Y tế tuần: Cứu sống trẻ sinh non có nội tạng nằm ngoài ổ bụng

Phẫu thuật Robot hiện đại nhất hiện nay cho người bệnh ung thư tuyến giáp - Ảnh: Bệnh viện K

Mỹ cung cấp hệ thống oxy lỏng cho 23 bệnh viện ở Việt Nam

Y tế tuần: Phẫu thuật ung thư thận bằng Robot, cứu sống bệnh nhân mắc 3 bệnh nguy hiểm

Y tế tuần: Bệnh viện tại Việt Nam đạt chuẩn quốc tế về điều trị hiếm muộn

Bệnh viện 108 nhận Giải thưởng Vệ sinh tay Xuất sắc Châu Á - Thái Bình Dương

Cấp cứu trẻ sơ sinh có nội tạng nằm ngoài ổ bụng

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa phối hợp liên khoa cấp cứu thành công trẻ sơ sinh non yếu, thoát vị thành bụng, teo ruột. Trường hợp này là sản phụ mang thai lần 3, quá trình mang thai không sàng lọc quý 1. Đến khi đi khám tại Trung tâm Sàng lọc trước sinh và sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, sản phụ được chẩn đoán thai 31 tuần, khe hở thành bụng.

Nhận định đây là trường hợp trẻ cần được cấp cứu sau sinh, các bác sỹ đã tổ chức hội chẩn liên khoa để chuẩn bị phương án hỗ trợ, điều trị tốt nhất cho mẹ và trẻ sau sinh.

Trẻ sơ sinh đã đáp ứng với phác đồ điều trị được đưa ra - Ảnh: VTV.vn

Trẻ sơ sinh đã đáp ứng với phác đồ điều trị được đưa ra - Ảnh: VTV.vn

Sản phụ được theo dõi cho đến khi thai 36 tuần, có dấu hiệu chuyển dạ thì được nhập viện và chỉ định mổ cấp cứu. Thai nhi sinh ra chỉ nặng 2,2kg, có dị tật khe hở thành bụng, khiến dạ dày toàn bộ ruột non và đại tràng lên, túi mật, buồng trứng phải thoát vị ra ngoài ổ bụng. Với sự đồng ý của gia đình, các bác sỹ thực hiện ca phẫu thuật đưa cơ quan nội tạng trở lại ổ bụng cho trẻ và làm dẫn lưu hồi tràng ra da vùng hố chậu phải, điều trị dị tật khe hở thành bụng.

Sau phẫu thuật, trẻ tiếp tục được hồi sức, chăm sóc hoàn toàn bởi nhân viên y tế Khoa Hồi sức tích cực ngoại khoa, đảm bảo các quy trình vô khuẩn. Nhờ đó, hiện tại, trẻ đã bú mẹ tốt, hậu môn nhân tạo ra phân vàng, toàn trạng ổn định, được các bác sỹ cho ra viện, hẹn tái khám sau 2 tháng để đóng hậu môn nhân tạo.

TP.HCM khởi động triển khai thí điểm mô hình Tele PrEP

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức chương trình Khởi động triển khai thí điểm mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa (Tele PrEP).

Đây là giải pháp mới hướng đến việc hỗ trợ khách hàng nhóm nguy cơ cao tiếp cận dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) một cách thuận lợi, góp phần giúp TP.HCM đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Tele PrEP mang lại lợi ích 2 chiều cho cả khách hàng và cơ sở điều trị PrEP

Tele PrEP mang lại lợi ích 2 chiều cho cả khách hàng và cơ sở điều trị PrEP

Với dịch vụ này, khách hàng không cần tới trực tiếp phòng khám. Bác sỹ và khách hàng sử dụng thiết bị và công nghệ thông tin để thực hiện việc tư vấn, khám và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV. Khách hàng sẽ được cấp phát thuốc thông qua một đơn vị vận chuyển và không cần đến trực tiếp phòng khám để nhận thuốc.

Tele PrEP hiện được thí điểm tại: Bệnh viện TP Thủ Đức; Trung tâm Y tế các quận 1,4,7, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Bình Chánh; Một số phòng khám tư… Mô hình này hoàn toàn phù hợp với các định hướng về khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế cũng như Chương trình chuyển đổi số của quốc gia.

Bệnh viện K mổ u tuyến giáp bằng robot

Bệnh nhân hồi phục nhanh sau mổ, phẫu thuật không để lại sẹo - Ảnh: Bệnh viện K

Bệnh nhân hồi phục nhanh sau mổ, phẫu thuật không để lại sẹo - Ảnh: Bệnh viện K

Theo VnExpress, các bác sỹ Bệnh viện K vừa phẫu thuật ung thư tuyến giáp bằng robot, tiếp cận qua đường tiền đình miệng cho bệnh nhân 28 tuổi -  phương pháp hiện đại nhất hiện nay.

Bệnh nhân đi khám định kỳ phát hiện u giáp, kết quả chọc tế bào cho thấy ung thư biểu mô thể nhú. Sau hội chẩn, các bác sỹ tư vấn người bệnh phẫu thuật bằng hệ thống robot, tiếp cận qua đường tiền đình miệng (là một khoang hình móng ngựa, nằm giữa hàm răng và môi má).

Sau hơn một ngày, người bệnh đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn nhẹ trở lại, ổn định ra viện vào ngày thứ 5. Đây là ca mổ ung thư tuyến giáp bằng robot đầu tiên ở Việt Nam.

PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện K, cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng vì ca mổ này thành công, đánh dấu bước ngoặt trong phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp tại Việt Nam". Phương pháp mổ mở tuyến giáp kinh điển thường để lại một sẹo dài ở vùng trước cổ, gây mất thẩm mỹ cho bệnh nhân. Phẫu thuật robot qua tiền đình miệng giúp đảm bảo thẩm mỹ, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, giảm đau tối đa và phục hồi nhanh chóng. 

Vá thông liên nhĩ cho bệnh nhân 39 tuổi tại bệnh viện tuyến tỉnh

Ekip phẫu thuật nội soi hoàn toàn vá lỗ thông liên nhĩ cho người bệnh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Ekip phẫu thuật nội soi hoàn toàn vá lỗ thông liên nhĩ cho người bệnh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Đơn vị Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực – Trung tâm Tim mạch (BVĐK tỉnh Phú Thọ) vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi hoàn toàn vá lỗ thông liên nhĩ cho người bệnh bị thông liên nhĩ bẩm sinh. Đây là kỹ thuật khó, lần đầu tiên được thực hiện thành công tại cơ sở y tế tuyến tỉnh.

Bệnh nhân 39 tuổi phát hiện mắc bệnh thông liên nhĩ - một dị tật tim bẩm sinh khá phổ biến - khi tình cờ đi khám sức khỏe. Do chưa chuẩn bị tâm lý, bệnh nhân xin về từ Hà Nội, đi khám lại tại BVĐK tỉnh Phú Thọ. Người bệnh được chẩn đoán bị thông liên nhĩ với kích thước 18×12mm và có chỉ định phẫu thuật vá lỗ thông liên nhĩ. Sau khi trao đổi, gia đình quyết định lựa chọn phương án phẫu thuật nội soi vá lỗ thông liên nhĩ.

Dưới sự hỗ trợ chuyên môn từ bác sỹ Bệnh viện Tim Hà Nội cùng thầy thuốc của BVĐK tỉnh Phú Thọ, sau hơn 2 tiếng đồng hồ ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Chỉ sau phẫu thuật 3 giờ, người bệnh tỉnh táo, sức khỏe ổn định sau phẫu thuật 5 ngày và đi lại bình thường.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn