẽ giúp hồi sinh nhiều cuộc đời mới.

 
Nguyễn Thanh (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin