Từ năm 2020, Bệnh viện Phổi Trung ương đã làm chủ và phối hợp thực hiện thành công kỹ thuật ghép phổi - Ảnh: BVCC
Đăng ký hiến tạng 'mở lòng nhân ái, gieo mầm sự sống'
Đề xuất tích hợp đăng ký hiến tạng trên bằng lái xe, căn cước công dân
BV Nhi Trung ương: Ghép thận thành công cho bệnh nhi nhiều bệnh nền
Việt Nam tập trung phát triển kỹ thuật ghép tạng chuyên sâu
3 ca ghép phổi phức tạp
Theo thông tin từ Bệnh viện Phổi Trung ương, trong năm 2024, đơn vị đã tiến hành 2 ca ghép phổi thành công với sự hỗ trợ từ xa của Trung tâm Ghép phổi UCSF, 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Mỹ.
Ca bệnh gần đây nhất là bệnh nhân Trịnh Thị Hiền, bị tràn dịch màng phổi nặng kèm Lymphangioleiomatomatosis – bệnh phổi đột lỗ hiếm gặp. Các bác sĩ đánh giá đây là ca ghép phổi phức tạp, khó khăn hơn, đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao của các chuyên gia phẫu thuật. Bệnh nhân được ghép lá phổi mới từ người hiến chết não ở Bệnh viện Việt Đức ngày 3/4. Sau 5 tháng điều trị, lá phổi trái đã trở lại hoạt động bình thường, người bệnh sớm được xuất viện.
Như vậy, kể từ khi thành lập Trung tâm Ghép phổi, đã có 3 cuộc đời được hồi sinh từ những lá phổi được hiến tặng. Đầu năm nay, đúng ngày 30 Tết năm Giáp Thìn, Phạm Anh Thư (Bắc Kạn) được ghép 2 lá phổi thành công từ người hiến là nam thanh niên bị chết não do tai nạn. Cô sinh viên 21 tuổi đã trở lại với cuộc sống bình thường và tiếp tục học tập tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên.
Hội ngộ với 2 trường hợp trên trong Chương trình gặp mặt Những lá phổi hồi sinh ngày 23/9 là ông Nguyễn Xuân Toại (Thanh Hóa). TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ: “Sau hơn 4 năm được ghép thành công 2 lá phổi, bệnh nhân Nguyễn Xuân Toại là ca ghép phổi có thời gian sống lâu nhất tại nước ta”. Cả 3 người bệnh đều sống khoẻ mạnh, tình trạng sức khoẻ ổn định, có thể sinh hoạt và làm việc, học tập bình thường.
Triển vọng Trung tâm Ghép phổi vùng
Ba ca ghép thành công trên là dấu mốc ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương với những chỉ đạo và quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị trong và ngoài bệnh viện.
Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương được thành lập theo Quyết định số 51/QĐ-BVPTƯ ngày 17/1/2020 với mục tiêu đưa ghép phổi trở thành một phương pháp điều trị thường quy tại Bệnh viện.
Theo TS.BSCC Đinh Văn Lượng, hiện nay quy trình chẩn đoán, ghép phổi, điều trị trước và sau mổ… tại đơn vị đã đạt tiêu chuẩn như Mỹ, Nhật Bản và các nước phát triển khác. Chương trình Ghép phổi của nước ta sẽ được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi trên thế giới. Giám đốc Bệnh viện mong muốn, trong tương lai, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ phát triển Trung tâm Ghép phổi vùng, đồng thời trở thành địa chỉ tiếp nhận, quản lý và triển khai kỹ thuật ghép phổi cho người bệnh Việt Nam và các nước khác trong khu vực.
Thành công của bệnh viện đã góp phần quan trọng vào thành tựu kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam. Mỗi năm nước ta thực hiện trên 1000 ca ghép tạng, trong đó có 8 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô, tạng. Tuy nhiên, nguồn tạng hiến, nhất là phổi, còn hạn chế. Một người chết não hiến tạng có thể hồi sinh 8 tới 10 người khác.
Người bệnh muốn đăng ký hiến tạng có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia (vnhot.vn); Hoặc đăng ký trực tiếp tại một trong 2 địa điểm sau:
- Khu vực miền Bắc: Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia có địa chỉ tại Phòng 230 – Nhà C2 – Bệnh viện Việt Đức (người đến đăng ký đi qua cổng cấp cứu, phố Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trung tâm làm việc theo giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 và nghỉ lễ theo quy định chung.
- Khu vực miền Nam: Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bình luận của bạn